Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 2 năm 2021 | 20:23

Chúng ta phải chấp nhận phong tỏa, giãn cách để chặn dịch

Chỉ thị 16 làm chậm lại, ngăn chặn dịch lây lan. Chúng ta phải chấp nhận phong tỏa, giãn cách trong 2 tuần để chặn lại tốc độ lây nhiễm của dịch.

Tuy chúng ta áp dụng Chỉ thị 16 nhưng theo hướng giãn cách trên diện rộng, phong tỏa trên diện hẹp để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
 
 
1along.jpg

Hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

 

Chiều 14/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đã đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong tỏa

Hội nghị kết nối đến các điểm cầu huyện, thành phố và các bệnh viện dã chiến đang điều trị bệnh nhân COVID-19.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Hải Dương cho biết, từ một doanh nghiệp ghi nhận ca bệnh ở Chí Linh tính đến thời điểm 15h00 ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 10/12 thành phố, huyện có bệnh nhân COVID-19. Toàn tỉnh hiện ghi nhận 440 ca bệnh, trong đó Chí Linh mắc nhiều nhất với 234 trường hợp, tiếp đến là Kinh Môn với 58 trường hợp, Cẩm Giàng 49 trường hợp, Nam Sách 26 trường hợp...

Toàn tỉnh đã cách ly 1.630 trường hợp F1, hiện đã hoàn thành cách ly 2.004 trường hợp; tổng số F2 là 54.789 trường hợp, đã hoàn thành cách ly tại nhà 18.957 trường hợp.

Để triển khai các biện pháp chống dịch, Hải Dương đã phong tỏa 66 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện, thành phố. Toàn tỉnh có 103 khu cách ly tập trung, trong đó nhiều nhất là Chí Linh với 29 khu cách ly, tiếp đến là Kinh Môn với 27 khu cách ly.

Nhận định về tình hình của các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Lương Văn Cầu cho hay: ổ dịch Chí Linh, Kinh Môn cơ bản đã được khống chế.

Đối với ổ dịch Cẩm Giàng ghi nhận 49 ca mắc, tổng số F1 là 1550 đã xét nghiệm hết. Tuy nhiên trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch trong khu công nghiệp, trong đó riêng công ty Kuroda Kagaku có 12 ca mắc. Hiện tất cả công nhân của công ty này (hơn 400 người) đều cách ly tập trung tại các địa phương. Đối với công nhân tại các tỉnh khác, Sở Y tế đã thông báo đến các địa phương tổ chức cách ly tập trung, theo dõi giám sát công nhân và lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay chưa phát hiện ca bệnh nào là công nhân của công ty này tại các địa phương khác.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho rằng, ổ dịch trên địa bàn này còn diễn biến phức tạp. Hiện tỉnh đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ những người liên quan đến quán karaoke, đang tiếp tục truy vết ổ dịch Nam Sách có 26 ca bệnh, 514 F1 đã xét nghiệm 100%. Hiện ổ dịch này vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện ca bệnh trong các khu phong tỏa...

Phức tạp, khó lường

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương cho hay, dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương ở môi trường phức tạp là khu công nghiệp đông công nhân, lại liên quan mật thiết đến cộng đồng dân cư đông đúc và ảnh hưởng liên quan đến các địa phương lân cận. Dịch xảy ra vào thời điểm khó khăn cho công tác phòng chống dịch là giáp tết.

Tuy nhiên Hải Dương cũng đã bám sát các chỉ đạo của trung ương, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch. Dịch xảy ra trên nhiều địa bàn, nhưng Hải Dương đã kiểm soát được. Đặc biệt, ổ dịch Công ty Poyun đã được “điểm trúng, khoá chặt” ngay từ đầu nên đã ngăn chặn được dịch bệnh lây lan tại Hải Dương và ra các địa phương khác “cứu được sự nguy hiểm” cho tỉnh và các địa phương khác.

Chuyên gia của Bộ Y tế cũng nhận định, tình hình chung về dịch bệnh ở Hải Dương còn phức tạp, khó lường với nhiều nguy cơ, khi sau Tết công nhân đi làm trở lại, giao thương nhiều... Đặc biệt trong điều kiện thực hiện sản xuất tại các khu công nghiệp, vừa phải chống dịch, nhưng vừa phải duy trì sản xuất trong điều kiện bình thường mới (ví như huyện Cẩm Giàng có khu công nghiệp lớn với 60.000 công nhân). Do đó việc thực hiện cách ly nhà với nhà trong các khu cách ly là rất cần thiết và phải quán triệt thực hiện.

