Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống dần trở lại “bình thường” trong trạng thái mới. Các sự kiện đã được tổ chức trở lại; học sinh các cấp đi học bình thường; du lịch mở cửa hoàn toàn, nhiều gia đình đã lên kế hoạch đi du lịch...
Điều này chứng tỏ, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh và việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là đúng đắn, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Đã qua rồi “thời chiến” của dịch bệnh
Hai năm trước, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là thời điểm Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội và giai đoạn đỉnh dịch, mọi hoạt động đều bị tạm dừng trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Hoạt động kinh doanh ăn uống đều phải đóng cửa, rồi nới dần, chỉ cho bán mang về, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” bởi thu không đủ bù chi. Không chỉ có Hà Nội mà các tỉnh, thành khác đều trong trạng thái căng mình “chống dịch như chống giặc”.
Chị Nguyễn Quỳnh Ly, chủ quán cà phê Tưởng ở (61 Ngọc Lâm, quận Long Biên) chia sẻ, thời gian đó, những người kinh doanh như chúng tôi dường như rơi vào khủng hoàng tinh thần trầm trọng, bởi các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền được ban hành, các hoạt động kinh doanh đều phải tạm dừng hoạt động.
Hàng quán đóng cửa, phố xá thưa thớt người qua lại, nhà nhà cửa đóng then cài, không ai ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, thậm chí ra ngoài phải có giấy đi đường.
“Bây giờ thì khác rồi. Từ khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, nhất là khi Chính phủ cho phép du lịch được mở lại, mọi hoạt động trở lại bình thường thì quán cà phê khá đông khách, so với trước chưa đông bằng, nhưng cũng phấn khởi”, chị Quỳnh Ly nói.
Là khách hàng thường xuyên của quán cà phê Tưởng, anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, đúng là dịch Covid-19 nguy hiểm thực sự, là dịch bệnh mới. Hai năm trước, chúng ta chưa có vaccine để tiêm phòng, nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao và tử vong cũng khá nhiều, TP. Hà Nội gần như “đóng băng”.
“Bây giờ chúng ta đã trải qua được giai đoạn “thời chiến” phòng chống dịch, công sở, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, mọi hoạt động của xã hội cũng diễn ra như thời gian chưa có dịch. Nhưng bình thường bây giờ khác trước, đó là người dân vẫn phải tuân thủ khuyến cáo 5K, nhất là đeo khẩu trang và khử khuẩn”, anh Hùng nói.
Tâm thế mới trong bình thường mới
Hà Nội đã định hình tâm thế mới để đối phó với “giặc” Covid-19. Nói như thế không có nghĩa tự tin thái quá, nhưng qua số liệu của thành phố: tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt hơn 99%, tiêm phủ mũi 3 cũng đạt hơn 57%, cho thấy nhận định trên hoàn toàn có cơ sở và thuyết phục.
Đặc biệt, thành phố đã triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vét đối với những người chưa tiêm vaccine, người cao tuổi và người có bệnh nền. Đây là biện pháp có ý nghĩa rất quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro về tính mạng cho người dân, từ đó tạo lòng tin cho cán bộ và nhân dân để định hình một tâm thế mới.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực giáo dục, Hà Nội là một trong những địa phương có hệ thống các trường lớp từ mầm non đến đại học lớn nhất nước, nên vô cùng nhạy cảm và liên quan tới hầu hết các gia đình nhưng đã từng bước mở cửa trở lại. Hiện nay, tất cả các cấp học trên 30 quận, huyện, thị xã, học sinh đều đi học bình thường. Đó là sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền, ngành chức năng, để đưa mọi việc trở lại trạng thái bình thường. Sự kiện con em quay lại trường được ví như ngày “giải phóng phụ huynh”, đủ cho thấy một tâm thế mong đợi và tự tin về một cuộc sống bình thường mới, con em quay lại trường đi học và đảm bảo an toàn, là món quà lớn của công tác phòng chống dịch hiệu quả.
