Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 1 năm 2021 | 11:32

Chăm sóc cây cảnh sau Tết

Đón Xuân vui Tết, nhiều nhà mua cây đào thế, quất thế, mai thế, hoa trà,... Sau Tết, nhiều người muốn chăm sóc để có thể tiếp tục chơi vào Tết sau.

Để có đào, quất cảnh, mai,... chơi Tết năm sau, đòi hỏi phải có quá trình chăm sóc hết sức tỉ mỉ sau đợt đón Xuân vui Tết. Xin giới thiệu một số biện pháp để người trồng đào, quất, mai tham khảo.

 

t64.jpg
Sau ba ngày Tết, các gia đình thường vội bỏ đi những cây đào cảnh, tuy nhiên, nếu nắm vững kỹ thuật trồng cây thì người trồng vẫn có thể có một cây đào đẹp ngoài vườn hoặc chơi Tết năm sau.

 

Trồng và chăm sóc đào sau Tết

Chọn loại đất thịt pha sét có độ pH 7-8. Khu vực trồng là khu đất cao ráo, thoát nước hoặc chậu to đã xử lý thoát nước ở đáy chậu. Trước khi trồng đào phải bón lót bằng phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh. Khi trồng lấp đất vừa ngang cổ rễ, lèn nhẹ đất từ xung quanh dồn vào bầu cho chặt, tưới nước đẫm. Sau đó luôn tưới đủ độ ẩm cho đến khi cây ra lá non.

Thời gian thích hợp để trồng lại đào là ngay sau Tết, đem trồng càng sớm càng tốt, chậm nhất là khoảng 15 tháng Giêng. Sau khi trồng, cần cắt tỉa đau cành lần thứ nhất theo hình dáng phù hợp, để cành mới phát sinh nhiều. Sau đó, mỗi tháng phải cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 7 âm lịch, mỗi lần cắt để lại đoạn phân cành dài 15 – 20 cm.

Sau mỗi lần cắt, cần bón phân hữu cơ cho cây. Các tháng tiếp theo cũng làm tương tự, tuy nhiên, tháng 8, 9 cần tưới bón nhiều để thúc cho cây nảy nhiều hoa và to hơn. Đào ưa phân bắc đã ủ kỹ hoặc ngâm ngấu, nước tiểu, đạm urê nhưng không bón nhiều đạm để cây quá xanh tốt.

Chăm sóc quất sau Tết

Đối với quất, trong thời gian chơi Tết, cần dùng bình xịt để xịt lên tán lá 1-2 lần/ngày, thường xuyên tưới đủ ẩm cho gốc quất, đảm bảo lá vẫn tươi và rụng ít sau đợt chơi Tết.

Sau Tết (trước khi trồng lại 10 ngày), dùng sản phẩm siêu ra rễ hoặc một số chế phẩm tăng trưởng như chế phẩm Vườn sinh thái; A-H502; Orgamin pha với nước sạch, nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, phun ướt đẫm tán lá, tưới ướt đẫm gốc cây.

 

t64a.jpg

Quất cảnh cần bón lót, bón thúc, chăm sóc hợp lý thì mới phát triển tốt, cho trái nhiều.

 

Sau 10 ngày xử lý, bộ rễ cây quất đã được phục hồi, các rễ mới được hình thành, dùng tay vặt 1/2 đến 2/3 số lá trên cây, tiến hành trồng, tưới ẩm như những cây quất bình thường.

Khoảng 5 - 7 ngày tiếp đó, cần xới xáo quanh gốc (cách gốc 30 cm) cho đất tơi xốp và tưới hoặc bón phân khoáng (0,5kg NPK), bón đều xung quanh, cách gốc 30 cm cho quất nhanh phát triển cành lá. Có thể tưới, bón thêm nước hoặc phân chuồng hoai mục cho quất tốt bền và giảm sâu, bệnh hại. Sau đó, dùng phân hữu cơ, phân vi lượng bón thay phân chuồng kết hợp với phân bón lá để phun (nồng độ 5ml/15 lít nước khi lá non nhiều và 5ml/10 lít nước khi lá già, lá bánh tẻ) khoảng 15-20 ngày/lần. Tiếp đó, khi cắt tỉa tạo thế chú ý phải dùng kéo sắc chuyên dùng, tiến hành công việc vào những ngày nắng ráo. Việc tỉa cành tạo thế cần làm định kỳ 7-10 ngày/lần.

