Hơn 100 ngày qua, dịch Covid-19 đã vượt biên giới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành đại dịch trên toàn cầu...
Hơn 100 ngày qua, dịch Covid-19 đã vượt biên giới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành đại dịch trên toàn cầu (theo thông báo của Bộ Y tế, đến ngày 19/3/2020, toàn thế giới đã có trên 218.000 người dương tính với Covid-19, gần 9.000 người tử vong, 173 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm Covid-19).
Ở Việt Nam, sau hơn 3 tuần không có ca nhiễm mới thì từ ngày 6/3 đến nay, đã phát hiện 60 ca dương tính với Covid-19. Một số khu dân cư đã phải thực hiện cách ly. Nhiều phương án chặn dịch quyết liệt đã được Chính phủ ban hành và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân.
Dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội không chỉ ở Việt Nam mà với toàn thế giới. Doanh nghiệp gặp khó (thiếu nguyên liệu, khó khăn về thị trường,…), kéo theo đó, đời sống công nhân nói riêng, người dân nói chung cũng khó. Những khó khăn này còn đe dọa mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Không ai, không một cộng đồng nhỏ có thể ngăn được thiên tai, giảm thiệt hại của thiên tai. Cũng như vậy, không ai, không cộng đồng nhỏ nào và cũng không quốc gia đơn lẻ nào có thể ngăn được đại dịch nguy hiểm này.
Chỉ có cùng nhau chúng ta mới có thể từng bước khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Và cũng chỉ có cùng nhau, chúng ta mới hạn chế được tác động xấu của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Trên tinh thần cùng nhau, trong hơn 3 tháng qua, cùng với thế giới, với tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam ta đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và nỗ lực ở mức cao trong điều trị các ca bệnh, nhờ vậy, cho đến nay (15g ngày 19/3), nước ta chưa có tử vong do Covid-19. Những giải pháp của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao và coi là bài học kinh nghiệm trong ngăn chặn dịch bệnh cho các quốc gia khác. Nhiều cá nhân người nước ngoài đang được chữa trị do nhiễm Covid-19 đã viết thư cảm ơn Nhà nước và các bác sĩ Việt Nam…
Không chỉ ngăn chặn dịch bệnh, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, nhiều phong trào, nhiều tấm lòng sẻ chia khó khăn, giúp nhau khi hoạn nạn được nhiều tầng lớp xã hội ở mọi miền Tổ quốc hưởng ứng nhiệt tình. Từ cùng nhau “giải cứu nông sản”, mua và may tặng khẩu trang, nước sát khuẩn đến ủng hộ tiền cho chương trình nghiên cứu vắcxin, thiết lập phòng cách ly áp lực âm,… Và ngay trong Lễ phát động Chương trình toàn dân chung tay phòng, chống dịch Covid-19 (sáng 17/3) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ số tiền 235 tỷ đồng. Đó là những nghĩa cử cần được lan tỏa, nhân rộng.
Trên tinh thần lắng nghe và chia sẻ của Chính phủ hành động vì người dân và cộng đồng doanh nghiệp, ngày 12/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân, động lực quan trọng mới trong phát triển kinh tế nhằm hiểu rõ hơn những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề, trong đó có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ. Đại diện Tập đoàn Vingroup đề nghị Chính phủ rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”. Đại diện Tập đoàn Masan cho rằng, đây là thời điểm đẩy mạnh thương mại điện tử; đề nghị Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh thương mại điện tử, kinh tế số,…
Chính phủ sẽ có những biện pháp lắng nghe để điều hành chính sách sát hơn, tốt hơn, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tất cả các địa phương trong cả nước phải có những biện pháp để tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định: Có được kết quả tốt trong phòng, chống dịch là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của mỗi người dân. Dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cùng nhau cố gắng gấp ba.
Chỉ có cùng nhau chung tay thực hiện những hành động thiết thực, cụ thể trên tinh thần trách nhiệm cao với dân tộc, chúng ta mới hoàn thành nhiệm vụ kép: ngăn chặn dịch bệnh và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.