 PGS.TS Trần Như Dương cũng cho hay, hiện công suất xét nghiệm của Hải Dương đã tăng 20 lần so với ban đầu, trung bình là khoảng 30.000 mẫu gộp/ngày. Tuy nhiên nhu cầu xét nghiệm thời gian tới rất lớn, do đó vẫn rất cần quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là khi Hải Dương triển khai xét nghiệm trên diện rộng tại một số địa phương.

Mật độ cách ly quá đông 

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đang ở Chí Linh bày tỏ băn khoăn về kiểm soát dịch tại khu cách ly, Hải Dương đang có 13.000 người cách ly tập trung. 

"Mật độ cách ly quá đông, trước đây có phòng 30 người, nay giảm nhiều cũng 10-15 người/phòng, trong khi nếu mật độ khu vực đó 5 người/phòng mới đảm bảo phòng dịch"- ông Nam nói

Thông tin về công tác điều trị, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế cho biết, hiện 416 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm y tế Chí Linh), Bệnh viện Dã chiến số 2 (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) và Trung tâm y tế Ninh Giang, trong đó có 4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 hiện đã ổn định, chỉ hỗ trợ oxy thường. Các cơ sở điều trị đang theo dõi sát 87 bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, một số bệnh nhân có bệnh nền, bệnh nhân cao tuổi đang được theo dõi sát sao...

Hiện nay, Bệnh viện Dã chiến số 2 còn 160 giường để trống, sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân, hiện đang hoạt động 259 giường.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Khoa cũng đề nghị tất cả các trung tâm y tế, các phòng khám tăng cường sàng lọc, tăng cường bảo vệ bệnh nhân mạn tính như suy thận, chạy thận nhân tạo, cố gắng không để bệnh nhân suy thận mắc COVID-19; quản lý chặt chẽ bệnh nhân ung thư.

Có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Câu hỏi lớn nhất là làm thế nào để có thể dập ổ dịch ở Hải Dương một cách nhanh nhất. Bộ Y tế đã điều những lực lượng tinh nhuệ của Bộ hỗ trợ Hải Dương ngay từ đầu và Bộ Y tế cũng đánh giá cao Hải Dương trong việc triển khai các biện pháp chống dịch, huy động cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch. Tỉnh đã tăng công suất xét nghiệm, đẩy nhanh truy vết, mở rộng khu cách ly ... Những điều này cho thấy tỉnh đã rất cố gắng.

 “Tuy nhiên, từ thực tiễn chống dịch của Hải Dương, đặc biệt là ổ dịch của Cẩm Giàng... nếu chúng ta không quyết liệt, không làm nhanh nhất thì chính tình hình dịch của Hải Dương sẽ tác động đến công tác chống dịch của cả nước”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng vì tốc độ  lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng đào thải nhanh hơn. Tốc độ lây lan gấp 4 lần chủng cũ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, tương đối phức tạp và có thể kéo dài hơn, dù chúng ta kiểm soát được tình hình chung nhưng  trong từng đơn vị cụ thể vẫn còn nhiều phức tạp. Hải Dương phải hết sức lưu ý ổ dịch Cẩm Giàng “đây là mối lo ngại của chúng tôi”, Bộ trưởng nhấn mạnh và lưu ý tỉnh cũng phải chú trọng công tác phòng chống dịch tại các ổ dịch Kinh Môn, Nam Sách.

Đề nghị nghiên cứu áp dụng Chỉ thị 16 ở diện rộng hơn

“Tốc độ lấy mẫu và xét nghiệm phải nhanh hơn, chúng ta đang có xu hướng đi chậm, quan điểm là không nên đuổi theo dịch mà phải chặn dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh Hải Dương nghiên cứu áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở diện rộng hơn (hiện mới thực hiện tại 1 huyện,1 thành phố) để chúng ta không đi chậm hơn dịch.

“Chỉ thị 16/CT-TTg về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 làm chậm lại, ngăn chặn dịch lây lan. Chúng ta phải chấp nhận phong tỏa, giãn cách trong 2 tuần để chặn lại tốc độ lây nhiễm của dịch. Chúng tôi khuyến nghị như vậy, còn thực hiện Chỉ thị 16 tại bao nhiêu huyện, xã là do tỉnh quyết định. Tuy chúng ta áp dụng Chỉ thị 16 nhưng theo hướng giãn cách trên diện rộng, phong tỏa trên diện hẹp để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Bộ trưởng phân tích, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phong tỏa, nhưng không tuân thủ nghiêm vấn đề cách ly, nhà giãn cách nhà, người giãn cách người thì chúng ta khó có thể thực hiện được chống dịch”.

