Khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND đặc khu do toà án cấp tỉnh giải quyết, toà đặc khu không có thẩm quyền
Góp ý về quy định liên quan đến các cơ quan tư pháp trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại Kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, dự thảo được chỉnh lý theo hướng đối với các vụ án dân sự thì tăng cơ bản thẩm quyền cho toà đặc khu. Theo đó, hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử của toà án cấp tỉnh hiện nay sẽ được chuyển xuống cho toà án đặc khu giải quyết.
Đối với các vụ án hình sự thì dự thảo quy định toà án đặc khu có thẩm quyền xét xử các tội phạm đến 15 năm tù. Theo nữ đại biểu, quy định như thế là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với các vụ án hành chính, nói nôm na là các vụ án “dân kiện chính quyền” thì dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho toà án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của toà án cấp huyện hiện nay.
Như vậy thì mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do toà án cấp tỉnh giải quyết, toà án đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các vụ việc này. Do đó, bà Nguyễn Thị Thuỷ đề nghị xem xét vấn đề này.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng cùng với sự phát triển năng động của các đặc thì cũng dự báo sự gia tăng lớn của các vụ án dân sự, vụ án hành chính như vụ án liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng của dự án.... Theo số liệu thống kê 3 năm từ 2015 đến nay, số lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện bị khiếu kiện tới toà tăng mạnh, như Phú Quốc tăng gấp gần 2 lần. Dự thảo chỉ đặt vấn đề tăng thẩm quyền về án dân sự, không tăng thẩm quyền với vụ án hành chính dẫn đến thực tế là với vụ án dân sự, toà án đặc khu có thể giải quyết những việc rất phức tạp trong khi đó lại không có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đồng cấp.
Cũng theo vị đại biểu này thì nếu lấy lý do cho rằng việc giao toà án đặc khu thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện với UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư khách quan thì sẽ không giải thích được việc luật hiện hành đang giao cho 63 TAND cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện đối với quyết định của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lập luận này cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng là cho phép thực hiện thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có bộ máy tư pháp.
Ngoài ra, quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho người dân và nhà đầu tư. Cả 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh, như người dân ở Phú Quốc muốn đến Kiên Giang phải đi 120km đường biển. Theo nguyên tắc tố tụng, nếu bản án sơ thẩm bị kháng nghị, kháng cáo thì vụ án phải do toà án cấp cao giải quyết, trong khi cả nước chỉ có 3 toà cấp cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, khi đó rất vất vả cho người dân, nhà đầu tư tiếp tục theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Nữ đại biểu cũng phân tích, khác với vụ án dân sự có thể uỷ quyền cho luật sư tham gia, trong vụ án hành chính, luật tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia toàn bộ giải quyết vụ án, nếu uỷ quyền thì chỉ đến phó chủ tịch. Bà Thuỷ cho biết, chưa đầy 2 năm thi hành luật nhưng nhiều địa phương đề nghị sửa điều này vì số lượng phó chủ tịch khống chế từ 2-3 người như hiện nay thì về điều hành công việc đã quá tải nên không đủ thời gian vật chất để tham gia phiên toà.
Trong khi đó các đặc khu được dự báo phát triển nóng thời gian tới, đòi hỏi người đứng đầu phải điều hành nhanh nhẹn, hiệu quả nhưng bắt buộc phải tham gia đầy đủ phiên toà thì có thể ảnh hưởng đến việc điều hành ở địa phương, mà nếu không tham gia phiên toà sẽ ảnh hưởng đến việc đối thoại, tranh tụng với người dân, làm tăng bức xúc của người dân.
“So sánh mối tương quan giữa hành pháp và tư pháp trong luật cho thấy còn khoảng cách rất lớn” – bà Lê Thị Thuỷ nhấn mạnh. Vì UBND và Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền rất mạnh, được giao nhiều thẩm quyền từ các cơ quan nhà nước cấp trên, cụ thể là 44 thẩm quyền ở tỉnh, 21 ở Bộ và 8 thẩm quyền của Thủ tướng. Nhưng cơ quan tư pháp đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp hành chính với mình. Điều này là chưa phù hợp nguyên tắc không dồn án cho cấp trên vì quy định như dự thảo thì các vụ án hành chính dồn lên cấp trên và thậm chí còn lên tận toà cấp cao giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ cũng chia sẻ, khi đi tìm hiểu mô hình đặc khu một số nước được đánh giá thành công về mô hình đặc khu, khi được hỏi điều gì tạo nên sức hấp dẫn với nhà đầu tư tại nơi đây thì câu trả lời là ban đầu thì ưu đãi về kinh tế nhưng về lâu dài là ổn định chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh có đủ thẩm quyền, năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn đặc khu.
“Đề nghị giao cơ quan tư pháp đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với UBND và Chủ tịch UBND cùng cấp. Các cơ quan tư pháp với thẩm quyền được giao phù hợp chính là những đảm bảo cần thiết cho việc vận hành cơ chế đặc thù tại đặc khu, thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận công lý” – đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nêu ý kiến./.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.