Trong hoạt động du lịch, chính thức từ ngày 15/3, du lịch mở cửa hoàn toàn, đó cũng là một bước ngoặt mới trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế.
Chia sẻ với PV, anh Hoàng Văn Dũng ở 125 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên - Hà Nội), cho biết: Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi hoạt động du lịch đều phải tạm ngưng. Gia đình trước đó đã đặt phòng đi du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) nhưng có đi được đâu. Ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, gia đình tổ chức đi Hạ Long ngay.
“Đi du lịch nhưng gia đình vẫn không quên tự bảo vệ sức khỏe của mình và mọi người xung quanh, đó là thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi đông người, chủ động rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn...”, anh Dũng nói.
Là hộ buôn bán, gia đình chị Thanh Loan (quận Long Biên, Hà Nội) lại tổ chức đi lễ cầu cho một năm may mắn, vạn sự hanh thông.
Chị Loan cho biết, ngay từ đầu năm, khi chùa Hương và Yên Tử được phép mở cửa trở lại, anh chị em trong hội làm ăn của chúng tôi đã tổ chức đi hành hương về với Đất Phật. Sau đó, chúng tôi lại tổ chức đi Lào Cai và các địa phương khác có chùa hay địa điểm tâm linh.
“Việc đi lễ đầu năm của chúng tôi đã trở thành thông lệ, bất di bất dịch. Tuy nhiên, hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bị gián đoạn. Năm nay rất may mắn là chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh nên người dân có thể đi tham quan, du lịch và lễ chùa”, chị Loan nói.
Chủ động và nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh
Ngày 18/3 vừa qua, phố đi bộ Hồ Gươm chính thức được phép hoạt động trở lại sau hai năm phải dừng do dịch bệnh. Nhiều người dân thuộc các khu vực phố đi bộ vui mừng, không chỉ họ sẽ được tiếp tục kinh doanh, mà điều quan trọng hơn là người dân yên tâm khi dịch bệnh được kiểm soát.
Chị Hoàng Hương (quận Hoàn Kiếm) , người thường xuyên tham gia các hoạt động khiêu vũ ở phố đi bộ quanh Hồ Gươm, chia sẻ, thời gian phố đi bộ không được hoạt động, không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người buồn lắm, nhưng không làm thế nào được vì dịch bệnh căng thẳng.
“Bây giờ tôi có thể tự do đi bộ, tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng tại khu vực này cứ mỗi tối cuối tuần. Một điều rất khác so với những năm trước đây khi chưa có dịch bệnh là người dân đến đây đều đeo khẩu trang”, chị Hoàng Hường nói.
Ngay sau khi chúng ta hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân đủ 18 tuổi trở lên, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết 128/NQ-CP về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết thực sự đã đi vào cuộc sống và có hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ cũng cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch, đây là một trong những đòn bẩy quan trọng, để thúc đẩy các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế.
Mấy ngày nay, Hà Nội chỉ còn hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày. Điều này nhắc nhở mọi người dân không chủ quan, hoang mang, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19. Dường như người dân đã quen với một tâm thế mới sống chung với dịch bệnh, nên trong nhà các hộ dân Thủ đô luôn sẵn bộ test nhanh Covid-19, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang... nhằm chủ động đối phó với dịch bệnh.
Đến nay, có thể nói, mọi hoạt động của toàn xã hội đã trở lại bình thường, nhưng trong trạng thái mới, đó là vừa phát triển kinh tế, vừa phải bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, người dân ý thức được trách nhiệm với chính bản thân mình và với xã hội, đó là chủ động bảo vệ sức khỏe, không để dịch bệnh lây lan...
Ngày 15/4/2022, kết luận phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước nhưng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì tình hình dịch còn diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng cần chuẩn bị kịch bản, phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch bệnh có biến chủng mới. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.