Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 2 năm 2019 | 20:58

Cho Đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững

Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019 do Bộ Nông nghiệp và PTNT và tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Báo Kinh tế nông thôn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi – 2019, ngày 10/2.

trong-cay.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên. Ảnh: TTXVN

 



“Thưa các vị đại biểu khách quý,

Thưa các cụ, các bác, các anh, các chị và các cháu,

Hôm nay, trong không khi vui tươi, phấn khởi, tiết trời ấm áp, rất đẹp của những ngày đầu năm mới, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới, tôi rất vui được về dự Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Yên Bái tổ chức tại Yên Bái - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Trước hết tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, các vị đại biểu khách quý, các cụ, các bác, các anh, các chị và các cháu có mặt tại đây những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Như chúng ta đều biết, cách đây gần 60 năm, ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề "Tết trồng cây", phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Người chỉ rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều"; "Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia". Cuối năm Kỷ Hợi (1959), Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là "Tết trồng cây"; khuyên nhân dân cần duy trì bền bỉ "Tết trồng cây".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện "Tết trồng cây" đầu tiên trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó tới nay, "Tết trồng cây" theo lời Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp tết đến xuân về. Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mỗi năm đất nước phải dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị. Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm đến mức báo động, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất và mực nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Trong những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấm thía những lời chỉ dẫn của Bác Hồ, càng thấy sâu sắc hơn sự cần thiết, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng. Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; trồng thêm cây xanh sẽ góp phần tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành. Rõ ràng, đây là việc làm hết sức cần thiết.

Nhân dịp này, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào, tốt cây đó; đồng thời cần nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững.

Tôi tin tưởng rằng, năm nay, với khí thế mới, quyết tâm mới, "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi - 2019 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp thêm hương sắc cho Đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ:

"Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân"

Một lần nữa, tôi xin chúc đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, các vị đại biểu, các cụ, các bác, các anh, các chị và các cháu mạnh khoẻ, hạnh phúc, năm mới nhiều thắng lợi mới.

Xin trân trọng cảm ơn”./.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top