Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 6 năm 2018 | 21:0

Chọn cây ăn quả làm mũi nhọn, người dân thu lãi cao

Nhờ phát triển cây ăn quả thành cây mũi nhọn như bưởi, cam, mận hậu… nhiều năm trở lại đây, bà con các tỉnh phía Bắc đã có thu nhập cao và làm giàu.

Đoan Hùng: Phát triển cây ăn quả thành cây mũi nhọn

p-th-356.JPG

Cây bưởi Sửu đem lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều hộ dân tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

 

Những năm gần đây, cây ăn quả có múi đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, là cây trồng mũi nhọn trong thúc đẩy phát triển hàng hóa của tỉnh, góp phần thiết thực vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện khuyến khích phát triển cây ăn quả có múi, mở rộng diện tích cây có múi gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó bưởi được xác định là cây trồng chủ lực, được tỉnh hỗ trợ phát triển.

Đến nay, một số cây ăn quả có múi đã bước đầu cho thấy tiềm năng, hiệu quả kinh tế, thích ứng trên vùng đất cao hạn, đất đồi vườn. Đặc biệt, tại các vùng sản xuất bưởi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nhiều gia đình đã thoát khỏi nghèo, vươn lên làm giàu và không ít gia đình trở thành phú nông ngay trên đồng đất quê hương.

Các sản phẩm bưởi đặc sản Chí Đám và Bằng Luân của huyện Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện đưa các sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng đến với người tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, diện tích và sản lượng của bưởi trên địa bàn tỉnh liên tục tăng từ trên 1.470ha, hơn 9.800 tấn quả của năm 2013 lên 3.300ha và hơn 19.600 tấn năm 2017. Trong đó, cây bưởi Đoan Hùng tăng 322ha, sản lượng quả tăng 3.310 tấn; bưởi Diễn tăng 1.500ha, hơn 6.400 tấn (sản lượng gấp 3,6 lần, tổng diện tích tăng gấp 3,8 lần so với năm 2013). Giá trị thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích cho thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha/năm; đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 5ha tại 2 vùng bưởi đặc sản của Đoan Hùng.

Hiện, trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao, các mô hình trồng cây ăn quả có múi với quy mô lớn ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm tại các huyện Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn… Ngoài ra, các sản phẩm cây ăn quả có múi mới được đưa vào sản xuất như các giống cam đặc sản, chanh, quýt, bưởi da xanh… bước đầu cho thấy khả năng thích ứng trên vùng đất cao hạn, đất đồi.  

Trao đổi về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh, bà Nhữ Thị Ngọc Anh - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Phát triển cây có múi, trong đó cây bưởi được xác định là cây mũi nhọn, trước hết cần tập trung thực hiện quy hoạch tạo vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tập quán canh tác, vận động  nông dân tích cực tham gia các hình thức hợp tác liên kết, đẩy mạnh xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô tập trung để tạo sản phẩm lớn thu hút thị trường. Các địa phương cần thúc đẩy thực hiện tích tụ đất đai, tạo quỹ đất tập trung nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả có múi từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ”. 

Mặt khác, tăng cường ứng dụng tiến bộ KH-KT trong thâm canh cây ăn quả có múi như sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tiến hành tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả, áp dụng kỹ thuật bao quả để hạn chế thuốc BVTV và ruồi đục quả…

Mở rộng diện tích áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong cung cứng giống vật tư cây trồng, đảm bảo cây giống sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định cũng như bảo vệ và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng, hướng tới xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bưởi Diễn Phú Thọ. Phấn đấu đến năm 2020, nâng tổng diện tích bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn lên 5.000ha, tổng sản lượng đạt 24 nghìn tấn,  giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, trong đó trồng mới 438ha bưởi đặc sản Đoan Hùng, 2.399ha bưởi Diễn; phát triển và hình thành các vùng sản xuất tập trung tại các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, Yên Lập, Thanh Thủy, Thanh Ba, Thanh Sơn, Tam Nông... 

Trong thời điểm thị trường có nhiều biến động, Tỉnh cũng cần nghiên cứu, có các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các loại cây có múi có triển vọng cũng như các cơ chế hỗ trợ đất đai nhằm khuyến khích sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận và hưởng thụ chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh các giải pháp mở rộng diện tích, quy mô sản xuất, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho chuyên  chở, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Mộc Châu: Thu nhập cao từ trồng cam, mận hậu

Tiểu khu Bản Ôn, Thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) có 267 hộ, với 1.270 nhân khẩu.Trước đây, kinh tế ở tiểu khu chậm phát triển, nhân dân chủ yếu trồng các cây lương thực ngắn ngày như cây ngô, cây dong riềng… thu nhập thấp, chỉ đủ chi phí sinh hoạt gia đình. Từ khi, trồng cây ăn quả trên đất dốc đời sống của bà con từng bước khởi sắc, với nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng một năm.

