Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2019 | 21:12

Đắk Lắk: Thành lập Chi hội Cà phê đặc sản

Theo đó, Ban vận động đã soạn thảo văn bản, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, hoạt động liên quan đến cà phê, tham gia Chi hội Cà phê đặc sản.

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức Đại hội thành lập Chi hội Cà phê đặc sản nhiệm kỳ 2019 - 2024.Để thúc đẩy phong trào sản xuất, tiêu thụ cà phê đặc sản, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, đã thành lập Ban Vận động thành lập Chi hội Cà phê đặc sản.

Kết quả, đã có 68 hội viên đăng ký tham gia, gồm 41 hội viên chính thức và 27 hội viên liên kết, đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk.

 

đoi-ten1.jpg

 Các đại biểu thưởng thức cà phê đặc sản bên thềm đại hội

Tại đại hội, các đại biểu đã góp ý về quy chế hoạt động của Chi hội, hình thức kết nối truyền thông, quảng bá cà phê đặc sản, định hướng hoạt động trong tương lai...

Đại hội bầu ra 9 hội viên đại diện cho các địa phương tham gia Ban Chấp hành Chi hội Cà phê đặc sản, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Trong đó, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Tu làm Chi Hội trưởng. 

Chi hội Cà phê đặc sản là tổ chức được thành lập theo hình thức tự nguyện, trực thuộc Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Trong nhiệm kỳ thứ I (2019 - 2024), Chi hội đặt ra mục tiêu ổn định cơ cấu tổ chức, phát triển thêm 20% hội viên; ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình đánh giá chất lượng cà phê đặc sản; hệ thống nhận diện cà phê đặc sản và các quy định sử dụng…

Cũng tại đại hội, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020. Theo đó, tất cả các tổ chức, cá nhân có trang trại cà phê, hoặc trực tiếp liên kết hợp tác với nông dân sản xuất, chế biến cà phê đặc sản trên lãnh thổ Việt Nam (kể cả doanh nghiệp nước ngoài) đều được đăng ký hồ sơ tham gia cuộc thi: Cà phê đặc sản Việt Nam 2020. Dự kiến, cuộc thi sẽ tổ chức vào đầu năm 2020 theo 2 vòng sơ khảo và chung kết.  

Đơn Dương: Thành công nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Không những được người dân biết đến là vị trưởng thôn gương mẫu, nhiệt huyết, ông Ka Úk (thôn D’ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương), còn  đi đầu trong việc phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

   

co-cau-99.jpg

 Ka Úk luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu qủa cao

 

Qua lời giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Đạ Ròn, chúng tôi đến thăm gia đình Trưởng thôn Ka Úk tại thôn D’ròn. 

Ông tâm sự: “Trước kia, thôn D’ròn là một trong những thôn khó khăn của xã Đạ Ròn. Lúc đó, đời sống còn nghèo nàn, nguồn kinh tế chủ yếu dựa vào lúa nước.

Bà con chủ yếu là người đồng bào DTTS, chưa tiếp nhận được  kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên nghèo đói còn phổ biến”.

Năm 1998, ông chuyển về vùng kinh tế mới của nông trường, nhận thấy nuôi bò sữa, trồng rau ngắn ngày, đem lại hiệu quả cao, ông dồn hết tâm huyết, vốn liếng để làm.

Song, xuất phát từ trồng lúa, sau đó chuyển qua nuôi bò, đã tạo ra không ít khó khăn, ông bộc bạch: “Khó khăn chồng chất khó khăn, ban đầu mới làm cái gì cũng thế, gặp rủi ro là chuyện thường.

Vì chưa có kinh nghiệm, nên trong quá trình nuôi bò sữa, đã xảy ra nhiều sự cố, dịch bệnh, thức ăn, nên vốn bỏ ra không thu lại nổi nói gì là có lời”. 

Vào tham quan vườn rau màu đang thời gian thu hoạch, ông kể: “Lúc đầu  chỉ trồng bắp, sau đó trồng cây ngắn ngày như cà chua, ớt, su lơ,… nhưng do tiếp cận phương pháp thâm canh mới nên chưa quen, suốt mấy năm liền bị thất thu”. 

Không nản chí, ông Ka Úk tiếp tục tận dụng đất, ruộng đang có, trồng rau màu và chăn nuôi. “Đúng là trời chẳng phụ công, sau khó khăn, cuộc sống của gia đình ông đã đủ đầy hơn, kinh tế cũng từ đó ổn định.

Và rồi tôi cũng hướng dẫn bà con trong thôn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế”, ông Ka Úk vui vẻ nói.

Từ 2 con bê nhỏ, ông đã nhân được 15 con bò cho sữa, thu nhập 16 triệu đồng/tháng. Để hạn chế dịch bệnh cho rau màu, ông mạnh dạn đầu tư 8 sào nhà lưới.

Hiện, ông có 1,2 ha diện tích đất trồng rau ngắn ngày, cùng với chăn nuôi bò sữa đã mang lại hiệu quả cao. Trưởng thôn Ka Úk cho hay: “Để ổn định, tôi đã tìm đến Công ty Vinamilk, cung cấp sữa và tìm mối tiêu thụ rau với lái buôn Đơn Dương, Đà Lạt.

