Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 6 năm 2018 | 10:59

Cần bổ sung quy định cụ thể về chiến lược phát triển trồng trọt

Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật trồng trọt, một số đại biểu Quốc hội đánh giá nội dung quy định chiến lược của nhà nước về trồng trọt còn mang tính hình thức, khó thực hiện, chưa gắn với chiến lược phát triển của các ngành.

Do đó, Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung các quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi.

default-1.jpg

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi cấm sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ, hóa chất độc hại vào dự thảo luật. Ảnh: TTXVN.

 

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) và một số đại biểu cho rằng, tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật Trồng trọt quy định chiến lược phát triển ngành trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và PTNT. Quy định như vậy chưa phù hợp, bởi với một số loại cây trồng như ca cao, cà phê, cao su, điều..., chu kỳ sinh trưởng và phát triển lên đến 20 năm, 30 năm... Như vậy, chiến lược phát triển đối với các loại cây này phải được quy định  cho phù hợp. Nội dung này nên quy định theo hướng chiến lược phát triển ngành trồng trọt được xây dựng chu kỳ cho 10 năm, 20 năm, 30 năm và định hướng 40 năm. Quy định như vậy sẽ mở rộng tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương có loại cây trồng, địa phương đó sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành trồng trọt một cách linh hoạt, phù hợp hơn với quy định của pháp luật.

Làm rõ trách nhiệm dự báo, định hướng thị trường

Về chính sách của Nhà nước về trồng trọt (Điều 6), có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ một số chính sách về phát triển giống cây trồng mới, bao gồm cả chính sách đối với bảo tồn nguồn gen, vật liệu nhân giống; chính sách ưu tiên phát triển cây trồng chính; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống để nâng cao chất lượng vật liệu giống; đầu tư hạ tầng, trang thiết bị ngành trồng trọt đối với vùng sản xuất giống tập trung, sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Một số đại biểu yêu cầu làm rõ chính sách đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tránh gây ô nhiễm môi trường và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất; chính sách về tổ chức sản xuất trong trồng trọt theo hướng liên kết giữa người nông dân với cơ sở sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nhận định, dự thảo Luật chưa có quy định về chính sách của Nhà nước để cân đối cung – cầu, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng nông dân bị thua lỗ, ép giá và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp trong thời gian qua.

“Những quy định về chính sách quản lý Nhà nước về trồng trọt chưa đạt được mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật là “nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” như Tờ trình của Chính phủ”, đại biểu Diến chỉ rõ. 

Đại biểu Diến kiến nghị, dự án Luật Trồng trọt phải bổ sung rõ hơn vào Điều 6 về “Chính sách phát triển thị trường” và thiết kế một điều trong chương VI (về quản lý Nhà nước về trồng trọt) quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và PTNT,  UBND cấp tỉnh trong việc dự báo, thông tin, cảnh báo, định hướng về thị trường sản phẩm trồng trọt nhằm bảo đảm cân đối cung – cầu sản phẩm, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá, thua lỗ, để đừng có  bài ca mà nông dân nhắc đến nhưng không vui là “được mùa thì thường xuyên mất giá, thỉnh thoảng được giá thì lại mất mùa”. 

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, chính sách của Nhà nước về trồng trọt không cần dài nhưng cần xác định rõ định hướng, phù hợp khả năng nguồn lực và phải được cụ thể hóa tương thích với các điều khoản luật tiếp theo. Theo đại biểu, cần nghiên cứu phân chia chính sách theo 3 nhóm.

Cụ thể, chính sách phát triển ngành trồng trọt theo lĩnh vực thì ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, an toàn, tái sử dụng các phụ phẩm trong trồng trọt...

Đối với chính sách phát triển ngành trồng trọt theo vùng, miền thì vùng đồng bằng có chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung tích tụ đất đai để đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa và khuyến khích liên kết trong sản xuất đảm bảo tính bền vững.

Vùng miền núi, hải đảo điều kiện canh tác khó khăn nên khuyến khích sản xuất hữu cơ, sản xuất giống, phát triển các giống bản địa; vùng thành thị khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp với du lịch. 

Tiếp đó là chính sách phát triển ngành trồng trọt theo đối tượng cây trồng, cần ưu tiên cây trồng chính, cây trồng an ninh lương thực, các cây trồng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, sản xuất giống gốc, giống nguyên chủng, giống bố mẹ... 

Quy định chặt chẽ về hành vi bị cấm

Nhiều đại biểu cho rằng, quy định về những hành vi bị cấm của dự thảo Luật còn  chung chung, người dân khó phân biệt. Trong khi đó nhiều vấn đề cần phải đưa vào các quy định cấm thì dự thảo lại bỏ sót. Do đó, các đại biểu đề nghị bổ sung hành vi cấm trồng các loại cây trồng ảnh hưởng đến môi trường; bổ sung thêm hành vi cấm sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ, hóa chất độc hại; bổ sung cấm trồng các cây ngoại lai, nguy hại; quy định về cấm bán đất mặt mà chỉ cho phép quyền sử dụng đất; quy định về cấm lợi dụng lòng tin vào sản phẩm giống cây trồng, vào chỉ dẫn địa lý, thương hiệu để sản xuất mua bán trục lợi; quy định về cấm hoạt động sản xuất nông nghiệp không đăng ký đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; quy định về cấm trồng cây để trục lợi khi bồi thường khi giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, hầu hết các điều cấm nhằm vào đối tượng sản xuất, kinh doanh, còn đối tượng khác trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thì chưa được điều chỉnh trong luật, định hướng hành vi của những đối tượng này vì nền nông nghiệp an toàn bền vững. Ví dụ, hành vi bán đất mặt, làm giảm độ phì của đất, trong khi Luật Đất đai thì khuyến khích cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, hay hành vi đào giếng ngầm lấy nước mặn trong vùng ngọt làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cây trồng. Hành vi mua bán các bộ phận của cây làm ảnh hưởng đến năng suất sinh trưởng hoặc làm tiệt chủng một số giống cây bản địa quý như bán rễ cây tiêu, hoa cây thanh long, sử dụng nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý để tưới cây trồng, phun thuốc không đúng đối tượng.

Thời gian qua Bộ Nông nghiệp cũng có ban hành một số thông tư không cấm bán một số loại thuốc nhưng cấm sử dụng trên một số loại cây trồng. Điều này cần quy định rõ trong điều cấm.

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị: những quy định về hành vi bị cấm cũng cần phải xem xét nếu đã được quy định trong Luật Quảng cáo, Bộ luật Hình sự thì không cần quy định trong Luật này.

 

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn-ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Top