Ngày 15/8 là thời hạn “chốt” mà các bộ và cơ quan quản lý chuyên ngành phải cắt giảm hoặc trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện hành thuộc thẩm quyền quản lý theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ, ban hành ngày 1/1/2018.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các bộ, ngành mới cắt giảm được 900 ĐKKD, đạt 15,2%. Với tiến độ triển khai này, liệu các bộ, ngành có về đích đúng hạn?
Người dân và doanh nghiệp đến giao dịch và nhận kết quả tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng.
“ì ạch”
Qua báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, một số bộ đã vào cuộc mạnh mẽ, trong đó, Bộ Công Thương xếp vị trí đầu với 675 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện được cắt giảm, đạt 55,5%. Tiếp theo, Bộ Xây dựng đã cắt 183 điều kiện trên tổng số 215 ĐKKD…
Hiện tại, còn 2.690 ĐKKD đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể thuộc trách nhiệm 14 bộ, ngành, bao gồm: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Lao động- Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo báo cáo, Bộ Công Thương là bộ đi đầu với 402 mặt hàng trên tổng số 702 mặt hàng được cắt giảm, đạt 57,3%. Bộ Thông tin và Truyền thông có 146 mặt hàng đã cắt giảm 89 mặt hàng. Tiếp đến là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cắt giảm 33 mặt hàng, Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 22 mặt hàng trên tổng số 24 mặt hàng. Bộ Xây dựng cắt giảm 39 mặt hàng trên tổng số 70 mặt hàng.
Đáng lưu ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo hứa cắt giảm 110 điều kiện trên tổng số 212 điều kiện nhưng mới cắt giảm được 16 điều kiện, đạt 7,5%.
Bộ Thông tin và Truyền thông hứa cắt giảm 199 trên tổng số 385 điều kiện kinh doanh nhưng đến nay mới cắt giảm 26 điều kiện, đạt 6,75%.
Mới đây nhất, sáng 17/8, tại lễ công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (chỉ số APCI 2018), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 8 lĩnh vực được khảo sát của chỉ số APCI, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang được Chính phủ đặt trọng tâm cải cách trong năm 2018.
Chính phủ đặt chỉ tiêu và thời gian cụ thể: Đến 15/8, rà soát và cắt giảm 50% về ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, về cơ bản, các bộ đã trình Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ. Tính tới phiên họp Chính phủ tháng 7 vừa qua, các bộ, cơ quan mới cắt giảm 900 điều kiện, tức hơn 12%. Tuy nhiên, hiện các bộ đang thực hiện rất nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, bộ chậm nhất cũng đã trình dự thảo Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh trong ngày 16/8.
Dự kiến, với các nghị định được ban hành trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% và có thể tới trên 60% tổng số ĐKKD hiện hành.
Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến cắt hơn 65% số điều kiện; Bộ Y tế cắt hơn 72% số điều kiện; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự kiến cắt giảm 54%. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cắt giảm rất mạnh, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 51,4%.
Tiếp đó là Bộ Công an, đã loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành: 60 loại sản phẩm, hàng hoá; tỷ lệ cắt giảm đạt 92,31%. Cụ thể, về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy: Loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành: 48 loại sản phẩm, hàng hóa, lĩnh vực vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Thủ tướng “nóng”, các bộ ngành còn “nguội”
Để đôn đốc các bộ, ngành “đốt cháy giai đoạn”, ngày 13/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực chất việc cắt giảm ĐKKD và thủ tục KTCN, coi đây là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.
Chỉ thị nêu rõ, trước ngày 15/8, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đồng thời, nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.
Điều cốt lõi của Chỉ thị số 20/CT-TTg là buộc các bộ, ngành, địa phương không thể chần chừ trong thực thi cam kết giảm khó khăn, ưu tiên xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được áp dụng các quy định thuận lợi hơn về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc cắt giảm ĐKKD đang được các bộ, ban ngành triển khai khá chậm trễ. Có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của sự “trì trệ” này phần lớn thuộc về các bộ ban ngành, bởi các cơ quan công quyền này muốn níu kéo quyền lợi, lợi ích của mình. Cùng với đó, một số ĐKKD cùng một vấn đề, được bộ này đồng ý cắt bỏ nhưng bộ khác không đồng tình, điều này cho thấy các cơ quan công quyền chưa thể tìm được “tiếng nói chung”.
Trước đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu thực trạng, nhiều bộ có phương án rà soát, cắt giảm và công bố trên báo chí, truyền hình nhưng thực chất đến giờ vẫn chưa làm được. Ông cho rằng, như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp.
Để tránh tình trạng bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Với vai trò gác cổng, Văn phòng Chính phủ sẽ có kênh đánh giá độc lập, làm rất kỹ, tránh tình trạng cắt giảm hình thức hoặc cắt điều kiện này mọc điều kiện khác. Kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất - nhập khẩu cũng vậy, cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng công nhận kết quả của các nước phát triển… Những gì không cần thiết, phải cắt bỏ”.
Cắt giảm ĐKKD không thể mãi là... cuộc chiến
Phát biểu tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc đơn giản hóa, cắt giảm các ĐKKD do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, một số bộ ngành đã có hành động cụ thể nhưng kết quả thực tế chung vẫn chưa được như mong đợi.
“Mới có khoảng 6% số mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải KTCN... Thời gian KTCN trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, xấp xỉ gấp 3 lần so với các nước ASEAN-4”, ông Lộc phân tích.
Ông Lộc nêu 8 kiến nghị, trong đó có việc cần xóa bỏ tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp. Thay vào đó là cơ chế để tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng năng lực chuyên môn đều có thể tham gia hoạt động kiểm tra chứng nhận sự phù hợp của các sản phẩm hàng hóa..
Cách đây một tháng, khi các dự thảo trên bắt đầu được đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cũng đã đề xuất thay đổi cách phân giao nhiệm vụ soạn thảo các dự thảo liên quan đến điều kiện kinh doanh với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
“Trong nội bộ từng bộ, đề nghị các bộ trưởng không giao các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Những đơn vị đang cấp phép không có động lực và tìm cách giữ lại quyền của mình. Quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác”, ông Lộc nói.
Có thể thấy, việc cải cách ĐKKD đang dần gỡ bỏ rào cản, giúp giảm bớt gánh nặng hành chính, thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, vấn đề đơn giản hóa TTHC và KTCN cần làm nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian. Vì vậy, các bộ, ban ngành cần nhanh chóng hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đã đến lúc, các yêu cầu cải cách phải là mục tiêu hoạt động, chứ không thể là cuộc chiến giành giật quyền lợi giữa quản lý nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…