Hiện, cuộc sống gia đình cũng được cải thiện hơn nhiều so với những năm trước, kinh tế cũng khá giả hơn, khi kết hợp trồng rau màu, chăn nuôi; lợi nhuận thu được 200 triệu đồng/năm”.

Noi gương ông, đến nay, 80% người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.

“Bà con cứ ỷ lại, không làm rồi nghĩ sẽ có người đến giúp mình mãi thế đâu có được. Tôi không ngại chia sẻ về những gì tôi làm để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Tôi chỉ có suy nghĩ, tôi làm được thì bà con cũng làm được” - ông Ka Úk nói. 

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn cho biết: “Ông Ka Úk là một trưởng thôn gương mẫu, và rất quan tâm đời sống của bà con. Ông cũng rất chịu khó tìm tòi, học hỏi về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rồi truyền đạt cho các nông hộ. Nhiều năm liền, ông được tỉnh, huyện, xã khen thưởng về thành tích trưởng thôn làm kinh tế giỏi”.

Cư Jút: Nỗ lực xây dựng vùng trái cây VietGAP

Huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang xúc tiến xây dựng một số mô hình theo chuẩn VietGAP, hướng tới việc tạo nên vùng nguyên liệu cây ăn trái an toàn.

 

xoai-66.jpg

 Vườn xoài của anh Thuận thôn 8, đang tham gia sản xuất VietGap

 

Đến thôn 8, xã biên giới Đắk Wil (Cư Jút) lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước, anh Nguyễn Văn Thuận ban đầu chọn điều làm cây chủ lực để phát triển kinh tế. Anh đầu tư sản xuất thâm canh, nhưng hiệu quả  chẳng đáng là bao.

Đến năm 2010, anh quyết định xuống giống gần 2 ha xoài cát và xoài Đài Loan để thay thế điều. Mấy năm sau, loại cây này tỏ ra phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương, năng suất, chất lượng tốt, được người dùng ưa chuộng.

Có nguồn thu bước đầu, anh Thuận tiếp tục mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, anh Thuận có khoảng 4 ha đất trồng trái cây, trong đó chủ yếu là xoài, ổi.

Hiện, vườn cây của anh Thuận được thương lái tìm mua. Mặc dù lợi nhuận từ vườn trái cây khá ổn, nhưng anh cho rằng, giá bán còn quá thấp so thị trường.

“Vào chính vụ, lượng sản phẩm rất lớn, trong khi đó, thương lái chỉ trả giá khoảng 1/2, thậm chí 1/3 giá thị trường. Người nông dân như chúng tôi không tìm được đầu ra, đành chịu cảnh thương lái ép giá”, anh Thuận ngậm ngùi.

Mới đây, khi xã Đắk Wil có chủ trương thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Thuận cùng một số hộ dân đăng ký làm thành viên.

Theo Trưởng thôn 8 Lê Văn Bính, thôn đang rà soát diện tích để trình xã thành lập THT. Dự kiến, sẽ có hơn 20 hộ dân với trên 20 ha cây ăn trái sẽ tham gia mô hình.

Hy vọng khi xây dựng được THT, đầu ra sản phẩm sẽ thuận lợi, giá cả cũng đỡ bấp bênh hơn.

Xã Đắk Wil hiện có trên 110 ha cây ăn trái, tập trung tại thôn 8. Theo Phó Chủ tịch xã Đắk Wil Nguyễn Minh Tâm, thôn 8 rất phù hợp các loại cây ăn trái.

Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm cũng bảo đảm cung cấp cho các loại cây ăn trái. Những năm qua, người dân thôn 8 đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất, chất lượng.

Song, thực tế, cây ăn trái đang trong tình trạng bế tắc, giá cả bấp bênh. Do đó, nếu xây dựng được mô hình VietGAP, đầu ra sẽ giảm bớt áp lực.

Trái cây của Đắk Wil có thể đi vào trong hệ thống siêu thị, cửa hàng… và mang về lợi nhuận kinh tế cao cho người dân.

Ngoài Đắk Wil, huyện Cư Jút đang xúc tiến xây dựng mô hình VietGAP cho khoảng 20 ha mít Thái Lan tại thôn 15, xã Đắk D’rông.

Đây là những diện tích trồng chuyên canh, tập trung liền kề và đang trong giai đoạn sản xuất.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cư Jút, Hồ Sơn, hiện, Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam) đã lấy mẫu đất, nước ở khu vực trồng trái cây ở Đắk Wil, Đắk D'rông để phân tích, kết quả bước đầu rất khả quan.

Dự kiến cuối năm nay, khi vào chính vụ thu hoạch các loại cây ăn trái, Trung tâm sẽ tiếp tục lấy mẫu phân tích, và nếu đạt chất lượng sẽ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Để hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP cây ăn trái, huyện Cư Jút đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách và kinh phí (khoảng 100 triệu đồng/mô hình).

Theo ông Hồ Sơn, mục đích của huyện Cư Jút khi xây dựng mô hình VietGAP là hướng dẫn nông dân sản xuất theo vùng, bảo đảm sản phẩm an toàn.

Từ đó, cấp tem giới thiệu nguồn gốc, đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng. Ngoài ra, huyện Cư Jút cũng hy vọng xây dựng được các mô hình tham quan, nghỉ dưỡng, tạo ra “vùng đệm” cho du khách khi tham gia tour, tuyến du lịch vùng công viên địa chất núi lửa Krông Nô.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top