Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 5 năm 2022 | 8:50

Đảm bảo phúc lợi cho người lao động: Yếu tố căn cốt tạo giá trị, thương hiệu của doanh nghiệp

Hưởng ứng ngày Quốc tế lao động - ngày hội của những người lao động toàn thế giới, được tổ chức vào 1/5 hàng năm, nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động được các doanh nghiệp chú trọng.

Bên cạnh tiền lương, phúc lợi doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống của người lao động; bảo đảm tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động. Đây được đánh giá như một trong những cơ sở phù hợp giúp người lao động đo lường sức hấp dẫn của doanh nghiệp và ra quyết định trước lời đề nghị của nhà tuyển dụng.

Chỉ số hài lòng về phúc lợi lao động

Theo kết quả Khảo sát lương 2022 “Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động” do Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam,  thực hiện, 10 phúc lợi hàng đầu mà người lao động nhận được xếp theo thứ tự giảm dần gồm: Lương tháng 13, phúc lợi về sức khỏe, y tế, chương trình chăm sóc sức khỏe, thời gian làm việc linh hoạt, phụ cấp đi lại, làm việc tại nước ngoài, ứng trước lương, chế độ làm việc linh hoạt, ngày nghỉ/ ngày nghỉ dịp sinh nhật, hỗ trợ phí cho học tập.

Theo kết quả khảo sát, năm 2021, số tiền thưởng trung bình cao nhất mà người lao động nhận được là 1 tháng lương chiếm 40,53%, kế đến chiếm 22,2% người tham gia được nhận thưởng 2 tháng lương. Đặc biệt, có 12,85% người lao động nhận thưởng dưới 1 tháng lương.

 

lãnh-đạo-tập-đoàn-công-nghiệp-cao-su-việt-nam-và-công-đoàn-cao-su-việt-nam-trao-tặng-mái-ấm-công-đoàn-công-trình-ánh-sáng-công-đoàn-và-hỗ-trợ-khó-khăn-cho-đại-diện-các-đơn-vị.jpg
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công đoàn Cao su Việt Nam trao tặng Mái ấm Công đoàn, công trình Ánh sáng Công đoàn và hỗ trợ khó khăn cho đại diện các đơn vị.

 

Số liệu khảo sát cũng chỉ rõ, gần 33% số người tham gia khảo sát khá hài lòng và hoàn toàn hài lòng về chế độ phúc lợi của công ty hiện tại. 46,2% người lao động cảm thấy ổn với chế độ phúc lợi của công ty. Bên cạnh đó, vẫn còn gần 21% không hài lòng và hoàn toàn không hài lòng về chế độ phúc lợi của công ty.

Đa số người tham gia khảo sát lựa chọn môi trường làm việc, đồng nghiệp và công việc ổn định là ba yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động làm việc ở công ty hiện tại. Địa điểm làm việc chiếm gần 12%. Tiền lương xếp vị trí thứ 4 trong danh sách với tỉ lệ 11%.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác như thương hiệu công ty, cơ hội học tập và phát triển ở công ty hiện tại cũng là những lý do mà người lao động gắn bó với công ty họ đang làm việc.

Đáng chú ý, theo số liệu khảo sát, có gần 39% ý kiến cho biết họ phải chịu tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên doanh nghiệp họ làm việc. Các tác động này bao gồm giảm lương từ dưới 10% đến hơn 50%; bị sa thải, chậm lương và cắt giảm nhân viên.

Bên cạnh đó, vẫn có 61,11% số người tham gia khảo sát cho biết lương của họ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Có thể thấy rằng, phúc lợi doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là vấn đề khá mới ở Việt Nam nên thể chế quản lý, điều tiết phúc lợi doanh nghiệp có những bất cập, chưa hoàn thiện. Quy định về việc trích lập quỹ phúc lợi còn khá đơn giản, chủ yếu tùy nghi, thực hiện cũng được, không thực hiện cũng không sao, chưa có quy định cụ thể về danh mục các phúc lợi bắt buộc cũng như cách thức phân bổ phúc lợi. Việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng (ngành Lao động, Thương binh và Xã hội) chưa có nhiều tác động điều chỉnh các vi phạm của doanh nghiệp trong bảo đảm phúc lợi cho người lao động.

Sự quan tâm phúc lợi lao động tạo sự gắn bó và thành công cho doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, đơn vị nào coi trọng và làm tốt các hoạt động phúc lợi cho người lao động thì nơi đó được người lao động tin tưởng, thấu hiểu và đồng thuận, cống hiến cho công việc.

