Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, CLB Trang trại Cây có múi tỉnh Bắc Giang chủ động chuyển từ sinh hoạt trực tiếp sang gián tiếp qua nhóm Zalo, vừa đảm bảo các hoạt động thường xuyên của CLB nhưng vẫn tuân thủ công tác phòng, chống dịch.
Tăng thu nhập
Câu lạc bộ Trang trại Cây có múi tỉnh Bắc Giang (Hội Làm vườn Bắc Giang) thành lập cuối năm 2015, hiện có 59 thành viên, trong đó có 50 thành viên chính thức, 6 thành viên liên kết là các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp và 3 thành viên là viên chức Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang.
Sau hơn 5 năm hoạt động, CLB đã tổ chức 9 chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh, thành trong nước và hơn 40 buổi tham quan tại Bắc Giang. Qua đó giúp các thành viên nâng cao kiến thức thâm canh cây ăn quả có múi, hỗ trợ nhau ghép, cải tạo những giống cũ sang giống mới có năng suất, chất lượng cao như: ghép bưởi Diễn sớm, bưởi Tân Lạc, bưởi Phúc Trạch, bưởi đỏ…; hướng dẫn trồng xen canh, chăn nuôi kết hợp nhằm đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập.
Các thành viên trong CLB đã liên kết với nhau cùng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi, giúp giảm chi phí đầu vào; phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp phân bón tổ chức trên 10 lớp tập huấn cho các thành viên cách sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ban Chủ nhiệm (BCN) CLB họp định kỳ mỗi quý 1 lần để đánh giá các hoạt động của các tổ, kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn, đề ra nhiệm vụ cho phù hợp với nhu cầu, đặc điểm hoạt động của CLB. Các tổ (5 tổ cấp huyện) CLB địa phương họp mỗi tháng một lần để chia sẻ kinh nghiệm, khoa học - kỹ thuật, cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn phát sinh nếu có. Ngoài ra, hàng tháng các tổ sinh hoạt theo chủ đề như: Vai trò của thổ nhưỡng, cách phòng và trị ruồi vàng, chảy mủ thân cây, kỹ thuật cắt tỉa….
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Bùi Công Ngọc, Chủ nhiệm CLB Trang trại Cây có múi tỉnh Bắc Giang, cho biết, theo đánh giá của các thành viên, từ khi tham gia CLB, trình độ thâm canh được nâng lên, kéo theo đó giá trị sản phẩm cũng tăng 20 - 30% so với trước. Thu nhập bình quân của mỗi hộ thành viên đạt 150 - 300 triệu đồng/năm, một số thành viên thu nhập 500 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm.
Linh hoạt ứng phó với dịch
Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến thu nhập của các thành viên CLB (mất khoảng 80% thu nhập). Trước tình hình trên, BCN đã họp và định hướng cho các thành viên chuyển đổi mô hình cho phù hợp với điều kiện thực tế như: ghép, cải tạo giống cây cũ sang các giống cây mới hiệu quả hơn, trồng xen canh ổi, táo, vú sữa, nhất là tăng cường chăn nuôi hậu Covid-19. Qua đó, nhiều hộ thành viên đã chuyển đổi, bước đầu khắc phục được phần nào thiệt hại.
Năm 2021, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, CLB đã hoãn các hoạt động đông người như: tập huấn, họp định kỳ, ghép, chiết cây cho khách... Thay vào đó, BCN triển khai họp, trao đổi thông tin, kế hoạch công việc trên nhóm Zalo như: BCN đưa ra các dạng câu hỏi về khoa học kỹ thuật cho các tổ, thành viên bàn luận, trả lời và giải đáp các thắc mắc của thành viên; các nhóm báo cáo khó khăn khi ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như tuyên truyền chung tay đẩy lùi Covid-19, thực hiện tốt khuyến cáo 5K.
Với cây ăn quả có múi, mùa thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 01 năm sau, hy vọng khi đó dịch Covid -19 đã được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, còn hiện nay, BCN tập trung vào tập huấn khoa học kỹ thuật, tăng cường họp tổ, nhóm CLB tại địa phương qua nhóm Zalo với các nội dung: bàn giải pháp chăm sóc, ghép quả cho cây kiểng bán Tết, triển khai mô hình kết hợp chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi gà, ngỗng... Ngoài ra, BCN tổng hợp những khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra trình Hội Làm vườn tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng hỗ trợ theo quy định.
Theo ông Nguyễn Trường Thinh, Phó chủ nhiệm, Tổ trưởng Tổ CLB Hiệp Hòa - Việt Yên, khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi đã khuyến cáo trong toàn thể tổ nhóm thực hiện tốt 5K. Bản thân gia đình đã chủ động phòng, chống dịch bằng việc đeo khẩu trang, sát khuẩn mỗi khi ra ngoài và không thuê lao động để hạn chế tập trung đông người.
“Thay vì gặp trực tiếp, nhóm thường xuyên trao đổi công việc, hỏi thăm nhau thông qua nhóm Zalo trên điện thoại. Dự kiến, sau khi hết dịch, nhóm sẽ triển khai cho các thành viên chăn nuôi ốc nhồi ta và cải tạo vườn cho mùa vụ sau, ghép một số giống mới như: bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Ruby, bưởi Diễn sớm”, ông Thinh nói.
Ông Nguyễn Văn May, Ủy viên BCN, Tổ trưởng Tổ CLB Tân Hưng tâm sự, Lạng Giang đang cách ly toàn huyện, với mô hình tổng hợp vừa trồng cây ăn quả, vừa chăn nuôi ngỗng, thỏ, cá, để đảm bảo phòng dịch, gia đình đã chủ động phun khử khuẩn cho toàn trang trại, đeo khẩu trang, sát khuẩn mỗi khi ra ngoài.
“Do thực hiện cách ly phòng dịch, nhiều đơn hàng đặt mua ngỗng giống không vận chuyển được, gia đình đã linh hoạt chuyển từ bán giống sang nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, với hơn 60 con ngỗng đang trong kỳ sinh sản và hơn 100 con ngỗng con, việc nuôi thương phẩm sẽ gặp khó khăn do chuồng trại hẹp, thức ăn bị hạn chế. Dự kiến, sau khi dịch được kiểm soát, gia đình kết nối lại với khách hàng để bán bớt ngỗng thương phẩm, vận động thành viên chăn nuôi để tăng thu nhập, tổ chức đoàn đi tham quan một số mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao trong tỉnh”, ông May cho biết thêm.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.