Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 4 năm 2018 | 9:51

Chính quyền Trump có thể làm gì để đỡ “mất mặt” ở Syria?

Theo tờ Nymag, trong bối cảnh hiện nay, Washington có thể làm được 3 việc để giảm bớt thương đau cho người dân Syria.

Mỹ sẽ có câu trả lời “mạnh mẽ"

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ có câu trả lời “mạnh mẽ” cho vụ tấn công hóa học ở Syria trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây đang cân nhắc các hành động cụ thể.

chinh quyen trump co the lam gi de do mat mat o syria hinh 1
Nội bộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn những bất đồng trong vấn đề Syria. Ảnh: Getty.

 

BBC ngày 10/4 dẫn lời ông chủ Nhà Trắng: “Chúng tôi có nhiều lựa chọn quân sự”, đồng thời nói thêm rằng một câu trả lời sẽ được quyết định nhanh chóng. Theo ông Trump, Mỹ đã nhận được một số bằng chứng “rõ ràng” về những đối tượng phải chịu trách nhiệm về vụ việc ở Douma hôm 7/4.

Các nguồn tin y tế nói rằng có hàng chục người đã thiệt mạng trong vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nói trên. Tuy vậy, người ta vẫn không thể xác minh được con số chính xác.

Điện Elysse trong một thông báo cho biết: “Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về vụ việc vào cuối ngày 9/4 và cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn có một phản ứng cứng rắn”.

Hãng thông tấn AFP dẫn lời người phát ngôn của Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux nói rằng: “Nếu lằn ranh đỏ đã bị vượt qua thì sẽ có phản ứng” và rằng, theo thông tin tình báo mà hai nhà lãnh đạo có được thì “trên lý thuyết có thể khẳng định việc sử dụng vũ khí hóa học”.

Còn nhớ, hồi tháng 2 năm nay, ông Macron từng đe dọa sẽ tấn công Syria nếu có bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học.

Từ London, Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng bà “cực lực lên án” cuộc tấn công vũ khí hóa học “dã man” và cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ việc.

Căng thẳng liên quan đến những gì xảy ra ở Douma cũng đã làm bầu không khí tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/4 trở nên ngột ngạt khi cả Nga và Mỹ chĩa mũi dùi công kích vào nhau.

Trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley kêu gọi bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết để thiết lập một cuộc điều tra mới về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria trong ngày 10/4 thì phía Nga không ủng hộ đề xuất này vì cho rằng nó chứa đựng các yếu tố “không thể chấp nhận được”. Theo Đại sứ Nga Vassily Nebenzia, cuộc tấn công đã bị dàn dựng và cảnh báo rằng hành động quân sự của Mỹ có thể gây ra “hậu quả nghiêm trọng”.

Cảnh báo của Nga nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà phân tích khi cho rằng, các cuộc tấn công như đợt dội “mưa” tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria hồi tháng 4/2017 sẽ chẳng thể làm thay đổi cục diện hiện nay trên chiến trường Syria.

3 lựa chọn cho Tổng thống Mỹ Trump

Tờ Nymag có bài viết nhận định, trong bối cảnh hiện nay, Washington có thể làm được 3 việc để giảm bớt đau khổ cho người dân Syria; “tiếp thêm năng lượng” cho nỗ lực tìm kiếm giải pháp giảm thiểu thất bại của Mỹ và để chấm dứt cuộc chiến ở Syria.

Trước tiên, có thể quay trở lại để cứu mạng sống của người dân Syria thông qua việc hỗ trợ những người tị nạn và những người buộc phải sơ tán vì chiến tranh. Chính quyền Tổng thống Trump đã kéo Mỹ ra khỏi nỗ lực chung của toàn cầu trong việc tìm lời giải cho bài toán người tị nạn Syria và đe dọa sẽ cắt đứt viện trợ Mỹ dành cho các trại tị nạn của Liên Hợp Quốc ở Lebanon, Jordan và các nơi khác.

Đáng nói hơn là quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm hơn một nửa hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư, đặc biệt nhằm vào người Hồi giáo dường như là cơ hội vàng khiến nhiều chính phủ khác ngay lập tức nắm bắt để từ chối chia sẻ gánh nặng người tị nạn.

Thứ hai, nước Mỹ có thể lựa chọn một phương án khác thay vì cuốn vào những tranh luận trong nội bộ không có hồi kết về những gì đã và đang làm ở Syria. Mỹ có thể tập trung vào việc tái thiết an ninh ở những khu vực giành lại được từ tay IS và các tổ chức cực đoan khác, ngăn bạo lực quay trở lại nơi đây. Các nhà lãnh đạo địa phương muốn làm điều đó và các nhóm nhân đạo cũng đã có đề xuất chi tiết về cách thức giúp đỡ dân thường ở những khu vực này.

Theo giới quan sát, điều tốt nhất mà cộng đồng quốc tế có thể làm là hỗ trợ người dân Syria thiết lập những khu vực có bệnh viện hoạt động đầy đủ, nơi sạch bóng khủng bố, nơi dân thường không phải nơm nớp trong nỗi lo bom rơi đạn lạc, nơi trẻ em được hít thở bầu không khí hòa bình. Tuy nhiên, không có kế hoạch về vấn đề này trên bàn làm việc của ông Trump ở Nhà Trắng, nơi mà người ta còn mải mê với những tranh luận về vai trò của Mỹ trong cuộc chiến ở Syria hay Washington sẽ đóng vai trò gì trong lộ trình tái thiết đất nước này.

Thứ ba, xung đột đang diễn ra ở Syria sẽ phải được giải quyết trên bàn đàm phán. Nếu như tuần trước, Tổng thống Mỹ còn để ngỏ khả năng rút quân khỏi Syria thì sau những diễn biến mới nhất ở quốc gia Trung Đông này, ông Trump lại “bóng gió” về khả năng tấn công quân sự.

Giới quan sát cho rằng, Washington đang lãng phí những đòn bẩy để giải quyết bài toán Syria vì sự thiếu tập trung và các chính sách mâu thuẫn. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump vẫn còn nhiều công cụ để triển khai chứ không chỉ riêng giải pháp quân sự. Việc triệu tập các cuộc đàm phán hòa bình sẽ là giải pháp hiệu quả hơn với Mỹ. Washington thậm chí có thể làm nhiều hơn trong vai trò trung gian giải quyết các mối liên hệ khó dung hòa giữa Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Kurd mà Washington hậu thuẫn ở Syria.

Theo đánh giá, để có thể theo đuổi 3 cách thức tiếp cận nói trên đòi hỏi chính quyền Tổng thống Trump phải nêu cao tính kỷ luật, tập trung dài hạn, sẵn sàng suy tính khôn ngoan về các công cụ phi quân sự thay vì “nổi giận lôi đình” đòi tấn công quân sự hòng “lấy thịt đè người” mỗi khi có biến cố xảy ra.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top