Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 5 năm 2021 | 11:21

Chuyển đổi cây trồng thích ứng khô hạn ở ĐBSCL

Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, không thuận lợi nguồn nước sang các loại cây trồng khác, có giá trị kinh tế cao đang được các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm thực hiện.

20.jpg
Nông dân ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đào mương, lên liếp từ đất trồng lúa để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

 

Đây là mô hình, cách làm thuận thiên ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Ở những vùng chuyển đổi, canh tác cây trồng sử dụng ít nước đạt hiệu quả cao, cho thu nhập khá và thu hút nông dân thực hiện.

Chuyển đổi cây trồng

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ĐBSCL là vùng cây ăn trái lớn nhất nước với diện tích 377.700ha (chiếm 33,3%). Các cây trồng chủ lực của vùng là sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, chuối, chanh…, được nhà vườn đẩy mạnh đầu tư và đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: “Tại vùng ĐBSCL, diện tích cây ăn trái phát triển hằng năm, thích ứng từng địa phương, từng vùng sản xuất và ứng phó khô hạn, BĐKH. Từ năm 2010 - 2020, diện tích cây ăn trái liên tục tăng, từ 287.300ha (năm 2010) lên 377.700ha (cuối năm 2020), tăng 90.400ha. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ sản xuất cây ăn trái cũng tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa…”.

Diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ đông xuân 2020 -2021 tại khu vực ĐBSCL ước đạt 27.360ha, trong đó chuyển đổi cây hằng năm 18.808ha, cây ăn trái  4.133ha... Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày, như: bắp (ngô), đậu phộng (lạc), đậu nành, rau đậu các loại; cây ăn trái như: cam, bưởi, xoài, thanh long, mít… Trong đó, một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng… đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao, sử dụng ít nước, phù hợp thời kỳ khô hạn, ứng phó BĐKH.

TP. Cần Thơ có diện tích chuyển đổi cây trồng, thích ứng khô hạn là 6.246ha, với các loại rau màu và đậu các loại, đạt 42,32% kế hoạch, trong đó có 2.882ha cho thu hoạch. Tổng diện tích cây ăn trái toàn thành phố 21.623ha, đạt 94,42% kế hoạch. Hầu hết diện tích cây ăn trái phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ, kịp thời và cho thu hoạch với năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, cho biết: “Ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ chỉ đạo kế hoạch xuống giống lúa hè thu, rau màu, cây ăn trái, phát triển chăn nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của từng quận, huyện. Trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng khô hạn, trong điều kiện BĐKH và tăng cường biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh; mở rộng, phát triển mạnh vùng chuyên canh sản xuất gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương cho vườn cây ăn trái, mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, ít nước sản xuất trong mùa khô hạn...”.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, trong mùa khô hạn, nông dân trồng cây ăn trái cần chủ động kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện sâu bệnh kịp thời và có biện pháp phòng trừ thích hợp. Tăng cường vệ sinh, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế sâu bệnh hại.

Ông Lê Thanh Tùng nhận định: “Nông dân ĐBSCL tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, cần cù và nhạy bén trong tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất theo hướng VietGAP được quan tâm, diện tích sản xuất VietGAP ngày càng gia tăng, góp phần tạo điều kiện nâng cao chất lượng, uy tín và phát triển thị trường tiêu thụ. Đây là những ưu điểm cần phát huy...”.

Cần tuân theo quy hoạch

Theo Cục Trồng trọt, việc tổ chức sản xuất, trồng cây ăn trái, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả thời gian qua tại ĐBSCL còn gặp một số hạn chế. Cụ thể, tổ chức sản xuất chưa theo kế hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát, phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam sành, khai thác nhanh và ngắn hạn, gây bất ổn trong tiêu thụ.

Một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng chưa đạt yêu cầu; chưa thực hiện đúng kỹ thuật lập vườn, kỹ thuật canh tác, khai thác cây ăn trái; thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị dẫn đến chất lượng không cao, chưa đồng bộ về an toàn vệ sinh thực phẩm; sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, nên người sản xuất chưa nắm bắt kịp thời tín hiệu thị trường, giá cả bấp bênh, chưa ổn định; cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây ăn trái chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp...

Để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không hiệu quả, các địa phương vùng ĐBSCL cần quan tâm thực hiện một số giải pháp về tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình BĐKH hiện nay; lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng. Kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân...

Hiện, nông dân các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần áp dụng các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn, như: tích trữ nước ngọt thông qua các giải pháp nạo vét kênh mương nội đồng, dùng bạt nylon trải dưới kênh mương để chứa - trữ nước ngọt; đào ao chứa nước ngọt trong vườn; hạn chế bốc thoát hơi nước bằng tủ gốc cây với các nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, lá dừa, cỏ khô và các thực vật khác) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm (nhỏ giọt, phun mưa), kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp đất giữ ẩm tốt, hạn chế bốc thoát hơi nước…

Đặc biệt, khi vườn cây bị hạn, mặn, bón bổ sung phân sulphate kali, vôi bột; khi hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây, cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, trái non để hạn chế thoát hơi nước. Chủ động đo nồng độ mặn, chỉ lấy nước tưới khi nồng độ cho phép…

TS. Nguyễn Bá Phú (giảng viên Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Mùa khô hạn việc quản lý nước và áp dụng đúng kỹ thuật tưới là cần thiết. Trong đó cần chú ý hệ thống mương phải thông thoáng và xuôi dòng nước; thường xuyên thay đổi nước trong mương vườn; giữ mực nước trong mương cách mặt liếp khoảng 0,6m trong mùa khô và 0,8m trong mùa mưa; hạn chế tưới lên lá, nếu có tưới thì tưới từ trên xuống và lượng nước phải nhiều; không nên tưới sau 15 giờ, tốt nhất tưới vào buổi sáng; duy trì độ ẩm đất thích hợp khoảng 70-80%... Đây là giải pháp bảo vệ cây trồng phát triển tốt trong mùa khô hạn”.

 

 

Hà Văn
Ý kiến bạn đọc
Top