Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021, đoàn công tác của Tạp chí Kinh tế nông thôn đã lên với bà con miền Tây xứ Nghệ, về với Con Cuông, nơi ấy có bà con Đan Lai sinh sống.
Khởi phát chuyến đi này là nhờ những tấm lòng cao cả, sẻ chia của những người hướng đến mọi miền đất còn chưa đủ ánh lửa hồng. Trưởng đoàn là ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn; đặc biệt ghi nhận công sức, nhiệt huyết của anh Lê Văn Thành, phóng viên của Tạp chí, “cầu nối” kết lại mọi tấm lòng mà hướng đến bà con Đan Lai.
Tộc Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, tộc này chủ yếu là dòng họ La. Theo như lời kể của các già làng thì dòng họ này vốn dĩ chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An). Dòng họ La phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Những thứ trên là hoàn toàn không thể có. Cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - một tộc người mới ra đời từ đây.
Ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, hiện sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, với tổng kinh phí hơn 93 tỷ đồng. Theo đề án này, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục - đào tạo tại các khu vực người Đan Lai sinh sống, giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với các dân tộc khác trên địa bàn.
Nhưng với biết bao nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các cấp, những nơi có người Đan Lai sinh sống, đói nghèo vẫn còn quanh quẩn. Lập khu tái định cư, vận động người dân ra ở, lập điểm trường, điện, mở đường, trạm y tế... Vậy mà bước chân mặc cảm của một tộc người buồn khổ vẫn cứ muốn quay về những nơi thâm sơn cùng cốc xưa cũ, chấp nhận tăm tối với nỗi lo lắng truyền đời.
Đường về bản mới...
Từ thị trấn Con Cuông, chúng tôi ngược đường QL7, qua xã Mậu Đức để đến với Thạch Ngàn, nơi có 3 bản tái định cư của người Đan Lai sinh sống. Tường Vy, cô PV Đài truyền hình huyện Con Cuông, kể rằng, cách nay mười mấy năm, các anh mà vào đây thì khó tưởng tượng lắm, bởi đường sá khó khăn, heo hút bản vắng, thưa người. Nay trên những cung đường rải nhựa hoặc cấp phối, xe đi qua nhiều sắc mới tươi vui. Ấy là dăng dăng màu đỏ thắm của cờ Tổ quốc đón chào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng là đón chào năm mới Tân Sửu. Những dãy nhà sàn tươi tắn xây bằng xi măng của dự án tái định cư nép dài bên đường. Từng đoạn, từng đoạn là cảnh người dân hối hả nhập mía, keo lá tràm cho nhà máy.
Chị La Thị Kim, người dân bản Kẻ Tắt cười vui: “Năm nay, nhà mình chỉ trồng được 3 sào mía thôi, được hơn 20 tấn đó”. Thoáng nhẩm tính, giá nhập cho chi nhánh của Nhà máy mía đường Sông Lam tại điểm Cây Chanh là hơn 800 ngàn đồng/tấn, gia đình chị có một khoản tiền không nhỏ so với đời sống của bà con nơi đây.
Trên đường vào, chúng tôi dừng lại một khu đất đang được cày lật, tiếng máy cày rộn rã làm bừng sáng cả một góc rừng đại ngàn. Anh Vi Văn Điệp (người dân tộc Thái) về làm rể ở đất Đan Lai, kể rằng, gia đình anh thuộc diện nghèo nhất bản. Nhưng nhờ có chính sách tái định cư, ra đây có đất mới nên cũng bắt đầu ổn dần. Khu đất đang được cày bừa cho vụ mới của anh sẽ được trồng sắn, và đây là vụ thứ 3. Tuy nhiên, câu chuyện rất hay ở chỗ, người Đan Lai đã đổi cách nghĩ trong làm ăn, để cùng nhau no ấm. Anh Điệp mặc dù có đất, nhưng không có vốn đầu tư. Vậy nên anh đã “kết nối” cùng “nhà đầu tư” Lô Văn Điệp ở bản Tổng Su để có giống, phân bón, máy cày... Đến mùa vụ thu hoạch, thành quả sẽ được chia theo công sức, kinh phí đóng góp. Mỗi vụ như thế, thu hoạch ước chừng 6- 7 tấn sắn củ, thời giá ước chừng 1,7 triệu đồng/tấn.
Điểm đầu tiên chúng tôi dừng lại để trao tặng những món quà là khu tái định cư Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn. Giờ đây, sau 15 năm, bà con người Đan Lai đã có cuộc sống mới hằng ao ước. Những ngôi nhà khang trang nép mình bên sườn núi, những cánh đồng lúa nước được bà con tự tay cấy cày. Cuộc sống yên bình nơi đây đã làm cho tư duy của tộc người nơi thượng nguồn sông Giăng đổi thay từng ngày.
Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn) là một trong những bản tái định cư đầu tiên của "Đề án bảo tồn tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát” của Chính phủ. Năm 2006, sau thời gian dài vận động, 42 hộ, 194 khẩu thuộc tộc người Đan Lai ở Khe Khặng, thượng nguồn sông Giăng, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chuyển đến nơi ở mới tại khu tái định cư bản Thạch Sơn.
Để giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất và gắn bó với nơi ở mới, UBND huyện Con Cuông đã khẩn trương hoàn thành các thủ tục giao đủ đất cho các gia đình và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đồng thời, huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ theo đúng quy hoạch được duyệt, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân với các công trình thiết yếu như điện, đường, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, sân thể thao, công trình cấp nước sinh hoạt...
