Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 4 năm 2022 | 21:8

Cơ hội cho cà phê Việt tại thị trường 1,4 tỷ dân

Ấn Độ cũng là 1 trong những thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam. Đáng chú ý, người dân Ấn Độ rất thích cà phê Việt Nam, trong đó có cà phê pha sẵn, cà phê đóng chai.

Nhiều cơ hội

Tại Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê sang thị trường Ấn Độ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 27/4, bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, Việt Nam là nước sản xuất và tiêu thụ chè hàng đầu thế giới. Đồng thời, chè cũng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đã phần nào tạo được thương hiệu, chỗ đứng nhất định trong mắt bạn bè quốc tế.

 

Cơ hội cho cà phê Việt tại thị trường 1,4 tỷ dân

Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ


Một sản phẩm khác cũng là thế mạnh của Việt Nam đó là cà phê. Đứng trong top các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê trên thế giới, Việt Nam đã tạo được uy tín lớn với quốc tế về sản phẩm cà phê của mình. Với diện tích cà phê đạt trên 664.000 ha, sản lượng cà phê đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm, trong đó cà phê Robusta chiếm diện tích lớn (93%), còn lại là cà phê Arabica, cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, tính đến năm 2020, Việt Nam có tổng diện tích trồng chè ổn định ở mức 130 nghìn ha, năng suất bình quân đạt mức khoảng 8,0 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt khoảng 192 nghìn tấn. Chè Việt Nam được trồng ở nhiều địa phương với tính chất khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có nhiều giống chè quý với hương vị đặc trưng riêng biệt. Vì vậy, ngành chè Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh để phát triển. Trên thực tế sản phẩm chè của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về thị trường Ấn Độ, mặc dù Việt Nam và Ấn Độ có điều kiện tự nhiên tương đồng nhưng là hai thị trường có thể bổ sung cho nhau.

Bà Nguyễn Thu Thủy đánh giá, với dân số trên 1,4 tỷ người, Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng nông sản, trong đó có chè, cà phê.

Cụ thể, mặt hàng chè, Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng Ấn Độ ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe và y học của các biến thể trà xanh và hữu cơ cũng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường. Bên cạnh đó, khả năng chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng, cùng với các kênh bán lẻ trực tuyến đang phát triển, được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường chè của Ấn Độ tăng trưởng.

Không chỉ sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu chè lớn trên thế giới. Ông Đỗ Duy Khánh – Bí thư thứ 1 Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ - thông tin, nhập khẩu chè của Ấn Độ ngoài việc để tiêu dùng tại thị trường nội địa còn nhằm mục đích tái xuất khẩu. Mặc dù được Chính phủ hỗ trợ, giúp đỡ để sản xuất chè nhưng sản lượng chè trong nước của Ấn Độ không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu nên có cơ hội cho Việt Nam.

Đối với mặt hàng cà phê, ông Đỗ Duy Khánh chia sẻ, Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 ở châu Á, thứ 6 thế giới. Năm 2021 -2022, Ấn Độ xuất khẩu đạt kim ngạch trên 600 triệu USD cà phê ra các nước trên thế giới. Trong đó, Ý, Đức, Bỉ là các quốc gia nhập khẩu hàng đầu của Ấn Độ. Năm 11 tháng đầu năm 2021- 2022, Ấn Độ nhập khẩu 115 triệu USD cà phê. Trong đó, Indonesia, Kenya, Việt Nam là các nước xuất khẩu hàng đầu cà phê sang Ấn Độ. Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.

“Qua theo dõi và đánh giá thị trường, người dân Ấn Độ rất thích cà phê Việt Nam, trong đó có cà phê pha sẵn, cà phê đóng chai”, ông Đỗ Duy Khánh chia sẻ và dẫn chứng thêm, việc Đại sứ quán luôn lấy cà phê làm quà tặng cho các đối tác bạn bè Ấn Độ trong các buổi làm việc hay các ngày lễ, diwali (lễ hội đèn) và được đón nhận, phản hồi rất tốt. Có 1 khách Ấn Độ đến Thương vụ làm việc, khi bảo mời cà phê thì họ không uống, nhưng khi nói là cà phê Việt Nam thì đồng ý.

Chú trọng xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng

Mặc dù có nhiều cơ hội để xuất khẩu cà phê sang Ấn Độ, song qua số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Ấn Độ có xu thế giảm. Năm 2020 – 2021 là 26,23 triệu USD, tháng 4/2021 đến tháng 2/2022 là 22,93 triệu USD. Việt Nam từ vị thế là nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu sang Ấn Độ đã chuyển xuống vị trí thứ 3 sau Indonesia và Kenya.

Lý giải nguyên nhân, ông Đỗ Duy Khánh cho rằng, nhiều khả năng là do giá cả. Vì cà phê Ấn Độ nhập khẩu từ Việt Nam và các nước này chủ yếu là để chế biến và tái xuất khẩu sang các nước châu Âu.

“Phải chăng, nên nhắm thẳng vào thị trường Ấn Độ, xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng, không xuất khẩu thành phẩm. Đồng thời phải đảm bảo tiêu chuẩn dán nhãn, đóng gói của Ấn Độ, trong đó có chứng chỉ FSSAI (chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Ấn Độ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải có sự đầu tư, chiến dịch marketing phù hợp”, ông Đỗ Duy Khánh khuyến nghị.

Ông Tarun Kumar Pandey – Giám đốc, Liên đoàn các nhà nhập khẩu thương mại và công nghiệp Ấn Độ (IICCI) – cũng cho rằng, cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ rất lớn. Cà phê pha với sữa, đường rất thú vị, doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ấn Độ đóng thành gói nhỏ, phù hợp với thị trường bằng thương hiệu riêng của mình. Hiện nay, IICCI có văn phòng đại diện tại Việt Nam nên sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hai bên xúc tiến thị trường.

“1/3 lượng xuất khẩu cà phê trong nước là cà phê hòa tan. Cà phê hòa tan trong 10 năm qua tại Ấn Độ đạt kết quả tốt. Nếu nhập khẩu sản phẩm cà phê từ Việt Nam sau đó thực hiện công đoạn pha, trộn sẽ có sản phẩm để xuất khẩu. Ấn Độ có thể hợp tác với Việt Nam để có những sản phẩm đó", ông Tarun Kumar Pandey nhấn mạnh.

Còn đối với mặt hàng chè, ông Đỗ Duy Khánh lưu ý, hương vị, khẩu vị chè của người Ấn Độ khác so với Việt Nam, thích ngọt, có thêm cay. Vì vậy, cần nghiên cứu, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân Ấn Độ.

 

Theo congthuong.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top