Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2019 | 14:25

Đá viên tinh khiết: Liệu có đảm bảo vệ sinh?

Trong những ngày hè nóng nực nhu cầu sử dụng đá viên để giải khát là rất cao, tuy nhiên những túi đá “tinh khiết” được các cơ sở tư nhân sản xuất liệu có bảo đảm được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thay vì nguồn nước ở độ sâu 90m thì các cơ sở sẽ sử dụng nước giếng khoan để cho ra đời những túi nước đá “tinh khiết” thu nhiều lợi nhuận hơn.
 
da-2.jpg
Những cơ sở sản xuất đá viên "tinh khiết" như thế này liệu có bảo đảm ATTP?

 

Không ít cơ sở sản xuất không đăng ký chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn tự ý sản xuất mặt hàng đá viên. Trong khi đó, theo quy định, một sản phẩm đá viên muốn được chứng nhận bảo đảm ATVSTP phải được kiểm định 14 tiêu chí về lý, hóa, vi sinh.
 
Ngoài ra, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc, thì vẫn phải đảm bảo 28 tiêu chí như: Lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, tạp chất, vi sinh…
 
Đặc biệt, hệ thống đóng chai phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật… Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất chật hẹp vỏn vẹn chỉ chục mét vuông, trang thiết bị đơn giản và cũ, rỉ sét không được vệ sinh thường xuyên, sản xuất nước đá không theo quy trình khép kín… Thậm chí không ít cơ sở đã hút thẳng nước từ giếng khoan, sau đó lọc qua than hay sỏi và chiếu tia cực tím rồi dán nhãn sản phẩm là… tinh khiết.
 
dá-1.jpg
Có rất ít cơ sở sản xuất đá "tinh khiết" được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

 

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây, các cơ sở sản xuất đá viên và nước đóng chai tăng lên rất nhanh - hiện đang có khoảng 500 cơ sở. Tuy nhiên, trong số này rất ít cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, qua công tác kiểm soát tại nơi sản xuất, từ đầu mùa hè cho đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt không ít cơ sở sản xuất nước đá dùng liền không bảo đảm ATVSTP.
 
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ đóng băng của đá không thể làm cho một số vi khuẩn bị tiêu diệt, chính vì vậy nếu sử dụng đá viên “tinh khiết” không rõ nguồn gốc xuất xứ thi nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
 
Bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra cảnh báo, nước đá nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn và sử dụng nguồn nước giếng khoan, hay nguồn nước không qua xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
da3.jpg
Nguy cơ mất ATTP từ những cơ sở sản xuất đá viên "Tinh khiết" như thế này

 

Theo quy định của Bộ Y tế, việc sản xuất nước đá tinh khiết phải theo đúng quy trình như sau: Nguồn nước sản xuất đá tinh khiết phải được lấy từ độ sâu 90m, được xử lý qua hệ thống lọc và diệt vi khuẩn bảo đảm theo quy định về chất lượng, an toàn về nước ăn uống. (Theo Tiêu chuẩn QCVN số 01/2009/BYT được ban hành theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống).
 
Các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều phải bằng inox, không bị gỉ sét theo thời gian (Theo Thông tư số 15/2012/TT - BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm).
 
Đối chiếu với quy định như trên của Bộ Y tế, liệu những túi đá với giá rẻ bất ngờ trên đây có thật sự là tinh khiết?.
 
Để bảo đảm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt trong những ngày nắng nóng có nhiệt độ cao, nhu cầu sử dụng đá “tinh khiết” rất lớn, đề nghị các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm cần có biện pháp kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá “tinh khiết” để xử lý những cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm này.
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top