Hà Tĩnh có nhiều đặc sản truyền thống nổi tiếng mang thương hiệu riêng. Tuy nhiên, câu chuyện đưa sản phẩm ra thị trường dường như vẫn quẩn quanh trong “ao làng”.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được kỳ vọng góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bài 1: OCOP, “sứ giả” đưa sản phẩm truyền thống ra biển lớn
Phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền là điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh triển khai OCOP, từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm nông sản vươn xa.
Những ngày đầu “khởi động”
Sau khi có chủ trương của Trung ương, Hà Tĩnh đã khảo sát, xây dựng và ban hành đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030” (đề án OCOP). Đề án được xây dựng trên quan điểm lấy người dân làm chủ thể, thông qua HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng tổ chức sản xuất. Trong chương trình OCOP, Nhà nước sẽ khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức phát triển theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Theo đó, OCOP sẽ ưu tiên những sản phẩm mang tính truyền thống, lợi thế của các vùng miền hoặc sử dụng 50% nguyên liệu của địa phương và phải do người dân trên địa bàn cung cấp.
Sau một năm thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và nỗ lực của cộng đồng, các chủ cơ sở sản xuất, OCOP Hà Tĩnh đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng.
Năm 2019, Hà Tĩnh có 140 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình thì đã có 72 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 69 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhiều sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng, đạt tăng trưởng, doanh thu cao hơn từ 10-25% so với trước, như: Cam Vũ Quang; cam giòn Thượng Lộc; nem chua Ý Bình; giò me Tiến Giáp; cu đơ Phong Nga, cu đơ Hiền Võ; nước mắm Luận Nghiệp, nước mắm Phú Khương, nước mắm Nhất Ninh...
Sản phẩm OCOP, “sứ giả” văn hóa của mỗi địa phương
Cu đơ, bánh gai làng Khóng, mộc Thái Yên, nước mắm Kỳ Anh, nhung hươu Hương Sơn… là sản phẩm của những làng nghề truyền thống nổi tiếng Hà Tĩnh nay được chắp cánh từ OCOP sẽ không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần mà còn là “sứ giả” văn hóa kết nối tỉnh Hà Tĩnh với bạn bè trên khắp mọi miền đất nước.
Hà Tĩnh còn được biết đến với nhiều sản vật như: Bưởi Phúc Trạch, cam Bù, nhung hươu Hương Sơn, mật ong Sơn Thọ, nước mắm Phú Khương, Lạch Kèn… hay những làng nghề nổi tiếng như mộc Thái Yên, mây tre đan Sơn Thịnh, trầm hương Phúc Trạch...
Nếu như trước đây, đặc sản Hà Tĩnh chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp, và chỉ tiêu thụ ở một mức độ khiêm tốn thì nay các sản phẩm đó đang ngày càng vươn ra thị trường lớn, mang lại giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm sau khi được lựa chọn tham gia OCOP của tỉnh đã nâng cao giá trị gia tăng, trở thành “thương hiệu” cho sản phẩm Hà Tĩnh.
“Trong những dịp hội nghị, hội thảo quốc tế, Hà Tĩnh luôn lựa chọn những sản phẩm đặc sản tiêu biểu của địa phương để làm quà tặng, và được bạn bè ngoài tỉnh, ngoài nước trân trọng đón nhận. Đây cũng là dịp để quảng bá sản phẩm, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của các làng nghề nói riêng, Hà Tĩnh nói chung”, ông Thái Phúc Sơn, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh cho biết.
Chương trình OCOP như làn gió mới giúp cá nhân, hộ sản xuất, hợp tác xã phát huy tính sáng tạo trong quá trình sản xuất; làm bệ đỡ cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay.
“Cu đơ Phong Nga là cơ sở sản xuất kẹo cu đơ truyền thống của Hà Tĩnh. Vì vậy, trong mỗi sản phẩm, chúng tôi đều có sự đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng, và có dấu ấn riêng về Hà Tĩnh. Năm 2018, cu đơ Phong Nga được tỉnh lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu, bao bì, nhãn mác. Cu đơ Phong Nga đã được tỉnh chọn làm quà biếu trong các hội nghị hay sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Văn Phong, chủ cơ sở cu đơ Phong Nga cho biết.
Giám đốc HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) Lê Thị Khương chia sẻ: “Trước đây chúng tôi sản xuất ra sản phẩm rất chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Sau khi tham gia OCOP, nước mắm Phú Khương được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác, đặc biệt là được tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm đã được tiếp thị đến với người tiêu dùng nhiều hơn, sản lượng tiêu thụ tăng cao hơn trước”.
Theo ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, mục tiêu của OCOP đặt ra không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được những lợi thế so sánh về điều kiện lịch sử, tri thức và “công nghệ” địa phương. Điều quan trọng cần phải làm được đó là khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được “đóng dấu” OCOP phải là những sản phẩm rất đáng tự hào, là một “sứ giả” mang nét đặc trưng riêng của con người, vùng đất Hà Tĩnh.
Bài 2: Cách làm OCOP hiệu quả
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…