Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 6 năm 2017 | 11:10

Champasak ngày trở lại

Sau hơn một thập niên tôi mới có dịp vượt Trường Sơn thăm lại Pakse, quê hương của các bộ tộc Lào anh em. Cuộc sống đồng bào nơi đây đổi thay đến bất ngờ, trong đó nổi bật nhất là Dự án cao su Việt-Lào, thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN) đã góp phần đắc lực làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của cả khu vực phía Nam sông Mê Kông này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm, động viên, trao quà cho cán bộ, công nhân viên Công ty tại nước bạn Lào.

Ký ức mở đất

Gặp gỡ Tổng giám đốc Công ty CP cao su Việt-Lào Ngô Quyền, người kế nhiệm thay anh Hồ Văn Ngừng (Chín Ngừng), tôi được lãnh đạo công ty cho trở lại thăm vườn cây, thăm nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, thăm làng công nhân cao su. Nhớ lại ký ức thời mở đất, người mà tôi nhớ mãi không bao giờ quên là anh Chín Ngừng, bằng đôi chân gày guộc anh đi giữa núi đồi hoang vu, u tịch. Cùng đi trong đoàn khảo sát có các anh Ngô Quyền, Phương Nam, Hai Dũng… và 5 nhà thầu từ Việt Nam “cõng” máy móc thiết bị vượt Trường Sơn sang nhận khai hoang trồng mới 10.000ha cao su tại hai huyện Ba Chiêng Cha Lơn Xúc và Xa Na Xổm Bun, tỉnh Champasak (Lào).

Thời bấy giờ, anh Chín Ngừng dáng gày gò, nhưng đôi mắt sáng quắc, gương mặt đầy cương nghị, quyết đoán. Mới sáng tinh mơ giữa rừng Lào u tịch, xuất hiện một đoàn người hành trang mang vác đi tìm điểm định vị trồng cây cao su đầu tiên trên đất Lào. Đoàn người dừng lại tại một bãi đất trống, các nghi lễ được bày la liệt. Anh Ngừng cầu Trời, khấn Phật phù hộ cho dự án trồng cao su trên đất Lào được suôn sẻ thành công. Khi lư nhang cháy đỏ bùng lên ngọn lửa, anh Ngừng quay người lại phía chúng tôi, nói chắc như đinh đóng cột: “Thành công, sẽ thành công”.

Sau lễ khởi công, 5 nhà thầu tập kết hàng trăm máy móc, thiết bị, rầm rộ ra quân khai hoang trồng mới cao su trên tổng diện tích 10.000ha vùng đất hoang vu ít ai đặt chân tới thuộc địa bàn huyện Bachiang, tỉnh Champasak. Mọi khó khăn buổi đầu nói sao cho hết, bởi giữa đất khách quê người, ngôn ngữ bất đồng, lạ cái, lạ nước thế nhưng vì sự nghiệp phát triển cao su trên đất nước Lào thì khó khăn mấy cũng phải vượt qua. Thế rồi chỉ sau một thời gian ngắn, từ tháng 7 đến tháng 12/2005, Công ty đã khai hoang được 1.700ha, khai hoang đến đâu trồng mới cao su đến đó.

Lấy gian khó làm bài học kinh nghiệm, phát động chiến dịch thần tốc, năm 2006, Công ty khai hoang, trồng mới thành công 5.500ha cao su. Với tinh thần “thần tốc”, được sự hậu thuẫn đắc lực của Tập đoàn CNCSVN, các đơn vị cổ đông và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của bộ máy lãnh đạo Công ty cũng như sự tham gia lao động cật lực của công nhân hai nước, kết thúc năm 2008, Công ty đã hoàn thành kế hoạch trồng mới 10.016ha cao su trên đất Lào, về trước kế hoạch Tập đoàn giao 2 năm, tỷ lệ cây sống luôn đạt trên 98%. Dự án được đánh giá có tốc độ trồng mới nhanh nhất, tiết kiệm chi phí nhất, suất đầu tư thấp nhất, cây sinh trưởng tốt nhất, bộ máy nhân sự gọn nhẹ,  hiệu quả nhất, sử dụng lao động tại chỗ nhiều nhất… Sáu cái nhất nói trên phải ghi nhận sự lao động sáng tạo, trách nhiệm, tình cảm, là mồ hôi, nước mắt của toàn thể CBCNV Công ty Cao su Việt Lào, trong đó phải kể đến tổng chỉ huy Hồ Văn Ngừng.

Ngay sau buổi kết thúc trồng mới 10.016ha cao su, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng kiêm Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum - ma - ly Xay – nha - xỏn nói: “Tất cả mọi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ phải bảo vệ, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào - Việt Nam đời đời bền vững, cùng nhau làm cho mối quan hệ đó ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đơm hoa kết trái, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Đặc biệt là dự án phát triển hơn 10.000ha cao su đã được đầu tư, hoàn thành vượt thời gian, đưa lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập đối với các bộ tộc Lào trong khu vực. Điều này thể hiện trách nhiệm, tình cảm của Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển đất nước Lào, tôi tin tưởng dự án phát triển 10.000ha cao su sẽ thành công rực rỡ”.

