Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 3 năm 2018 | 14:40

Chuyện về xã không có liệt sỹ

Trải qua hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm và cả chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, xã Kim Long (nay là xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) có hơn 300 con em lên đường bảo vệ Tổ quốc.

2.jpg
Giờ đây xã Tân Trào đã có nhiều thay đổi, là một trong những xã đầu tiên của Tuyên Quang đạt chuẩn NTM.

Trải qua hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm và cả chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, xã Kim Long (nay là xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) có hơn 300 con em lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là, tất cả đều bình an trở về. Có thể Kim Long là xã duy nhất trong cả nước không có liệt sỹ?! 

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, tâm sự, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhiều lớp người ở làng Tân Lập tham gia bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiều người bị thương, bị bắn thủng ngực, bị mảnh pháo găm vào đùi nhưng không có ai hy sinh tại chiến trận.

Được biết, trước năm 1945, xã Kim Long có 6 làng. Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã gộp xã Kim Long và Kim Trận đặt tên thành xã Tân Trào. Tên Tân Trào có ý nghĩa rất lớn, Tân là mới, Trào là phong trào khởi nghĩa bắt đầu giải phóng từ Tân Trào mà đi.

 

3.jpg

Ông Hoàng Văn Doãn kể lại với phóng viên, ngày 28/10/1979, ông bị đạn bắn xuyên ngực, phải 15 ngày sau mới tỉnh nhưng ông vẫn bình an trở về.

Sau khi thành lập xã Tân Trào, Bác cũng gộp các làng của xã Kim Long cũ thành thôn Tân Lập. Tân có nghĩa là mới, Lập là nơi họp Quốc dân Đại hội đầu tiên tại đình Tân Trào, gắn với việc thành lập nước nên Bác đặt tên là Tân Lập. Năm 1991, thôn Tân Lập lại tách thành 3 thôn, gồm: Tân Lập, Lũng Búng và Mỏ Ché.

Ông Nông Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Trào, cho biết, hiện xã có 8 thôn với 273 cựu chiến binh. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, 3 thôn thuộc xã Kim Long cũ có hơn 300 người tham gia kháng chiến, hiện có hơn 70 cựu chiến binh.

Ông Hoàng tâm sự, theo các cụ truyền lại, đình Kim Long nay là đình Tân Trào thờ 5 vị đại thần, 3 vị đại vương và thờ thành hoàng làng, các thần ngự ở các ngọn núi cao để bảo vệ cho con em trong xã mỗi khi ra chiến trận đều an toàn trở về. Xã rất tự hào vì con em trong xã tham gia vào nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh của đất nước nhưng vẫn bảo toàn được tính mạng, anh hùng trở về.

Ông Hoàng Ngọc, sinh năm 1937, dân tộc Tày, ở thôn Tân Lập, là người hai lần may mắn thoát chết trong gang tấc khi đang làm nhiệm vụ. Ông Ngọc tâm sự: “Năm 1958, tôi tham gia chiến trường công tác ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 246 (Quân khu Việt Bắc). Năm 1959, quân tiểu phỉ ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) nổi lên, đơn vị phải hành quân lên chiến đấu ở cổng trời. Đánh xong ở cổng trời, chúng tôi tiếp tục sang đánh ở Pa Pao. Trong lúc chiến đấu, tôi bị đạn bắn xuyên qua áo trấn thủ, áo rách nhưng rất may đạn lại không vào người”.

Lần thứ hai vào năm 1972, khi ông Ngọc  công tác tại Sư đoàn 304, Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần). Trong một lần đang trên đường từ Lạng Sơn qua thị xã Bắc Giang về Phú Bình (nay là huyện Phú Bình, Thái Nguyên) thì bị máy bay Mỹ ném bom. Ông Ngọc nhớ lại: “Ngày hôm đó xe của chúng tôi đi gần hết địa phận thị xã Bắc Giang thì bị hỏng nên phải dừng lại sửa, sửa xe xong thì đã 10 giờ 10 phút. Lúc này còi báo động báo hiệu máy bay địch đang đến, hiện lên trước mắt là hàng chục chiếc máy bay ném bom phá, bom bi đang bay tới rất gần. Lúc đầu tôi nhìn thấy bom ném ở phía xa, sau đó mỗi lúc một gần rồi tôi bất tỉnh lúc nào không biết. Khi tỉnh đậy thì thấy mình đang nằm trong Viện Quân y 91. Khi thấy đau khắp người, tôi đi kiểm tra thì được biết bị ngất do sức ép của bom.

Lớp thanh niên chúng tôi đi gần 100 chiến sỹ chiến đấu ở các chiến trường nhưng tất cả đều về đầy đủ. Trong hai cuộc kháng chiến không có viên đạn nào rơi xuống Tân Trào. Nhiều người bảo nhân dân xã Kim Long là lính của Cụ Hồ, một lòng một dạ theo Bác, làm theo cách mạng nên được Bác bảo vệ”, ông Ngọc nói.

Ông Hoàng Văn Doãn, sinh năm 1960, ở thôn Tân Lập cũng là một trong những trường hợp như thế. Năm 1978, ông đi Công an vũ trang đóng quân tại đồn Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, không lâu sau thì diễn ra chiến tranh biên giới. Ngày 28/10/1979, khi trong chốt của ông có 3 chiến sỹ và 6 dân quân đang túc trực thì bị quân Trung Quốc đánh úp. “Lúc này tôi bị trúng đạn, liền xé áo lót nút lại vết đạn, sau đó từ từ ngã xuống mà không biết đất trời là gì” - Ông nhớ lại - “Sau 15 ngày điều trị liên tiếp tôi mới tỉnh. Tỉnh dậy mới biết là mình bị bắn xuyên ngực và phải mất 3 tháng sau mới hồi phục. Trong xã Kim Long cũ rất nhiều người bị thương, có người đi kháng chiến chống Mỹ bị đạn bắn vào vỏ não nhưng đều may mắn thoát chết”.

Chiến tranh đã lùi xa, trong niềm vui của xã đã về đích nông thôn mới, người dân Tân Trào còn đón nhận nhiều niềm vui riêng khi tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh bảo vệ dân tộc để đạt được nhiều thành tựu mới trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa.

 

 

Đình Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top