Cây nghiến có khối lượng 142,5m3, trị giá gần 1,4 tỷ đồng, ở xã Phúc Yên (Lâm Bình - Tuyên Quang) bị chặt hạ. Tám đối tượng bị phạt gần 50 năm tù.
Tuy nhiên, để đưa được các đối tượng phá rừng ra trước vành móng ngựa không hề đơn giản, trong đó phải kể đến sự đóng góp tích cực của báo chí.
Vượt hơn 300km đi tìm “cụ” nghiến
Đầu tháng 2 năm 2017, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn nhận được thông tin của nhân dân phản ánh, tại thôn Thôm Công, xã Phúc Yên có một cây nghiến (nhóm IIA) được đánh giá thuộc loại “cụ” nhất khu vực mới bị các đối tượng ở xã Khuân Hà (Lâm Bình), chặt hạ.
Thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc, được sự đồng ý của lãnh đạo báo, phóng viên vượt hơn 300km từ Hà Nội lên để kiểm chứng thông tin. Khoảng 8 giờ sáng 17/2/2017, phóng viên có mặt tại bến bản Pin, xã Phúc Yên. Nhưng để đến được vị trí cây nghiến bị chặt hạ, phải đi tiếp hơn 2 giờ đồng hồ bằng thuyền máy trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang.
Trên đường đi, người lái thuyền tâm sự, thời gian cây nghiến bị chặt hạ vào khoảng cuối tháng 1/2017, cây này thuộc vào loại cổ thụ, có tuổi thọ lên tới cả nghìn năm. Để hạ được cụ nghiến, các đối tượng phải dùng cưa xăng, cưa nhiều lần, hết cả chục lít xăng. Đối tượng không ở đâu xa mà ngay ở xã Khuân Hà. Người lái thuyền đã cung cấp cho phóng viên 5 người tham gia cưa cây, trong đó có nhiều người là anh em.
Hơn 10 giờ ngày 17/2/2017, phóng viên có mặt tại vị trí cây nghiến bị đổ. Đúng như phản ánh, phải gọi là cụ nghiến, tổng khối lượng lên tới 142,526m3. Hiện ra trước mắt tôi là một công trường chế biến gỗ, nhiều cành nghiến đường kính hàng trăm vanh đang bị khai thác nham nhở, có thể thân cây quá to nên các đối tượng chưa kịp khai thác, vận chuyển ra ngoài.
Tại hiện trường, trên thân cây có ghi ngày Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình kiểm tra, phát hiện, 4/2/2017 và 15/2/2017. Được biết, cây nghiến bị các đối tượng chặt hạ vào ngày 25/1/2017.
Qua đây thấy, thời gian các đối tượng chặt hạ cây, thời gian hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình phát hiện và thời gian Báo Kinh tế nông thôn nhận được thông tin, có mặt tại thực địa cách nhau không xa. Như vậy, cho thấy nguồn tin từ nhân dân cung cấp cho Báo Kinh tế nông thôn là chính xác, tin cậy.
Các bị cáo lĩnh án gần 50 năm tù
Trao đổi với phóng viên về vụ việc khi đó, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết, thông tin về cây nghiến ở thôn Thôm Công, xã Phúc Yên bị chặt hạ, huyện đã nắm được, đang giao cho các đơn vị chức năng kiểm tra xử lý theo quy định.
Cũng theo ông Dưng, việc điều tra, bắt các đối tượng là rất khó vì chưa xác định được cụ thể, do vậy, phải có thời gian để các cơ quan chức năng mật phục bắt tại trận khi các đối tượng quay lại khai thác.
Tại buổi trao đổi, phóng viên đặt câu hỏi, tại sao người dân biết rõ từng người, thời gian chặt hạ, dùng hết bao nhiêu lít xăng nhưng huyện và các cơ quan chức năng không biết? Bằng sự cầu thị của người đứng đầu UBND huyện, ông Dưng nhờ phóng viên cung cấp danh sách 5 đối tượng được cho là tham gia chặt hạ cây và hứa sẽ huy động toàn bộ lực lượng, mật phục, điều tra đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật trong thời gian sớm nhất.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng huyện Lâm Bình, bằng nguồn tin của Báo Kinh tế nông thôn, chỉ hơn một tháng, nhiều đối tượng đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ, tạm giam. Như vậy, lời hứa của ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình với phóng viên đã được thực hiện.
Các cơ quan chức năng xác định, cây nghiến nói trên (nhóm IIA) có khối lượng là 142,528m3, thuộc lô 6, khoảng 169A, rừng phòng hộ Thôm Công, xã Phúc Yên do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình quản lý, tổng giá trị gần 1,3 tỷ đồng.
Ngày 11/5/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có bản án tuyên phạt tù 8 bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng với tổng 47 năm 6 tháng tù giam.
Mới đây, trao đổi với phóng viên về vụ án trên, ông Dưng tâm sự: “Đây là vụ án có số lượng người liên quan đến xử lý hình sự lớn nhất của huyện. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn luôn đồng hành, bám sát địa bàn, đặc biệt trong vụ việc này, báo có thông tin sớm, có thông tin chi tiết, cụ thể tới từng đối tượng, giúp việc điều tra, xác minh nhanh, hiệu quả.
Thông tin từ cơ quan báo chí nói chung, Báo Kinh tế nông thôn nói riêng trong công tác bảo vệ rừng là hết sức quan trọng. Từ nguồn tin của báo giúp huyện làm tốt công tác điều hành, chỉ đạo”.
Dù chỉ là một lần trong vô số vụ việc tôi đã tham gia tìm hiểu, điều tra, nhưng đây là vụ việc đáng nhớ nhất trong gần chục năm làm báo của mình.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.