Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 30 tháng 4 năm 2018 | 8:35

“Cánh quân thứ 6” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với iến sỹ trên chiến trường.

Cách đây 43 năm, ngày 7/4/1975, toàn bộ các cánh quân của ta ở phía Nam đã nhận được một bức điện khẩn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến.
 
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý với đề nghị của Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên gọi "Chiến dịch Hồ Chí Minh" thay cho tên gọi "Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định".
 
Được sự chấp thuận của Bộ Chính trị, ngày 26/4/1975 Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh; 5 cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài tiến công như vũ bão về TP. Sài Gòn.
 
Có một cánh quân tham gia chiến dịch muộn nhất nhưng xuất hiện trên TP. Sài Gòn sớm nhất, đấy là “Phi đội Quyết thắng”. Chiều ngày 28/4/1975 Phi đội đã dùng 5 máy bay A37 thu được của địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Trận đánh này là đòn hiểm bất ngờ làm cho quân địch choáng váng đã góp phần thúc đẩy nhanh sự tan rã, sụp đổ của quân đội Sài Gòn, buộc Mỹ phải nhanh chóng thực hiện kế hoạch di tản.
 
Trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 của "Phi đội Quyết thắng" còn được ví như "Cánh quân thứ 6" trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
 
Độc lập tác chiến trong mọi tình huống
 
Tháng 2/1975 Quân chủng PK - KQ tổ chức Sở Chỉ huy Tiền phương Phía Nam, có nhiệm vụ đảm bảo các hoạt động bay chi viện cho chiến trường và tiếp quản các sân bay mới được giải phóng: Tà Cơn, A Lưới, Phú Bài. Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi, ngày 29/3/1975 TP. Đà Nẵng được giải phóng. Sở Chỉ huy Tiền phương nhanh chóng vào tiếp quản sân bay Đà Nẵng, thu hồi máy bay, khí tài và các loại vũ khí của địch bỏ lại khi tháo chạy.
nh-1.jpg
Tư lệnh Quân chủng PK - KQ Lê Văn Tri và Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh giao nhiệm vụ cho "Phi đội Quyết thắng"

Đêm ngày 01/4/1975 Sở Chỉ huy Tiền phương Quân chủng PK - KQ giao nhiệm vụ cho Sĩ quan tác chiến Lương Ngọc Huynh, nguyên là phi công máy bay ném bom, từ Đà Nẵng đi cùng Sư đoàn 2, Quân khu 5 tiến về giải phóng, tiếp quản Quy Nhơn và sân bay Phù Cát.

Trong sân bay Phù Cát lúc này ngổn ngang vũ khí, xe quân sự ... của địch, nhưng anh quan tâm nhiều đến những chiếc máy bay các loại, nhất là những chiếc máy bay A37 trên đường băng và đường lăn. Anh nói với các đồng chí bộ đội địa phương: "Những máy bay này trước đây của địch, nhưng nay nó là của chúng ta. Vì vậy tôi và các đồng chí có trách nhiệm phải giữ gìn, bảo vệ nó để làm vũ khí đánh địch, giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn. Chúng ta ngày đêm canh giữ, bảo vệ an toàn cho sân bay Phù Cát".
 
Những ngày tiếp theo, huyện đội Phù Cát cung cấp danh sách một số hàng binh địch đã từng làm việc và phục vụ trong sân bay Phù Cát. Để phù hợp với chuyên môn ngành nghề, anh chọn một số hàng binh là nhân viên kỹ thuật hàng không, thợ sửa chữa máy bay và tiến hành ngay việc thu dọn các máy bay về vị trí an toàn. Những chiếc máy bay A37 qua kiểm tra bên ngoài còn tốt đưa vào ụ chứa máy bay. Sau ba ngày đêm làm kỹ thuật, kết quả 6 chiếc máy bay A37 đều nổ máy được, nhưng chỉ có 4 chiếc có thể cất cánh chiến đấu.
nh-2.jpg
"Phi đội Quyết thắng" xuất kích

Đã từng là phi công, trải qua những năm là trợ lý tác chiến nên anh có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về hàng không, anh quyết định cùng nhân viên kỹ thuật hàng binh nổ máy lăn thử kiểm tra máy bay với lượng dầu vừa đủ để lăn bánh. Sau khi nổ máy lăn thử và kiểm tra máy bay tốt, anh đưa máy bay cất kỹ vào ụ, tháo ắc qui, niêm phong máy bay, tổ chức canh gác cẩn thận đề phòng địch phản kích.

