Những năm qua, Cao Bằng đã có một số giải pháp hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ thoát nghèo giảm mạnh.
Ngân hàng chính sách xã hội đồng hành cùng người dân
Ông Lương Thanh Hiếu, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) cho biết: Phát huy vai trò “cầu nối”, là “bạn đồng hành” của người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 17/17 xã, thị trấn triển khai nhiều biện pháp để nắm bắt nhu cầu, hỗ trợ giải ngân kịp thời cho người dân. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 226 tỷ 309 triệu đồng, tăng 6 tỷ 303 triệu đồng so với 31/12/2019; tổng số hộ dư nợ là 4.971 hộ với dư nợ bình quân 45,5 triệu đồng/hộ.
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Phụ nữ huyện Thạch An nhận ủy thác của các ngân hàng cho 1.508 hội viên vay, với tổng số tiền là 68,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Trong đó, phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 1.496 hộ thuộc 45 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng số tiền cho vay là 67,9 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện cho 12 hộ thuộc 4 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho vay 579 triệu đồng; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giải ngân 1,9 tỷ đồng từ Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển" cho 173 hộ vay vốn phát triển kinh tế.
Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ huyện Bảo Lạc tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn cho gần 3.000 hội viên vay với số tiền là 94 tỷ 796 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 78 tỷ 970 triệu đồng, cho 1.757 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện cho 305 hộ vay số tiền là 13tỷ 76 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn xây dựng mô hình “tiết kiệm” tại 100% chi hội được 750 triệu đồng, hỗ trợ 250 hội viên vay; từ nguồn quỹ sinh kế của 51 Câu lạc bộ Phát triển cộng đồng đã hỗ trợ cho trên 2.000 hội viên vay, với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Qua các hoạt động hỗ trợ, có 147/286 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 64,60% (năm 2015) xuống còn 40,65% hiện nay.
Nhiều nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ người dân
Năm 2020, huyện Thạch An có 3.857 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 30a, Chương trình 135 với tổng nguồn vốn 8 tỷ 480 triệu đồng.
Thông qua nguồn vốn, thực hiện 24 dự án trồng trọt được hỗ trợ phân bón, cây ăn quả, mua máy móc công cụ, có 2.484 hộ tham gia với tổng nguồn vốn trên 4 tỷ 643 triệu đồng; 11 dự án chăn nuôi được hỗ trợ con giống, thức ăn, máy thái thức ăn, có 496 hộ tham gia với tổng nguồn vốn trên 1 tỷ đồng; 14 dự án lâm nghiệp được hỗ trợ cây giống, có 686 hộ tham gia với tổng nguồn vốn 1 tỷ 742 triệu đồng. Triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, có 55 hộ được hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp dinh dưỡng với nguồn vốn 500 triệu đồng; 135 hộ được hỗ trợ thành lập mô hình chăn nuôi gà với nguồn vốn 200 triệu đồng.
Đến nay, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đang quản lý 53 tỷ 197 triệu đồng từ Quỹ "Hỗ trợ nông dân"; trong đó, nguồn nhận ủy thác từ Quỹ "Hỗ trợ nông dân" của Trung ương Hội là 8 tỷ 205 triệu đồng; nguồn cấp tỉnh vận động 9 tỷ 443 triệu đồng; nguồn cấp huyện, xã, phường, thị trấn vận động 35 tỷ 549,5 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ có 2.829 hộ vay vốn thực hiện 439 mô hình, dự án, trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác thực hiện 15 mô hình, dự án với số vốn 7 tỷ 850 triệu đồng/179 hộ vay; nguồn Quỹ cấp tỉnh thực hiện 27 mô hình, dự án với số vốn 7 tỷ 830 triệu đồng/284 hộ vay; nguồn vận động cấp huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đang quản lý, thực hiện 397 mô hình, dự án với số vốn 33 tỷ 069,5 triệu đồng/2.366 hộ vay.
Thay đổi tư duy sản xuất cho người dân
Giai đoạn 2017 - 2023, Dự án CSSP tỉnh Cao Bằng được Chính phủ và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ với tổng số vốn đầu tư 812 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm nghèo, nâng cao mức sống, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu cho trên 16.500 hộ gia đình sinh sống tại 30 xã khó khăn thuộc địa bàn các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An.
Thành công của Dự án là việc xây dựng và phát triển các nhóm cùng sở thích (CIG). Dự án thay đổi cách xây dựng nhóm CIG, nếu trước đây nhóm CIG phải cùng phát triển 1 sản phẩm thì Dự án nhóm CIG phải là người sinh sống trong cùng 1 xóm, có sự đoàn kết và am hiểu địa bàn. Hoạt động trong nhóm đa dạng để phù hợp với từng thành viên, từng thị trường theo sự thay đổi khí hậu. Dù việc sản xuất khác nhau nhưng các thành viên trong nhóm vẫn đổi công cho nhau hoặc cùng mua chung (phân bón, vật tư...), trao đổi kinh nghiệm và huy động tiết kiệm hình thành quỹ cho vay quay vòng trong nhóm.