Đơn cử, mới đây, Tổng công ty Cao su Đồng Nai tổ chức Hội nghị người lao động đầu năm 2022 cấp Tổng công ty nhằm giải thích, trả lời những thắc mắc, kiến nghị và góp ý của người lao động tại các đơn vị và nông trường. Theo đó, trước hội nghị này, các công đoàn cơ sở trực thuộc Tổng công ty đã tổ chức các hội nghị cấp cơ sở, thu được gần 500 lượt ý kiến, kiến nghị của NLĐ và đã giải đáp tại chỗ gần 450 ý kiến, còn lại một số ý kiến được Hội nghị đại biểu cấp Tổng công ty trả lời. Tập trung vào 4 nhóm vấn đề là: công tác sản xuất kinh doanh và phục vụ sản xuất; về đơn giá, tiền lương, về các chế độ chính sách, trang bị phương tiện cá nhân và việc sửa chữa cơ sở nhà kho chứa vật tư.

Nhờ lắng nghe và kịp thời giải quyết những tâm tư, góp ý của người lao động trong công việc và đời sống nên người lao động tại đây đều yên tâm, gắn bó cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, gặt hái nhiều kết quả đáng kể trong năm 2021, nhất là về mặt khai thác sản lượng thị trường, trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp phát triển bền vững của cả nước.

Ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức sáng tạo hiệu quả, “Tháng Công nhân” đã tạo được dấu ấn trong lòng người lao động và có sức lan tỏa sâu rộng. Cụ thể, những năm qua, Công đoàn Cao su Việt Nam đã vinh danh 1.194 danh hiệu “Công nhân Cao su ưu tú”, khen thưởng hằng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân có thành tích xuất sắc; hỗ trợ xây dựng gần 700 “Mái ấm Công đoàn”, với số tiền gần 3,7 tỉ đồng; thăm hỏi 350 trường hợp công nhân bị bệnh hiểm nghèo, với số tiền gần 3 tỉ đồng; đầu tư, hỗ trợ từ chương trình “Ánh sáng Công đoàn” đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở miền Trung, Tây Bắc và ở nước bạn Lào, Campuchia… với tổng kinh phí 5,3 tỉ đồng.

Với chủ trương hướng về cơ sở, hướng về người lao động, ông Hùng cho biết, “Tháng Công nhân” năm nay với chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” kéo dài 3 tháng gồm nhiều chương trình chăm lo thiết thực, tổ chức thực hiện sáng tạo, chủ động, hiệu quả như tổ chức thăm hỏi, tặng quà, vinh danh người lao động, chăm lo cho lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, tổ chức các hoạt động cho con em người lao động, thực hiện các công trình “Mái ấm Công đoàn”; “Ánh sáng Công đoàn”; “Góc văn hóa Công đoàn”; “Nhà văn hóa công nhân”...

Chính sách thu hút lao động

Với đặc thù các ngành như cao su, cà phê, điều, tiêu... cần nhiều lao động, tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hơn hai năm qua, nhiều lao động hồi hương, việc thu hút lực lượng lao động là điều được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng, để người lao động trở lại làm việc, quan trọng nhất vẫn là vấn đề việc làm, nhất là những việc làm ổn định, có thu nhập tốt, bởi nơi nào có chính sách việc làm tốt thì ở đó vẫn sẽ thu hút người lao động.

 

nông-dân-xã-lộc-bắc-huyện-bảo-lâm-tỉnh-lâm-đồng-thu-hoạch-cà-phê.jpg
Nông dân xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch cà phê.

 

“Theo tôi, cần tạo các điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Các doanh nghiệp khi có nhu cầu tìm người thì cần phải đăng tải một cách công khai, rộng rãi về chế độ tiền lương, phúc lợi, điều kiện lao động, phương tiện đưa đón lao động… để thu hút người người lao động”, bà Ngân nêu ý kiến.

Bà Ngân cũng cho rằng, doanh nghiệp về lâu dài cũng cần phải tính đến các giải pháp đảm bảo điều kiện ăn ở của người lao động và các phương án an toàn để sản xuất. Từ những thông tin tuyển dụng rõ ràng của doanh nghiệp, người lao động mới có cơ sở xác định được kế hoạch cụ thể của mình để quay trở lại sản xuất.

Cũng theo bà Ngân, các chính sách thu hút lao động của doanh nghiệp phải đầy đủ và lâu dài, bởi lẽ, nhờ có “quãng nghỉ” này, người lao động sẽ có thời gian đánh giá lại các công việc để lựa chọn. Họ sẽ lựa chọn làm việc tại các nhà máy ổn định trong sản xuất, có chính sách tốt. Không chỉ vậy, về lâu dài, doanh nghiệp cần chú trọng hơn trong việc bố trí ăn, ở cho người lao động (xây mới, cải thiện khu nhà trọ…) để đảm bảo an toàn và các hoạt động phúc lợi cho người lao động.

Như vậy, có thể khẳng định, phúc lợi doanh nghiệp góp phần thu hút và góp phần bảo đảm người lao động yên tâm làm việc, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là những yếu tố căn cốt làm nên giá trị, thương hiệu của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đầu tư cho phúc lợi là đầu tư cho tái sản xuất mở rộng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đầu tư cho giá trị cốt lõi và hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Đó là những khoản đầu tư để doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top