Nhiệm vụ tiếp theo, anh cùng bộ đội địa phương và hàng binh dọn dẹp làm sạch đường băng, đường lăn; chỉ sau một ngày đêm, đường băng sân bay Phù Cát trở lại bình thường, đảm bảo máy bay cất hạ cánh an toàn. Tổ chức niêm phong và canh gác kho xăng dầu, kho bom đạn, khí tài, kiểm tra và bảo vệ nhà máy nước, nhà máy điện (sân bay Phù Cát khi đấy không dùng điện lưới mà có nhà máy điện riêng)...
 
Sáng 23/4/1975, tổ Đặc nhiệm kỹ thuật do Thiếu tá Hồ Thanh Minh chỉ huy đã bay vào Phù Cát. Sau khi bàn giao toàn bộ số máy bay cho tổ Đặc nhiệm kỹ thuật, lúc này Sĩ quan tác chiến Lương Ngọc Huynh mới thực sự vui mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.
 
“Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”
 
Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, phi công Phạm Ngọc Lan chỉ huy một đoàn công tác của KQNDVN vào tiếp quản số máy bay, khí tài, vũ khí của không quân địch tháo chạy bỏ lại ở sân bay Đà Nẵng.
nh-3.jpg
Niềm vui sau chiến thắng

Ngày 19/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh  lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân chủng PK - KQ chuẩn bị gấp để không quân tham gia chiến dịch với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Nếu dùng máy bay MiG17 hoặc MiG21 thì có lợi thế là các phi công ta quen thuộc, nhưng phải mất 2, 3 ngày để chuyển sân vào; ngoài ra phải vận chuyển bom đạn, các xe điện khí, xe nạp dầu, xe nâng bom, máy đối không (vì máy bay MiG dùng hệ phát sóng VHF, còn ở các sân bay và máy bay địch dùng hệ UHF)... Thời gian sẽ không đáp ứng được theo mệnh lệnh.
 
Với phương châm "Lấy vũ khí của địch để đánh địch", Bộ Tư lệnh PK - KQ đã báo cáo Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch cho dùng máy bay A37 thu được của địch để ném bom và khẩn trương triển khai một loạt các công tác chuẩn bị để kịp thực hiện trận đánh mang ý nghĩa quan trọng này.
 
Ngày 21/4/1975 chiếc máy bay IL18 của Lữ đoàn KQ 919 chở tốp phi công đầu tiên gồm: Nguyễn Văn Thọ, Chủ nhiệm bay Trung đoàn; Dương Bá Kháng, phi công MiG21; Từ Đễ, phi công MiG17 từ Gia Lâm vào Đà Nẵng. Ngày 22/4/1975 các phi công của Phi đội 4, Trung đoàn KQ 923: Nguyễn Văn Lục, Trần Cao Thăng, Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng ... cũng có mặt tại Đà Nẵng. Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Trần Mạnh giao nhiệm vụ cho các anh chỉ có 5 ngày vừa học lý thuyết vừa thực hành bay. Một nhiệm vụ rất nặng nề, gian khó đòi hỏi các phi công phải thật bản lĩnh và rất nỗ lực. Bình thường nếu chuyển loại máy bay cùng hệ từ MiG sang MiG thì nhanh nhất cũng phải 3 tháng. Máy bay A37 khác hẳn các loại máy bay do Liên Xô sản xuất, từ hệ thống điểu khiển, hệ thống đo lường, đến các thiết bị đồng hồ (nhất là đồng hồ chân trời), hệ thống phanh ... Ở trong buồng lái đều ghi bằng tiếng Anh ...
 
Các phi công tranh thủ mọi thời gian để học tập. Một số công tắc quan trọng  được các anh ghi chú thích vào mảnh giấy nhỏ và dán ở bên cạnh. Với quyết tâm cao, với trí thông minh của phi công ta, kết hợp với sự trợ giúp của 2 phi công chế độ cũ là: Trần Ngọc Xanh và Trần Văn On, chưa đến 2 ngày các phi công ta đã nắm khá chắc về lý thuyết.
 
Ngày 24/4/1975, phi công Từ Đễ đã bay chuyến bay đầu tiên. Ngày hôm sau, tất cả các phi công đã bay thực hành thành công. Đến ngày 26/4/1975 các phi công đã học chuyển loại xong loại máy bay A37 và sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
nh-4.jpg
Đồng chí Lương Ngọc Huynh mở máy kiểm tra máy bay

 

Ngày 26/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch điều phi công Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng tăng cường cho Phi đội.
 