Đến nay, hầu hết các hộ tái định cư ở bản đều có nhà ở khang trang; môi trường sống được cải thiện. Bên cạnh đó, các hộ dân tái định cư còn được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, mua sắm công cụ lao động...
Ông La Văn Năng, người dân bản Thạch Sơn, kể: “Ngày trước ở Khe Khặng, bản Cò Phạt, đàn ông thì lên rừng săn bắn, đàn bà xuống khe suối mò ốc bắt cá để kiếm sống qua ngày. Tại bản cũ, đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Nay cuộc sống đổi thay nhiều. Bản mới có nhà cửa, đất lâm nghiệp, có ruộng nương nên bà con ai cũng phấn khởi. Bọn trẻ đi học gần hơn; nông sản làm ra thương lái vào tận bản thu mua; có điện, có tivi để xem cũng thấy sướng lắm rồi...”.
Anh Võ Đình Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn, cho biết: ”Sau 13 năm, người dân Đan Lai tái định cư về đây, chính quyền đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người dân an tâm để lập nghiệp.
Từ khởi đầu khó khăn, giờ người Đan Lai đã hòa nhập cộng đồng, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu bằng chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, cuộc sống của bà con ổn định, nhiều hủ tục đã xóa bỏ. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng nhất là tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn. Để hạn chế điều này, chúng tôi đang nỗ lực vận động bà con hiểu được tác hại của hủ tục này”.
Nơi cuộc sống mới bắt đầu
Nếu tính từ mốc cách đây 15 năm, khi Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, được coi là một cuộc “giải cứu” cho người Đan Lai, thì đến nay, quả thực họ đã có những bước đi thật dài để hòa nhập với cộng đồng, trở thành tộc người không thể thiếu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Từ đó đến nay đã có hàng trăm người Đan Lai ra nơi ở mới. Mục tiêu của Đề án là đưa 146 gia đình dân tộc Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt di dời ra khỏi rừng sâu. 30 hộ còn lại ở lại bản Cò Phạt nhưng sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái.
Tại các điểm tái định cư ở Cửa Rào, Tân Sơn (xã Môn Sơn) và bản Thạch Sơn, Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn), đồng bào Đan Lai được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất. Sau khi các hộ dân ổn định cuộc sống nơi ở mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao cho các đoàn thể phân công trách nhiệm hướng dẫn cụ thể từng gia đình biết về phương thức làm lúa nước, biết cách trồng trọt và chăn nuôi.
Hiện nay, nhiều điển hình kinh tế đã xuất hiện, như anh La Quang Vinh ở bản Thạch Sơn được đánh giá là hộ Đan Lai năng động, chịu khó học hỏi và tích cực khai hoang. Gia đình anh trồng các loại cây lương thực, hoa màu. Ngoài ra, còn trồng hơn 2ha gỗ xoan kết hợp làm kinh tế trang trại và chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Hay ông La Văn Thám, ở bản Tân Sơn; chị La Thị Nguyệt ở điểm tái định cư Cửa Rào. Hai hộ này trồng lúa nước kết hợp làm kinh tế trang trại, thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm.
Hiện nay, hầu hết hộ gia đình ở các khu tái định cư đều có ti vi, điện thoại, nhiều hộ đã sắm được xe máy và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Con em Đan Lai đều được đến trường, nhiều em đã học lên THCS, THPT và đại học. Bà con Đan Lai đang đổi thay tích cực và tự tin hòa nhập với các dân tộc anh em.
Từ bản Thạch Sơn, đi sâu vào theo cung đường mới sửa là các bản mới Kẻ Tắt, Bá Hạ. Dài theo các bản là điểm trường tiểu học, mầm non, là trạm y tế, đường điện. Dừng lại nơi Trường tiểu học 2 Thạch Ngàn (điểm trường Bá Hạ) lúc non trưa. Sân trường vắng lặng, chỉ nghe tiếng trẻ râm ran đọc bài trong giờ học. Giữa miền thẫm xanh của đại ngàn miền Tây xứ Nghệ, những lá quốc kỳ đỏ thắm tung bay, tiếng trẻ học bài, chợt thấy Tổ quốc hiện hữu gần hơn bao giờ hết.
Hơn 150 suất quà tình nghĩa mà đoàn mang theo góp thêm chút ấm cho ngày Tết cổ truyền với đồng bào Đan Lai, đồng bào Thái ở Thạch Ngàn, Châu Khê (Con Cuông) tuy chưa nhiều nhưng đó là tấm lòng của những nhà hảo tâm (trong đó có Quỹ Vì Tầm Vóc Việt - đại diện cho Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á và Công ty TNHH Mía đường Nghệ An), những người làm báo miền xuôi ân tình trao gửi bà con miền núi cao với tâm nguyện sẻ chia. Cầu chúc nụ cười người Đan Lai từ nay sẽ trọn vẹn mãi ở miền đất mới.
Tạm biệt Con Cuông ngày cận Tết, chúng tôi còn lưu luyến mãi nụ cười của cụ bà La Thị Tinh đi “kêu vía” (lễ chẵn tháng) cho cháu ở bản Bá Hạ: “Ra bản mới thích lắm, ưng cái bụng lắm. Giờ người Đan Lai ta yên ổn làm ăn rồi”.
Đây cũng là tâm nguyện của những người đến với đồng bào. Như ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn đã tâm sự cùng đồng bào: “Mong bà con ra khu tái định cư cứ yên tâm mà làm ăn sinh sống, coi đây là quê hương ruột thịt. Đừng quay về nơi cũ nữa mà lại rơi vào cảnh khổ ngày xưa...”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.