Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 8 năm 2021 | 8:37

Chặn diễn biến xấu từ sớm

Trước diễn biến phức tạp khó lường và nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư từ ngày 27 tháng 4, nhằm hạn chế sự lây lan, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp chống dịch.

vungxanh5.jpg

Điểm chốt ''vùng xanh an toàn'' trên phố Tô Ngọc Vân, P.Quảng An (Tây Hồ - Hà Nội).

 

Đặc biệt, 19 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ (nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, phường xã cách ly phường xã,…), nhiều nơi còn thực hiện Chỉ thị 16 +, hạn chế tối đa việc ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Việc thực hiện giãn cách xã hội chống dịch của các địa phương trong thời điểm này (tháng 7 và 8) trùng với thời gian nhiều loại nông sản chủ lực ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên vào vụ thu hoạch. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian này, ba vùng trọng điểm nông sản trên có khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 400 triệu quả trứng và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm... sẽ thu hoạch. Số lượng nông sản này rất cần được tiêu thụ nhanh để người nông dân thu lại vốn liếng, có thu nhập trang trải cuộc sống, tiếp tục tái đầu tư cho mùa vụ tiếp theo, đảm bảo an ninh lương thực - thực phẩm cho các đô thị, khu công nghiệp đang thực hiện giãn cách xã hội và xuất khẩu. Đây là vấn đề cấp bách.

Hiện xuất khẩu gặp khó do giá cước vận chuyển cao, thiếu container, nhất là container lạnh, nhu cầu thị trường chưa trở lại bình thường. Thị trường trong nước cũng gặp vấn đề - đó là sự gián đoạn ở khâu vận chuyển, lưu thông, cả từ địa phương này sang địa phương khác, cả trong một địa phương. Lý do khâu vận chuyển, lưu thông chưa thông suốt là do các địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ không thống nhất, thiếu đồng bộ. Ví như thời gian chấp nhận kết quả xét nghiệm SARS -Cov - 2 mỗi địa phương mỗi khác hay việc hiểu về hàng hóa thiết yếu chưa thống nhất,… Và còn do nhiều địa phương đóng cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối khiến nông sản đã khó vào lại khó tiêu thụ. Việc này khiến nơi sản xuất thì nông sản ứ đọng, nơi cần thì thiếu thốn, bị nâng giá. Nhiều người cho rằng, chúng ta được đánh giá là quốc gia triển khai công nghệ thông tin nhanh và mạnh. Vậy tại sao chưa thông mạng cho việc hệ trọng, cấp thiết này?

Để giải quyết vấn đề này, trong những ngày gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành địa phương: “Tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất đảm bảo an toàn, liên thông, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa…”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương đã xây dựng nhiều giải pháp, như: cấp mã QR và tạo luồng xanh cho xe vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu; mở khu vực tập kết hàng hóa, mở chợ dã chiến; miễn phí xét nghiệm cho lái xe vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu; bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến, đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử - vận chuyển hàng hóa qua hệ thống bưu điện, tổ chức đầu mối hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các địa phương; xây dựng kho lạnh để trữ đông nông sản,… Các giải pháp này đã đem lại những kết quả tích cực bước đầu.  

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đó mới là khó khăn trước mắt. Vấn đề lâu dài là, do khó khăn trong tiêu thụ khiến thu nhập giảm sút gây thiếu vốn để mua vật tư, phân bón nên đã có hiện tượng người dân không chăm sóc vườn tược, không tái đàn trong chăn nuôi,… Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và nhu cầu trong nước những tháng cuối năm. Đây sẽ là vấn đề lớn nếu chúng ta không có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Bởi, thiếu lương thực thực phẩm thì sẽ khó có thể chống dịch thành công!

Các chuyên gia cho rằng, để không bị động, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần quan tâm đồng bộ cả 4 vấn đề trong chuỗi giá trị: sản xuất - thu hoạch - vận chuyển - tiêu thụ. Nhanh chóng chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố, khu vực nhằm vừa chống dịch bệnh và thiên tai hiệu quả, vừa đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm theo nhu cầu tiêu dùng trong nước, thỏa mãn yêu cầu xuất khẩu. Phối hợp đồng bộ với các bộ ngành để nhanh chóng hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp về vốn với lãi suất thấp, đảm bảo đủ vật tư phục vụ sản xuất với giá cả ổn định. Chỉ đạo người sản xuất canh tác theo quy trình VietGAP,… Và tất nhiên là, mọi người trong chuỗi sản xuất - lưu thông- bán hàng được ưu tiên tiêm vắc-xin sớm nhất có thể. Đó chính là “luồng xanh, vùng xanh” bền vững trong chuỗi sản xuất cung ứng nông sản thực phẩm.

 

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top