Trong khi các phi công nỗ lực học chuyển loại máy bay A37 thì nhiệm vụ bảo đảm công tác kỹ thuật, phục hồi đưa vào sử dụng máy bay A37 tại Đà Nẵng được giao cho Thiếu tá Hồ Thanh Minh - Phó Phòng Kỹ thuật Sư đoàn KQ 371 phụ trách.
 
“Chỉ được đánh vào chiều ngày 28/4/1975”.
 
Trên chiến trường, những cánh quân của ta đang thần tốc tiến về Sài Gòn. Sáng ngày 26/4/1975, tại Tổng hành dinh, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng PK - KQ Lê Văn Tri: “Nhanh chóng sử dụng máy bay thu được của địch tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và chỉ được đánh vào chiều ngày 28/4/1975, không được đánh vào các ngày khác”.
 
 Ngay sau đấy, Tư lệnh Lê Văn Tri đã bay vào Đà Nẵng, Phù Cát để kiểm tra công tác chuẩn bị của phi công, việc bào đảm kỹ thuật, hậu cần mặt đất.
 
Ngày 27/4, Phi đội di chuyển bằng máy bay An24 từ sân bay Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát. Chiếc A37 ở Đà Nẵng do hai phi công Hoàng Mai Vượng và Nguyễn Thành Trung điều khiển cũng chuyển sân vào Phù Cát trong ngày.
 
Tại sân bay Phù Cát, các cán bộ kỹ thuật và thợ máy tranh thủ ngày đêm đã chuẩn bị và chọn được 5 chiếc A37 để tham gia trận đánh.
 
Giữa trời nắng nóng của sân bay Phù Cát, các phi công đã bay thử 5 chiếc máy bay A37 được chọn và luyện tập thêm các khoa mục.
nh-5.JPG

Đại tá phi công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Từ Đễ

Tại sân bay Phù Cát, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân (PK – KQ) Lê Văn Tri, Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu gồm các đồng chí Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị đã bàn bạc và thống nhất sử dụng 5 máy bay A37 tham gia trận đánh.

Tư lệnh Quân chủng PK - KQ Lê Văn Tri quyết định thành lập phi đội ném bom được mang tên "Phi đội Quyết thắng" do phi công Nguyễn Văn Lục làm Phi đội trưởng, phi công Từ Đễ làm Phi đội phó, các thành viên còn lại bao gồm các phi công: Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On.
Mọi công việc chuẩn bị đã sẵn sàng cho trận đánh lịch sử.
 
"Chỉ có một ngày, chỉ có một lần"
 
09h30 sáng ngày 28/4/1975 toàn bộ phi công “Phi đội Quyết thắng” chuyển 5 máy bay A37 từ Phù Cát vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang); máy bay vận tải chở các thợ máy, nhân viên kỹ thuật, hậu cần, tham mưu, chính trị ... cũng bay vào theo.
 
Các khâu đảm bảo kỹ thuật, xăng dầu, bom đạn ... được kiểm tra kỹ lưỡng lần cuối.
 
Tư lệnh Quân chủng PK - KQ Lê Văn Tri, Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu, các cán bộ trong Sở chỉ huy Quân chủng tiền phương và các phi công cân nhắc chọn mục tiêu ném bom. Các mục tiêu ban đầu dự kiến: Kho xăng Nhà Bè, Dinh Độc lập, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha Cảnh sát, Tòa nhà Đại sứ Mỹ. Sau khi phân tích, Bộ Tư lệnh thống nhất quyết định chọn sân bay Tân Sơn Nhất làm mục tiêu tấn công bởi đây là mục tiêu lớn, dễ phát hiện, không gây thương vong cho người dân, tránh đổ nát cho thành phố. Bộ Tư lệnh cũng yêu cầu không đánh vào đường băng và phải bảo đảm an toàn cho phái đoàn ta ở trại Đa Vít.
 
Trong suốt quá trình chuẩn bị chiến đấu, được sự chỉ đạo sát sao của Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Trần Mạnh, Bộ Tư lệnh Không quân chiến đấu và các cơ quan ... đã hoàn thành quyết tâm và kế hoạch chiến đấu cho đòn tiến công tập kích đường không lịch sử này. Các phi công trực tiếp tham gia được bố trí theo đội hình chiến thuật 5 chiếc: do quen địa hình nên phi công Nguyễn Thành Trung được phân công bay ở vị trí số 1 làm nhiệm vụ dẫn đường, Từ Đễ - số 2, Nguyễn Văn Lục - số 3, Hoàng Mai Vượng & Trần Văn On - số 4 (bay chung một máy bay), Hán Văn Quảng - số 5.
 
