Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 3 năm 2022 | 9:18

Cần nỗ lực nhiều hơn

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, theo đó, Quốc hội thống nhất với mục tiêu Chính phủ đặt ra, tăng trưởng GDP 6 - 6,5%.

Tiếp đó, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV diễn ra ngay những ngày đầu tiên của năm 2022 đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay, gần 350.000 tỷ đồng với mục tiêu phục hồi và phát triển  nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

 

gdp-den-nam-2025.jpg
Mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

 

Dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2022, cả Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng nhiều chuyên gia kinh tế của các tổ chức quốc tế uy tín và nhà đầu tư đều lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo bởi những điểm sáng trụ cột, như: xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI cùng các chính sách linh hoạt, kịp thời của Chính phủ Việt Nam. Họ đều chung nhân định, năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5-7%, thậm chí ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital còn cho rằng, tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam đạt 7,5%, và có thể hơn. Hay như Fitch Ratings, tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới nhận định: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 7,9% năm 2022 và 6,5% năm 2023…

Những dự báo đó được dựa trên cơ sở: chúng ta đã đạt được kết quả rất tốt về tiêm chủng vắcxin ngừa Covid-19 (đến 14h00 ngày 2/3, cả nước đã tiêm hơn 195,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19; đến nay cả nước còn duy nhất 1 tỉnh bao phủ vắcxin phòng Covid-19 mũi 2 dưới 90%), việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ từ tháng 10/2021 đã giúp đa số doanh nghiệp, người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh cả trong sản xuất và đời sống, việc khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới  đã đưa xuất –nhập khẩu Việt Nam vào TOP 20 thế giới, nay thêm gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế cùng các chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể, sát thực tế của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ,…

Thực tế là qua 2 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế đã có nhiều khởi sắc, nhất là xuất - nhập khẩu. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 10,2%, nhập khẩu tăng 15,9%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước 18,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước 20,8 tỷ USD. Xuất siêu sang EU ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 566 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD)…

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam - gặp nhiều khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm vẫn đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu ước 1,8 tỷ USD, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2021. Một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh gồm cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, thịt, phụ phẩm thịt, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, mây tre, cói,…

Cơ hội để kinh tế Việt Nam phục hồi và bứt phá trong năm 2022 là rất rõ ràng, tuy vậy, những gì xảy ra những ngày gần đây: xung đột quân sự Nga – Ukraina đẩy giá dầu leo thang và nếu tiếp tục mở rộng có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã mong manh do đại dịch Covid-19 gây ra hơn 2 năm qua là những vấn đề rất cần ứng phó linh hoạt, an toàn ở tất cả các cấp, từ Chính phủ, các địa phương đến doanh nghiệp, người sản xuất. Chỉ có cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết theo chuỗi ngành hàng, đẩy nhanh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chúng ta mới tận dụng được cơ hội và giảm áp lực từ những khó khăn, thách thức.

Trên tinh thần chỉ đạoquyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn vốn, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chắc chắn Việt Nam sẽ tạo nên năm 2022 bứt phá mạnh mẽ để tạo tiền đề thực hiện những mục tiêu lớn: năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top