Với cách làm này, người dân được trao quyền chủ động trong sản xuất, cả nhóm sẽ quyết định cho ai được vay vốn và cùng nhau giám sát. Tính đến tháng 11/2019, đã thành lập, củng cố và duy trì hoạt động 285 nhóm cùng sở thích với sự tham gia của gần 4.000 thành viên, trong đó có 70,4% thành viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng quỹ quay vòng của 285 nhóm là 3,3 tỷ đồng, trong đó, dự án tài trợ 1,62 tỷ đồng.
Thông qua Dự án CIG, thu nhập của các hộ tăng lên; năm 2019, các hộ thuộc lĩnh vực trồng trọt có thu nhập trung bình là 12,4 triệu đồng, cao hơn so với năm 2017 là 5,9 triệu đồng và cao hơn so với vùng ngoài dự án năm 2019 là 5,4 triệu đồng.
Là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Hà Quảng đã tập trung đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi mũi nhọn theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đem lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, Vương Văn Võ chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ cho người dân gần 16 tỷ đồng để phát triển cây trồng, vật nuôi mũi nhọn, chuyển dịch sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, hướng tới sản xuất hàng hóa. Trong đó, chú trọng phát triển cây thuốc lá, lạc L14, ngô hàng hóa, chăn nuôi lợn đen… Đến nay, những vùng trồng thuốc lá, trồng ngô, trồng lạc diện tích tiếp tục mở rộng, người dân khu vực này luôn có thu nhập khá cao và ổn định; tổng đàn lợn đen của người dân trong huyện đã đạt trên 14.900 con, đây đang là hướng chăn nuôi manng lại hiệu quả cho người dân.
Đến năm 2019, tổng đàn bò của huyện Bảo Lâm có 34.000 con, đạt 94,5% kế hoạch, bằng 68% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ. Dự kiến năm 2020, tổng đàn bò tăng lên 35.000 con, bằng 70% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ. Việc đầu tư phát triển đàn bò thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Giai đoạn 2016 - 2019, bà con bán ra thị trường 13.629 con bò thương phẩm, giá trị thu nhập trên 387,2 tỷ đồng; nhiều hộ đầu tư phát triển, duy trì tổng đàn từ 10 con trở lên, hằng năm xuất bán ra thị trường từ 2 - 4 con bò, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Anh Hoàng Văn Minh, dân tộc Dao (xóm Bản Búng, xã Yên Thổ) chia sẻ: Nhờ có kinh nghiệm trồng cỏ nuôi bò, ban đầu chưa có vốn, tôi chỉ đầu tư nuôi 1 - 2 con bò/năm. Nhận thấy, trồng cỏ nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế, năm 2017, tôi vay 20 triệu đồng từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” mua 2 con bò giống, sau 4 năm đã phát triển lên 6 con và trả được vốn vay. Hiện gia đình tôi nuôi 12 con bò, 8 con trâu; bình quân mỗi năm bán ra thị trường từ 2 - 4 con bò, thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.
Anh Triệu Văn Hòn, Trưởng xóm Nà Mon (xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm), một trong những người tiên phong đưa cây sả Java về trồng thử nghiệm chia sẻ: Diện tích đất canh tác của gia đình chủ yếu là đồi dốc nên tôi cũng như nhiều hộ khác chỉ trồng ngô nên thu nhập thấp. Năm 2018, sau chuyến đi tham quan mô hình trồng sả Java lấy tinh dầu ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), tôi chuyển đổi gần 1 ha đất đồi dốc sang trồng sả và góp vốn với các gia đình khác trong xóm đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng lò chưng cất tinh dầu. “Trồng sả cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa ngô, mỗi ha cho thu hoạch hơn 60 triệu đồng/năm”, anh Hòn nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cao, Ma Thế Lương cho biết: Ban đầu từ 10 hộ trồng 5 ha, đến nay toàn xã có 45 hộ chuyển đổi gần 40 ha đất trồng cây các loại giá trị kinh tế thấp sang trồng sả lấy tinh dầu. Cùng với đó, người dân tự góp vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng 2 lò chưng cất tinh dầu. Năm 2019, cả xã bán ra thị trường hơn 1.000 kg tinh dầu, thu về trên 500 triệu đồng, hộ nhiều nhất đạt thu nhập trên 60 triệu đồng.
Ông Ban Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, khẳng định: Mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, phù hợp với chủ trương của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Thời gian tới, huyện sẽ đưa cây sả trở thành cây trồng mũi nhọn, hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích. Riêng năm 2020, huyện hỗ trợ trên 400 triệu đồng cho 2 xã Nam Cao, Nam Quang mua giống sả, mỗi xã sẽ trồng thêm 20 ha sả Java để lấy lá chưng cất tinh dầu.
Với việc tăng dư nợ cho phát triển kinh tế hộ gia đình và triển khai một số mô hình kinh tế mới đã và đang giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thay đổi nhận thức trong vấn đề sản xuất, đưa kinh tế hộ ngày một phát triển, đẩy nhanh nhiệm vụ xóa nghèo, vươn lên làm giàu của người dân nơi đây.