Chăm sóc cây mai sau Tết

Trong Tết, cây mai như vắt kiệt hết sức mình để bung những cánh hoa rực rỡ đẹp nhất cho ngày Xuân, nên sau Tết cây sẽ bị kiệt sức và yếu đi.

Nếu trồng chậu thì nên chuyển cây ra trồng trên đất, giúp cây có không gian phát triển cũng như tự phục hồi nhanh hơn. Trường hợp không thể chuyển ra ngoài thì thay mới 1/3 lượng đất trong chậu, bổ sung thêm phân bón hữu cơ và tưới nước giữ cho đất luôn được ẩm.

Hoa mai không phải là loại cây kén đất, chỉ cần đất trồng phải tơi xốp và giữ ẩm tốt thì cây mai sẽ phát triển tốt, hoa mai kỵ nhất là đất không thoát nước, dễ ngập úng.

* Bón phân

Tốt nhất nên sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho cây. Tùy vào kích cỡ cây  mai mà điều chỉnh lượng phân bón ít hay nhiều.

Bón lót: Lượng phân bón sẽ chiếm khoảng 1/10 lượng đất trồng trong hố hay trong chậu, trộn đều với đất trước khi trồng.

Bón thúc: Sau trồng khoảng 10 – 15 ngày cây bắt đầu ra rễ mới thì bón thúc phân, bón khoảng 50 - 60 g cho cây cỡ nhỏ (cao khoảng 40 – 50 cm). Cứ cách 20 – 30 ngày là có thể bón thúc lần nữa, nếu cây mai của bạn to thì nên tăng lượng phân bón lên và khoảng cách giữa mỗi lần bón cách nhau xa hơn.

Lưu ý: Tuyệt đối không nên bón sát gốc, mà phải rải xung quanh và tưới đẫm nước. Không nên xới xáo đất khi bón, vì nếu làm đứt rễ cây mai sẽ dễ bị nhiễm trùng.

* Tưới nước

Cây hoa mai chịu hạn khá tốt, nhưng nếu để cây “khát” trong thời gian dài thì không nên, vì như vậy cây sẽ cằn cỗi và suy kiệt. Luôn giữ cho đất ẩm nhưng không ngập nước.

Vào ngày nắng nên tưới mỗi ngày một lần hoặc tưới cách ngày cũng được, tưới đẫm nước bằng cách dùng vòi tưới thẳng vào gốc và xịt nước với tia nhỏ lên khắp tán lá sẽ tốt hơn, thời gian tưới tốt nhất là buổi sáng (khoảng 8– 9 giờ). Vào mùa mưa thì không cần tưới, chú ý giữ cho đất thoát nước tốt.

Đối với trồng chậu thì nên tưới nước mỗi ngày, vì đất trong chậu đã bị giới hạn nên rất nhanh khô, không giữ ẩm được lâu. Mỗi ngày nên tưới 2 lần vào buổi sáng (khoảng 8h – 9h sáng) và buổi chiều (khoảng 4h – 5h chiều).

Phòng trừ sâu bệnh hại

Trên cây mai vàng thường bị sâu cắn lá, sâu đục thân, nhện đỏ và rệp mềm ở các đọt non, có thể dùng biện pháp thủ công là bắt bằng tay, vì các loại sâu gây hại thường rất ít nên những chú chim có thể giúp bạn.

Với rệp mềm, khi còn ở mật độ ít, dùng vòi xịt nước với cường độ khá mạnh thì sẽ dễ dàng đánh bật chúng khỏi đọt non.

Quan trọng nhất là giai đoạn cây trổ nụ hoa, vì đây là “món ngon nhất” đối với các côn trùng gây hại, đặc biệt là kiến, rệp mềm, và cả sâu ăn tạp. Nhưng cây mai rất nhạy cảm với các chất hóa học, tốt nhất là không sử dụng các loại thuốc BVTV.

P.V (Theo tài liệu khuyến nông)

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top