Thời gian qua, nhiều người dùng thực phẩm chay với suy nghĩ sẽ đảm bảo được an toàn thực phẩm, tuy nhiên, phẩm chay không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.
Điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho những người tiêu dùng, liệu thực phẩm chay có thực sự an toàn?
Thu giữ hàng loạt thực phẩm chay không đảm bải an toàn
Gần đây nhất lực lượng chức năng của tỉnh Long An gồm Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh An Giang phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh An Giang) bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chay tại ấp Hậu Giang 1, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, An Giang, do bà Phan Thị Bích Tuyền làm chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở của bà Tuyền sản xuất thực phẩm chay vi phạm: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sản xuất thực phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hơn 3.000 kg chả đòn chay nghi vấn là có nhiều chả đòn chay trộn với thịt cá để lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá, phân tích chất lượng sản phẩm.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, Cục QLTT tỉnh này vừa phát hiện và thu giữ 500 kg thực phẩm chay, trên nhãn hàng hóa là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.
Cụ thể, Đội QLTT số 3 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành khám đồ vật là các thùng giấy carton được tập kết tại bến phà Chợ Vàm, Ấp 2, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp do ông Nguyễn Thanh Hùng ngụ địa chỉ: Khóm Phú Trường, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang làm chủ sở hữu.
Qua kiểm tra, phát hiện 50 thùng (10kg/thùng = 500 kg) giấy carton có chứa hàng hóa là thực phẩm chay do Trung Quốc sản xuất, trên nhãn hàng hóa là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, trị giá tang vật gần 34 triệu đồng.
Đội QLTT số 3 làm việc, ông Nguyễn Thanh Hùng xuất trình các giấy tờ gồm: Hóa đơn thuế giá trị gia tăng, bản tự công bố sản phẩm và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xác nhận toàn bộ số hàng hóa là Sườn non chay (Textured Soy Protein).
Hiện, Đội QLTT số 3 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật nêu trên và đang hoàn tất hồ sơ trình Cục trưởng QLTT tỉnh Đồng Tháp ra quyết định xử phạt với số tiền 12.500.000 đồng.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thực phẩm chay thông thường được làm từ đậu nành, rau, củ, quả. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, màu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm.
Việt Nam cũng đã có quy định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và ban hành danh mục các chất phụ gia thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có ghi rõ tên các chất phụ gia được phép dùng với giới hạn tối đa trong từng loại thực phẩm.
Nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các phụ gia thực phẩm có tác dụng tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng, giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng, làm tăng giá trị thương phẩm trên thị trường...
Tuy nhiên, có những cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận nên sẵn sàng sử dụng các loại phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm, có giá thành thấp để chế biến đồ ăn chay, hoặc nhập khẩu những sản phẩm chay không nhãn mác, không thời hạn sử dụng để bán... gây tác hại cho sức khỏe con người.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm, sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe.
Cụ thể là gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép và gây ngộ độc mạn tính dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục (một số phụ gia tích lũy trong cơ thể gây tổn thương lâu dài, đặc biệt là loại phụ gia bị cấm). Có thể kể đến hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao...
Lựa chọn thực phẩm chay an toàn
Ông Trần Ngọc Tụ, nguyên Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm trên thị trường, cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra các mặt hàng thực phẩm chay, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm về độ an toàn để kịp thời cảnh báo với người tiêu dùng.
Ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, bản thân người tiêu dùng cũng cần phải có những kiến thức nhất định về thực phẩm chay, biết phân biệt thực phẩm chay an toàn và không an toàn. Khi mua thực phẩm chay, người dân cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị ngả màu, mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu.
Trong quá trình lựa chọn thực phẩm chay để sử dụng, người tiêu dùng cần tìm mua thực phẩm chay ở những cửa hàng có thương hiệu, uy tín, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Đối với thực phẩm chay ngoại nhập, cần mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, có tem nhãn phụ, hạn sử dụng...
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), biện pháp tốt nhất là nên tự chế biến món ăn chay từ rau củ tươi, các loại đậu, đỗ, không nên lạm dụng những món ăn “chay giả mặn” có tên gọi hấp dẫn được chế biến với nhiều phụ gia, phẩm màu cho giống với các món mặn.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, những đơn vị kinh doanh thực phẩm chay cần phải có “cái tâm” trong kinh doanh thực phẩm chay này, nhất là không sử dụng phụ gia, chất cấm vào trong việc chế biến và bảo quản thực phẩm chay.