Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 7 năm 2022 | 10:32

Cần thiết phải xây dựng các lò giết mổ tập trung tại Hà Nội

Nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm thường xuyên tăng cao, tuy nhiên, các lò mổ tập trung lại không có, nguy cơ dẫn đến mất an toàn thực phẩm là rất cao. Do đó, đòi hỏi phải xây dựng các lò giết mổ tập trung để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân.

Có khoảng 40% lượng gia súc gia cầm được giết mổ tại các lò giết mổ tư nhân
 
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô nhưng vẫn còn khoảng 40% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên thị trường được giết mổ tại các lò mổ thủ công nhỏ lẻ không được kiểm soát chặt về thú y, dịch bệnh, cũng như nguồn gốc sản phẩm. Điều này gây nên rất nhiều ẩn họa trong đời sống xã hội và từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề "nóng", được dư luận quan tâm.
 
6fc6cae53bde1803cff413d1a13ac3e2.jpg
Hiện, Hà Nội chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp
 
Ông Bảng cũng cho biết thêm, hiện toàn thành phố Hà Nội có 732 cơ sở, điểm, giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 58 cơ sở bán công nghiệp; còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công.
 
Chỉ tính riêng năm 2021, các trạm chăn nuôi và thú y địa phương đã xử lý trên 1.200 trường hợp vi phạm về kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y… có liên quan 673 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Ngày 10/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi.
 
Theo đó, phạt tiền từ 08 - 10 triệu đồng đối với chợ chuyên kinh doanh động vật; cơ sở giết mổ động vật tập trung; cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh không có Giấy chứng nhận vệ sinh thú y hoặc sử dụng Giấy chứng nhận vệ sinh thú y hết hiệu lực (trước đây chỉ phạt từ 07 - 08 triệu).
 
Mặc dù đã có những chế tài để xử phạt các lò mổ thủ công, lò giết mổ nhỏ lẻ tại các gia đình, là nơi có nguy cơ cao lây bệnh, gây ô nhiễm môi trường, nhưng các lò mổ này vẫn hoạt động. Trong khi các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn, chưa được quản lý vẫn tồn tại song song với cơ sở giết mổ tập trung, nguyên nhân do chi phí tại các ò giết mổ tập trung cao hơn nhiều so với các lò giết mổ nhỏ lẻ.
 
Khó khăn xây dựng các lò giết mổ tập trung
 
Theo ông Nguyễn Đình Đảng, để bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường, loại bỏ nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các địa phương  cần chủ động kiểm tra, rà soát, quyết liệt triển khai các giải pháp chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý các sản phẩm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bố trí việc triển khai xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.
 
Tuy nhiên, khó khăn trong việc xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung này do phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng… phải cần rất nhiều thủ tục phải thực hiện. Cùng với đó, kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung rất lớn, nhất là đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải, khiến khó kêu gọi nhà đầu tư.
 
day-chuyen-giet-mo-che-bie.jpg
Vấn đề thu hồi đất để xây dựng các khu giết mổ tập trung đang gặp khó khăn
 
“Thời điểm hiện tại, TP đã kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn; đã có 10/29 cơ sở được đầu tư, đang hoạt động hiệu quả. Việc nâng cao năng lực sản xuất cũng như kiểm soát các cơ sở giết mổ không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô mà còn góp phần hạn chế dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Từ những giải pháp mang tính đột phá này đã giúp tháo gỡ được "điểm nghẽn" trong việc hình thành mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đồng thời thúc đẩy ngành chăn nuôi của Hà Nội, phát triển theo hướng hiện đại”, ông Nguyễn Đình Đảng nhấn mạnh.
 
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Lừng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hàng trăm điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Sóc Sơn đã quy hoạch 3 điểm giết mổ tập trung và tập trung quy mô nhỏ, nhưng vẫn nằm “trên giấy” do chưa có doanh nghiệp vào đầu tư bởi kinh phí lớn, mức độ rủi ro cao… Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân thông tin, huyện được phê duyệt 2 điểm giết mổ gia súc và 1 điểm giết mổ gia cầm. Năm 2020, Công ty cổ phần Sơn Nam đã quyết định đầu tư 1 điểm giết mổ tại xã Quang Lãng nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì thủ tục phức tạp.
 
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan cho biết, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát cần nguồn vốn lớn, nhưng “đầu ra” cho thực phẩm an toàn vẫn khó khăn, do vậy các doanh nghiệp chưa mặn mà...
 
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các địa phương cần thực hiện rất nhiều thủ tục, như: Thu hồi, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Cùng với đó, kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung lớn, đặc biệt đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải... Trong khi đó, các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý chặt chẽ nên sản phẩm của cơ sở giết mổ tập trung khó có thể cạnh tranh do chi phí cao hơn... Mặt khác, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa thực sự hiệu quả, chưa sát với thực tế nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
 
Tháo gỡ khó khăn
 
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Thanh Tuyết cho rằng, muốn xây dựng thành công mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, thành phố cần ban hành một số cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như miễn tiền thuê đất trong 1-2 năm đầu, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, trong chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, thành phố cần yêu cầu các địa phương đưa tiêu chí có một điểm giết mổ tập trung (ở những nơi có quy hoạch) để thúc đẩy tiến độ thực hiện.
 
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh, để các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hiệu quả sau đầu tư, các địa phương cần xử lý nghiêm những điểm giết mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường; xử lý theo quy định các sản phẩm không có dấu kiểm soát thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
 
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch đề xuất các cơ quan chức năng tham mưu với UBND thành phố có chính sách hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ sở giết mổ tập trung để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Thành phố có thể đầu tư cơ sở giết mổ mẫu ở một địa phương, để các doanh nghiệp, địa phương khác đến học tập và rút kinh nghiệm.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo các sở, ngành; các huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi (thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…) cho các tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm; đồng thời tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án để sớm hoàn thành mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đưa hoạt động này vào nền nếp, cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường.
 
Để có hệ thống lò giết mổ tập trung, nhất thiết phải có phương án, kế hoạch và thực hiện công tác thu hồi đất theo các quy định của nhừa nước, giao cho các chủ đầu tư xây dựng các lò giết mổ. Công việc này không thể chỉ có các địa phương mà cần phải có sự vào cuộc của các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nôi. Bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân trước nạn thực phẩm mất an toàn ngay từ khâu giết mổ cần phải được thành phố quan tâm và thực hiện ngay.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top