Kỳ tích trên đất bạn

Chuyến công tác của chúng tôi sang đất bạn Lào sau hơn 1 thập niên gặp lại,  mọi người ai nấy ôm chầm lấy nhau. Các anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện về cuộc sống của những người làm cao su trên đất bạn. Mọi vui buồn lẫn lộn làm cho tôi nhớ về thời quá khứ, nhớ về anh Chín Ngừng. Đi giữa hun hút bạt ngàn cao su bắt đầu vào mùa khai thác, tôi bắt gặp những công nhân người Lào, người Việt ai nấy tươi cười rộn rã, bởi mới vào mùa cạo, giá mủ cao su lại nhích dần, đời sống người lao động cũng từng bước được cải thiện.

Phóng viên báo Kinh tế nông thôn (người ngoài cùng bên trái) trao đổi với công nhân trong dây chuyền chế biến mủ 24 nghìn tấn/năm.

Chúng tôi tranh thủ tới tham quan nhà máy chế biến mủ cao su. Giám đốc nhà máy khoe với chúng tôi: Đây là nhà máy chế biến mủ cao su hàng đầu của ngành cao su Việt Nam, được lắp đặt với dây chuyền thiết bị của Việt Nam nhưng rất tân tiến và hiện đại, bởi từ khi tiếp nhận mủ tươi chỉ sau 7 giờ đồng hồ là cho ra các loại sản phẩm chế biến hoàn hảo. Cũng theo giám đốc nhà máy, năm 2017, phấn đấu sản xuất chế biến trên 16.000 tấn mủ các loại, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Một nữ công nhân người Lào đứng máy chia sẻ: “Bọn em là người các bộ tộc Lào, được Công ty Cao su Việt - Lào nhận vào làm công nhân, được công ty xây dựng nhà ở, thu nhập từ 1,5-2 triệu kíp/tháng, gia đình em phấn khởi lắm, cảm ơn nhà máy, cảm ơn Công ty Cao su Việt-Lào nhiều lắm”.

Rời nhà máy chế biến mủ cao su, chúng tôi đến thăm dãy nhà ở 50 căn hộ được xây dựng bằng gỗ theo kiểu nhà sàn hiện đại do công ty đầu tư xây dựng (nhà tình nghĩa) cho những công nhân thuộc hoàn cảnh khó khăn và những công nhân   có thành tích xuất sắc trong lao động.  Công nhân Bunkeo nói: “Trước đây, nhà ta ở trong núi xa xôi, vất vả lắm, nay được công ty nhận vào làm công nhân cao su, có việc làm, có tiền lương hàng tháng lại được cấp nhà ở, ta phấn khởi lắm, nên ta phải làm việc tốt hơn, cố gắng cạo mủ thật nhiều hơn, chăm sóc cây thật tốt để  cuộc sống gia đình mình gắn bó mãi mãi với cây cao su của công ty”. 

Trở về phòng làm việc, Tổng giám đốc Công ty Ngô Quyền vui vẻ tâm sự, thuận lợi của Công ty là được sự quan tâm của hai Chính phủ Việt-Lào, của Tập đoàn CNCSVN nên sự nghiệp phát triển, chăm sóc, bảo vệ vườn cây đến thời kỳ khai thác đều khá thuận lợi, cây phát triển đều, năng suất mủ đạt trên dưới 1,6 tấn/ha.

Về kế hoạch sản xuất năm 2017, Công ty phấn đấu sản lượng khai thác đạt trên 16.500 tấn theo chỉ tiêu của Hội đồng Quản trị giao, doanh thu 622 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 94,615 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng. Tiếp tục chăm sóc tốt vườn cây kiến thiết cơ bản, giữ vững mức thu nhập bình quân của 2.671 lao động, trong đó lao động người Lào là 2.319 người, thu nhập đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo Tổng giám đốc Ngô Quyền, với quyết tâm cao trên tinh thần khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách, phát huy truyền thống của Tập đoàn CNCSVN, Công ty cũng sẽ đề ra các giải pháp thực hiện giảm chi phí giá thành, tổ chức sắp xếp lại sản xuất, khai thác, chế biến, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục thực hiện chế độ cạo D4… Song song với đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên trong lao động, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với mục tiêu: Kinh doanh có lãi - đời sống công nhân viên chức, người lao động đảm bảo, ổn định và ngày càng nâng cao, góp phần gìn giữ mối quan hệ hai nước Việt - Lào.

Rời Champasak, tôi thầm cầu chúc cho những người con đất Việt luôn mạnh khỏe, vững vàng giúp rừng cao su mãi mãi xanh tươi, như tình cảm hai nước Việt – Lào bao đời nay.

Anh Bình

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top