 

s-la-5591.JPG

Nhân dân tiểu khu Bản Ôn (thị trấn nông trường Mộc Châu) phát triển trồng cây mận hậu

Hiện, tiểu khu Bản Ôn đã có trên 135ha cây ăn quả, trong đó, hơn 100ha cây mận hậu, 35ha cam, 50ha chè, còn lại là các loại cây lương thực. Từ năm 2010, Viện Bảo vệ thực vật triển khai dự án đốn, tỉa, chăm sóc mận (dự án Asodia) tại huyện Mộc Châu, theo đó bà con đã cải tạo các cây mận hậu già, chăm sóc đúng kỹ thuật, nên năng suất bình quân đạt 15-20 tấn/ha/năm, bán với giá trung bình từ 8.000- 20.000 đồng/kg.

Mận hậu đã trở thành cây trồng chủ lực của bà con nơi đây, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Để có thu nhập quanh năm, nhiều hộ trong tiểu khu đã trồng xen một số loại cây trồng khác trên diện tích trồng mận, như trồng xen cây chè, cây cam. Nhờ vậy, có hộ thu nhập từ 1- 2 tỷ đồng/năm từ các loại cây trồng này. Điển hình như gia đình các ông: Nguyễn Duy Thụ, Nguyễn Tuấn Anh, Chu Quang Tạo, Phạm Quang Hùng, Nguyễn Đình Phong...

Để được “thực mục sở thị”, chúng tôi cùng tiểu khu trưởng Nguyễn Đình Phong đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình anh. Vườn mận rộng 2 ha đang vụ thu hoạch, cây mận xanh tốt, quả đều, to. Anh Phong cho biết: Mận chín sớm có bán giá từ 70-90 nghìn đồng/kg, mỗi ngày hái từ 1-2 tạ, thu gần 10 triệu đồng/ngày. Cây mận hậu đã giúp gia đình tôi có cuộc sống khá giả.

Là người có thu nhập kép từ vườn mận hậu, ông Chu Quang Tạo chia sẻ: Để cây mận phát triển tốt, người trồng mận cần chú ý đến khâu đốn tỉa sau khi thu hoạch xong, đó là tỉa các cành khô và các cành vươn quá cao để tạo tán cây trải rộng dễ dàng khi thu hoạch quả. Cùng với đó, nên bón phân chia làm 4-5 đợt/năm, không được bón lượng phân quá nhiều trong một lần bón và không nên làm cỏ quá sạch để cỏ giữ độ ẩm, kéo dài tuổi thọ của cây, chất lượng quả cũng đẹp hơn. Mỗi vụ mận gia đình tôi ngoài thu nhập từ 15-20 tấn quả/ha còn có thu nhập thêm từ việc cho khách du lịch trải nghiệm vườn mận và chụp ảnh lưu niệm trong vườn cây...

Với sự đầu tư đúng cách, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất,đời sống của người dân Bản Ôn ngày càng khá giả. Hiện nay,tiểu khu Bản Ôn đang thực hiện trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nâng cao mức sống của nhân dân.

Si Ma Cai: Sản lượng mận Tả Van ước đạt 175 tấn

Huyện Si Ma Cai (Lào Cai), hiện có hơn 358 ha cây ăn quả ôn đới, trong đó, trên 100 ha đã cho thu hoạch.

Cụ thể, toàn huyện hiện có hơn 160 ha cây mận Tả V an; diện tích cho thu hoạch năm 2018 là 50 ha, năng suất ước đạt 35 tạ/ha, sản lượng ước đạt 175 tấn; giá bán dao động từ 50.000 - 90.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Cây lê Tai nung đạt gần 130 ha; diện tích cho thu hoạch là gần 60 ha, năng suất ước đạt 22,6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 121 tấn; giá bán trung bình từ 35.000 - 40.000 đồng/kg…

 

l-cai-49.JPG

  Thời tiết thuận lợi,  năng suất  mận Tả Van dự kiến tăng cao.

 

Trước giá trị kinh tế mang lại từ cây ăn quả ôn đới, năm 2018, nhân dân tiếp tục đưa cây mận Tả Van, lê tai nung, sơn tra vào trồng. Diện tích mận Tả Van trồng mới năm 2018 là gần 28ha; lê Tai nung là 51ha, lê xanh là 3,7ha và Sơn Tra là gần 33ha.

Theo ngành nông nghiệp huyện Si Ma Cai, do thời tiết thuận lợi, không xuất hiện mưa đá, nên năm 2018, sản lượng quả ôn đới trên địa bàn huyện tăng cao. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân thực hiện bọc quả, tỉa quả (quả bị sâu, bé, dập…) theo hướng dẫn.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top