Đồng ý với quyết định xét nghiệm diện rộng của tỉnh Hải Dương, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý tỉnh ưu tiên tối đa cho việc phòng chống dịch trước. Ví dụ tại các xã trên địa bàn Cẩm Giàng, Chí Linh lấy mẫu xét nghiệm chùm.  

Đối với khu công nghiệp, tán đồng phương án của tỉnh vẫn giãn cách xã hội nhưng vẫn đảm bảo sản xuất. Bộ trưởng lưu ý Hải Dương không quá ưu tiên xét nghiệm toàn bộ mà trước hết tập trung những nơi có dịch. Mặc dù vẫn triển khai sản xuất, nhưng chúng tôi yêu cầu phải tuân thủ quy định an toàn theo các hướng dẫn Bộ Y tế đã ban hành.

Điều "đội quân thiện chiến" hỗ trợ xét nghiệm

Liên quan đến công tác xét nghiệm, lo ngại về công tác trả mẫu còn chậm, cường độ làm việc CDC Hải Dương quá căng thẳng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã ngay lập tức điều "đội quân thiện chiến” của Bộ Y tế hỗ trợ Hải Dương.

Bộ trưởng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phải đưa máy móc, nhân lực xuống thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 2; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế Chí Linh);  Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xuống khảo sát ngay tại huyện Cẩm Giàng để thiết lập labo tại đây.

“Làm sao để trả kết quả xét nghiệm trong ngày, tránh để qua ngày. Không dồn xét nghiệm về CDC Hải Dương như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương kêu gọi sinh viên quay lại trường sớm để phục vụ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho Hải Dương. Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cũng chuẩn bị tinh thần hỗ trợ Hải Dương.

Chỉnh đốn lại các khu cách ly

Liên quan đến vấn đề cách ly, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng cần quan tâm, chỉnh đốn lại các khu cách ly, trong đó cần giải toả ngay toàn bộ khu cách ly tại Trường nghề Canada ngay, vì môi trường này đã có ca nhiễm; khu cách ly tại Trường tiểu học Chu Văn An cũng cần đánh giá lại, cần thiết không tổ chức cách ly tại đó nữa. Đề nghị giao cho quân đội quản lý, vận hành toàn bộ những địa điểm cách ly lớn trên 50 người để đảm bảo tính tuân thủ trong cách ly.

Đối với những địa điểm cách ly tập trung công nhân của nhà máy Poyun và Kuroda Kagaku, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Quân khu 3 rải ra các địa phương lân cận do quân khu 3 quản lý đưa những trường hợp cách ly này ra khỏi Hải Dương.

“Không cho trứng vào một giỏ” vì vẫn còn nguy cơ lây nhiễm. Chúng ta chỉ để lại những nơi đảm bảo kiểm soát tốt”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và đồng ý với việc tăng cường xét nghiệm trong các khu cách ly để kịp thời phát hiện ca bệnh ngay tại đó.

Liên quan đến công tác điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tập huấn cho Bệnh viện Dã chiến số 2, không nên sử dụng hết công suất của bệnh viện này mà tính sẵn phương án chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Dã chiến số 3 vì có thể còn có thêm bệnh nhân...

 “Với quan điểm hỗ trợ tuyệt đối cho Hải Dương, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều nhân lực, trang thiết bị nhưng mong tỉnh Hải Dương phát huy phương châm 4 tại chỗ và quyết liệt trong chống dịch hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Không đảm bảo yêu cầu, kiên quyết không cho hoạt động

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bày tỏ cảm ơn đến sự hỗ trợ ngay lập tức của Bộ Y tế đối với tỉnh trong công cuộc phòng chống dịch.

Đồng tình với các ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế liên quan đến công tác phòng chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết sẽ họp Thường vụ Tỉnh ủy để bàn bạc, thống nhất, triển khai thêm các biện pháp chống dịch.

Đối với các nhà máy, các khu công nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh tỉnh sẽ lập các đoàn công tác đi kiểm tra quyết liệt tại các nhà máy, nếu đơn vị nào không đảm bảo đạt yêu cầu về phòng chống dịch thì kiên quyết không cho hoạt động.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top