KTNT - Sau hàng chục năm không có mảnh đất “cắm dùi”, người dân vạn chài xóm 6, xã Đặng Sơn (Đô Lương - Nghệ An) được bố trí tái định cư. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, các hộ dân nơi đây vẫn loay hoay với câu chuyện mưu sinh...
Thuyền của người dân vạn chài neo đậu trên sông Lam.
Niềm vui chưa trọn
Cuối năm 2012, gần 70 hộ dân làng chài ven sông Lam, ở xóm 6, xã Đặng Sơn được bố trí lên bờ tái định cư. Có được mảnh đất “cắm dùi” là điều mà người dân nơi đây hằng mong ước. “Trước đây, chúng tôi quanh năm phải sống ở trên thuyền. Mỗi khi nhìn lên bờ, thấy những gia đình lên đèn quây quần đầm ấm bên nhau, lúc đó chỉ khát khao có một mảnh đất, để con cháu sau này không phải lênh đênh giữa mênh mông sông nước như ông bà, bố mẹ”, bà Đặng Thị Hòa (65 tuổi) tâm sự.
Thế nhưng, từ đó đến nay, nỗi lo về kế mưu sinh dường như vẫn đè nặng lên vai các gia đình xóm vạn chài cũ. Không ít người đã quay trở lại cuộc sống sông nước; xóm vạn chài cũ lại trở về với những chiếc nốc (thuyền nhỏ có mui) để mò tôm, bắt cá… kiếm sống qua ngày.
Trên chiếc thuyền đánh cá cũ, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1987), tỏ ra mệt mỏi: “Đi cả đêm đến sáng mà chỉ đánh được mấy con cá, bán giỏi lắm được vài chục nghìn, chỉ đủ cho sinh hoạt trong ngày. Còn tiền ăn học của các con chưa biết lấy đâu ra. Không công ăn việc làm, không có đất để sản xuất, tôi không biết làm thế nào cả, sống qua ngày như thế này thì khổ cho các con quá...”.
Gia đình anh Tuấn có 6 nhân khẩu, sống ở xóm vạn chài Đặng Sơn mấy chục năm qua. Năm 2012, cũng như các hộ khác, gia đình anh được chia đất để làm nhà, do không có điều kiện nên anh vay mượn được mấy chục triệu cất căn nhà ở tạm. Đất canh tác không có, lại nợ nần chồng chất nên anh đành quay lại nghề cũ.
Thiếu đủ thứ
Trong dự án tái định cư, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng để đào giếng nước. Thế nhưng khi đào giếng lại không đủ nước dùng, nhiều người phải đi mua. Chưa kể mỗi hộ được phân 150 - 160m2 đất, chỉ đủ xây dựng nhà cửa và các công trình phụ.
Nửa đời người lênh đênh khắp dòng Lam để mưu sinh, ông Lê Văn Phát thở dài: “Tôi được nhà nước cấp cho 150m2 đất. Cha con vay mượn tiền để cất căn nhà nho nhỏ để có chỗ chui vào chui ra. Khổ nỗi đất ít quá, đất sản xuất không có nên trồng trọt, chăn nuôi đều khó khăn cả. Không có việc làm ổn định nên các con tôi người Nam, kẻ Bắc làm công nhân. Còn tôi thì quay lại sông Lam thả lưới trang trải sinh hoạt cho gia đình”.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương, cho biết: “Người dân lên bờ tái định cư đã tương đối ổn định về đất ở. Việc thiếu đất sản xuất, huyện cũng hết sức trăn trở vì quỹ đất không còn”.
Cũng theo ông Phát, ngoài việc thiếu đất sản xuất, không có việc làm thì số đất được Nhà nước giao để làm nhà ở tái định cư cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây không ít khó khăn cho người dân nếu muốn thế chấp vay vốn làm ăn.
Rõ ràng việc giúp người dân lên bờ có cuộc sống ổn định là cần thiết, nhưng thứ cần hơn cả lại là kế sinh nhai. Mong rằng các cấp, ban ngành tỉnh Nghệ An sớm tìm ra phương án hợp lý khắc phục tình trạng này, giúp người dân xã Đặng Sơn ổn định cuộc sống.
Sỹ Thăng
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.