Thực hiện Chính phủ điện tử nên nhiều địa phương trên cả nước đang tiến hành cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử cho người dân.
Quê tôi, phường Đồng Kỵ (TX. Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng đang làm CCCD cùng với những câu chuyện dở khóc dở cười của người dân.
Những chuyện vô lý có thật
Trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày dịp 30/4 -1/5, bố tôi gọi điện cho tôi về làm CCCD. Dù tôi đi xa nhiều năm nhưng hộ khẩu thường trú vẫn ở quê.
Tất nhiên, dù bận việc thì ngày nghỉ vẫn nghỉ nên đương nhiên tôi về quê và tranh thủ làm CCCD luôn.
Chuyện làm CCCD tưởng như không có gì, chỉ cần chuẩn bị đủ hồ sơ, giấy tờ là có thể làm bình thương. Nhưng nó lại không hề bình thường khi vấn đề hồ sơ của người dân cứ loạn lên.
Hồ sơ đi làm CCCD chỉ cần có giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: Rất nhiều người không còn giữ được giấy khai sinh, sổ hộ khẩu chỉ ghi năm sinh, CMTND có đủ ngày tháng năm sinh nhưng khi khai hồ sơ người dân khai không khớp, người thì khai ngày âm lịch, hồ sơ lại là ngày dương lịch, quê quán, chỗ ở không đồng nhất...
Kết luận cuối cùng là: Ai không có đủ 3 loại giấy tờ trên để khớp với dữ liệu của công an thì đi làm lại.
Trước khi đi làm CCCD 3 ngày, bố tôi thậm chí ra phường ngồi nghe phổ biến vẫn không hiểu phải đi làm lại giấy khai sinh và sổ hộ khẩu để làm gì (?). Vì bố mẹ tôi đều không còn giấy khai sinh. Tất cả các loại giấy tờ trên đều do xã, công an huyện trước kia làm, họ phải có phương án hợp lý chứ không phải bắt dân đi làm lại, rồi vài tháng sau lại bỏ đi khi có CCCD. Ông căng thẳng suốt nhiều ngày với chuyện thủ tục giấy tờ này.
Đi làm thẻ CCCD cần phải mang theo: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân/CCCD cũ (nếu có), giấy tờ hợp pháp khi chưa có dữ liệu thông tin dân cư hoặc có sự thay đổi, điều chỉnh thông tin cá nhân. |
Bà Vũ Thị Bảy, hàng xóm nhà tôi than trời, con bà làm xong rồi, nhưng bà không làm được vì bà không còn giấy khai sinh, sổ hộ khẩu chỉ ghi năm sinh, CMTND cũng chỉ ghi năm sinh, giờ họ bắt đi làm lại sổ hộ khẩu và giấy khai sinh. Bà đã gần 70 tuổi rồi, phường cũng không tìm được hồ sơ gốc nữa. Một tuần nay, nghe mách nước của hết người nọ đến người kia, bà vẫn chưa biết làm như thế nào, thế là bà theo chân nhiều người cứ nộp hồ sơ để sau này họ xét. Rất nhiều người trong tình trạng như bà.
Giống trường hợp của bố tôi, bác dâu tôi Nguyễn Thị D., sinh ra ở làng bên, lấy chồng về quê tôi đã hơn 50 năm rồi, còn bắt về quê xác nhận là đã sinh ra ở đó để làm lại giấy khai sinh. Về quê, họ cũng lộn tùng phèo lên với đống giấy tờ làm lại của dân, không thể tìm thấy tài liệu cũ nên họ không dám xác nhận…
Chuyện làng trên, xóm dưới chuyền tai nhau với nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp khiến bà con ngại đi làm CCCD. “Đến hồ sơ của ông bí thư phường và vợ còn khai 5 lần vẫn sai thì rắc rối quá”, bố tôi nói.
Hóa ra rất đơn giản
Tôi nghe cũng thấy vô lý nên bảo “để con ra làm trước”. Tôi mang hồ sơ ra nộp, cả của bố mẹ tôi, nhưng người nhận hồ sơ không nhận của bố mẹ tôi vì thiếu giấy tờ. Tuy nhiên, ngay lúc đó có cán bộ phường đi kiểm tra đến, xem hồ sơ và bảo chỉ cần khi công an kiểm tra khớp với dữ liệu trong máy là được.
Và tôi đã kiên chì ngồi đợi suốt 4 tiếng đồng hồ để được gọi đến lượt. Trong thời gian chờ đợi, tôi đã chứng kiến nhiều người phải mang hồ sơ ra về. Anh Dương H. khó chịu chia sẻ, hồ sơ của anh không khớp ngày tháng năm sinh. Hỏi ra mới biết, trong dữ liệu khai trước đây, anh khai ngày tháng năm sinh theo lịch âm, chứ không khai theo CMTND.
Chuyện của chị Nguyễn H. mới khiến mọi người cười rộ. Hồ sơ của chị không khớp, công an viên yêu cầu chị phải có giấy khai sinh. Thế là, chị gọi điện cho chị, em gái hỏi có giữ giấy khai sinh của chị không; rồi chị hỏi lại công an viên là giấy khai sinh của mẹ tôi có được không…
“Đấy, chị nghe có buồn cười không, giấy tờ của mình không giữ còn đi hỏi loạn lên, rồi lại bảo bọn em yêu cầu lắm thế”, em nhân viên thu tiền phì cười khi đang làm thủ tục cuối cùng cho tôi.
Bố mẹ tôi cuối cùng cũng không gặp vấn đề rắc rối nào, vì hồ sơ của gia đình tôi khớp với dữ liệu của công an. Ông đã thở phào nhẹ nhõm.
Hóa ra, tất cả những câu chuyện mà tôi nghe đều là “tam sao thất bản”, một người nói rắc rối kể cho người khác càng rắc rối hơn. Những câu chuyện rắc rối này khi ra chợ vào sáng hôm sau, nó vẫn tiếp tục được bàn tán từ đầu đến cuối chợ. Hiện, nó không chỉ diễn ra ở quê tôi, mọi địa phương quanh đó đều “nóng” lên với chuyện làm CCCD ở đủ tình tiết khác nhau.
Dù là kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày, đã không được nghỉ theo quy định của Nhà nước, cán bộ công an vẫn phải vất vả làm việc thâu đêm, tranh thủ lúc người dân được nghỉ kêu gọi đi làm CCCD. Thế nhưng, anh cán bộ kiểm tra hồ sơ cho tôi vẫn cười xòa: Công việc của bọn tôi mà. Thực ra mọi chuyện rất đơn giản, chỉ cần hồ sơ khớp với dữ liệu của công an là ai cũng sẽ có CCCD!.
Bộ Công an cho biết, thẻ CCCD gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. Thời gian tới, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.