Phương án mang vũ khí và dầu phụ: Mỗi A-37 mang 2 quả bom MK-82 và 2 quả bom MK-81, cùng một cơ số đạn súng máy và 4 thùng dầu phụ. Đường bay: Thành Sơn (Phan Rang) - Phan Thiết - Hàm Tân - Sài Gòn - Thành Sơn. Phi công tiến hành dẫn bay bằng địa tiêu là chính, dẫn đường từ mặt đất đảm nhiệm theo dõi và dẫn hỗ trợ. Sở chỉ huy Thành Sơn chỉ huy toàn bộ trận đánh, phi công Nguyễn Văn Lục chịu trách nhiệm chỉ huy trên không.
nh-6.JPG
Thượng tá Lương Ngọc Huynh, nguyên cán bô Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng PK - KQ
 
Lúc 13h00 ngày 28/4/1975, Tư lệnh Quân chủng PK - KQ Lê Văn Tri cùng các đồng chí: Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Trần Mạnh (tổ chức chuẩn bị chiến đấu), Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh (chỉ huy trực tiếp), Phó Tư lệnh Sư đoàn KQ 371 Nguyễn Hồng Nhị (chỉ huy phía trước) đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn. Trực ban Dẫn đường ở Sở chỉ huy là đồng chí Lê Thành Chơn. Mục tiêu tấn công là khu để máy bay chiến đấu của không quân ngụy Sài Gòn. Phương pháp công kích và thoát ly: Lần lượt từng chiếc vào bổ nhào ném bom và bắn súng, sau đó bám theo nhau thoát ly bay về căn cứ.
 
Để giữ bí mật, bất ngờ, ta xuất kích vào lúc gần chiều tối, lợi dụng đường bay của địch thường hay sử dụng, bay ở độ cao thấp và không sử dụng đối không. Nếu tiêm kích địch bám đuổi thì máy bay ở phía sau chủ động ngăn chặn để các máy bay bay phía trước tiếp tục thực hiện bằng được nhiệm vụ.
 
Lúc 16h25, Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh ra lệnh cho Phi đội cất cánh.
 
Sau khi qua sông Sài Gòn, Phi đội nhìn thấy rõ và tiếp cận mục tiêu.
 
Theo phân công, phi công Nguyễn Thành Trung là người đầu tiên ném bom đánh dấu mục tiêu, nhưng bom không ra; lúc này phi công Từ Đễ quyết định thay đổi nhiệm vụ, anh ném 4 quả bom từ đầu bãi đậu máy bay kéo đến giữa bãi để chỉ thị mục tiêu, đồng thời khóa lối ra của bãi đỗ. Sau đấy các máy bay số 3, số 4, số 5 lần lượt bay vào ném bom bãi đỗ máy bay. Máy bay số 1 vòng lại để ném bom, khi này máy bay số 2 bay theo để yểm hộ.
 
Khi toàn Phi đội hoàn thành nhiệm vụ rời khỏi Tân Sơn Nhất để bay về sân bay Thành Sơn thì phi công Từ Đễ - bay số 2, quyết định lượn một vòng qua trung tâm thành phố Sài Gòn. Từ trên cao ông nhìn thấy thành phố náo loạn. Chính những phút bay tự do ngoài kế hoạch của phi công Từ Đễ sau này được đánh giá như một hành động đánh động toàn thành phố Sài Gòn. Vừa rời thành phố Sài Gòn, phi công Từ Đễ nhìn thấy một chiếc C141 đang bay ra biển, anh cho máy bay bay song song với chiếc C141 và mở đèn tín hiệu cảnh báo va chạm, sau đó cải hướng bay bám theo Phi đội bay về Phan Rang.
 
Trên đường về sân bay Thành Sơn, máy bay của Từ Đễ còn rất ít dầu, anh quyết định tắt một động cơ để tiết kiệm nhiên liêu và xin phép hạ cánh trước.
 
Đúng 18h15, sau 110 phút bay chiến đấu, toàn bộ Phi đội đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Thành Sơn (Phan Rang), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Đánh giá trận đánh của Phi đội Quyết thắng, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh nhận xét: "Là một trận đánh phối hợp tuyệt đẹp, một trận đánh hiệp đồng quân binh chủng đầy đủ nhất từ trước tới nay của Quân đội ta vào thời điểm hết sức quan trọng, có tác động lớn đến diễn biến chiến dịch, đẩy địch đến hoảng loạn"./.
Nguyễn Việt Cường (Cựu chiến binh - nguyên Sĩ quan Dẫn đường KQNDVN)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top