Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2019 | 14:19

Đảng đoàn Mặt trận tiếp tục đề xuất, kiến nghị về những vấn đề bất cập

Đó là nhấn mạnh của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười sáu (khóa VIII), diễn ra ngày 24/6, tại Hà Nội.

hn1.jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

 

Tâm huyết với công tác Mặt trận

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về những nhiệm vụ đặt ra đối với công tác Mặt trận trong thời gian tới, về công tác nhân sự và về vai trò của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Khẳng định Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024 gắn với ý nghĩa đặc biệt khi đồng hành cùng nhân dân cả nước kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, Đại hội phải là đợt sinh hoạt chính trị thực chất, có hiệu quả, tạo nên chuyển biến mới và phải học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Đảm cho rằng nhận thức này chưa thực sự sâu sắc, chưa đồng đều và thước đo trong nâng cao nhận thức, quan điểm về tư tưởng đại đoàn kết nhiều nơi chưa thể hiện bằng hành động, điều đó đã dẫn đến việc bố trí đội ngũ cán bộ Mặt trận chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. “Chủ tịch Mặt trận mà làm hai việc song song thì công việc quá nặng nề, phải đảm nhiệm cả vai trò tham mưu và vai trò đại diện cho quần chúng nhân dân thì liệu có hoàn thành nhiệm vụ?”, ông Huỳnh Đảm trăn trở.

Nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, đây là những người phải phát huy được sức mạnh của các cụ, các vị, các tổ chức thành viên, phải hoàn thành sứ mệnh của người làm Mặt trận trước Đảng, trước nhân dân, ông Huỳnh Đảm cho rằng, nếu quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ khi lấy dân làm gốc thì người làm Mặt trận phải hiểu sâu công tác Mặt trận, phải làm rõ vai trò giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt, Chủ tịch Mặt trận phải là những người có độ dày, có kinh nghiệm và có uy tín.

“Tổ chức bộ máy phải đồng bộ, thống nhất, không thể để mỗi nơi làm một kiểu, phải rõ ràng thì mới tạo nên sức mạnh của Mặt trận”, ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cũng bày tỏ băn khoăn khi ở cơ sở phong trào thi đua của Mặt trận còn hơi trầm, trong đó có nhiều nguyên nhân, một phần là ở tổ chức cán bộ. Hiện nay nhiều xã, phường đưa đồng chí Thường vụ còn trẻ về làm chủ tịch Mặt trận trong khi chưa có đủ kinh nghiệm thực tiễn. Chính vì vậy, ông Túc đề nghị, Trung ương cần quan tâm đến công tác cán bộ để chọn những người có kinh nghiệm, uy tín với dân để làm chủ tịch Mặt trận. Như ở những vùng có đông đồng bào công giáo phải chọn người có uy tín với giáo dân, ở đông dân tộc phải chọn người có uy tín trong dân tộc.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là việc tham gia giải quyết dứt điểm những khiếu nại tố cáo.

“Mặt trận cần tiếp tục phối hợp với Chính phủ để giải quyết tận gốc từ sở sở đối với những búc xúc, những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, thực hiện tốt việc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với người dân để kịp thời tháo gỡ những bức xúc của nhân dân”, ông Đỗ Duy Thường nhấn mạnh.

hn2.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

 

Nhận diện rõ thực tiễn, xu hướng, nhiệm vụ mới

Tiếp thu 12 ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là những ý kiến thẳng thắn, bám sát vào thực tiễn hoạt động công tác Mặt trận, từ đó tạo động lực cho Mặt trận các cấp vào cuộc mạnh mẽ hơn đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện quy định người đứng đầu, nhất là công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; phát huy vai trò trong giám sát, phản biện, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể để đội ngũ cán bộ Mặt trận trước hết là Chủ tịch Mặt trận các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trao đổi về những vấn đề liên quan đến Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp mà đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là Đại hội nhận được sự quan tâm của Ban Bí thư khi ban hành Chỉ thị với nội dung đầy đủ, sâu sắc, sát với thực tiễn và công văn của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp quan tâm, đảm bảo các điều kiện tổ chức đại hội.

Bên cạnh đó, ngay từ khi tiến hành đại hội cấp xã, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành hướng dẫn, kiểm tra, và đề nghị Đại hội phải làm rõ hơn nội dung, nhiệm vụ đổi mới; báo cáo trình đại hội phải ngắn gọn, phải kiểm điểm thẳng thắn kết quả, hạn chế trong tổ chức thực hiện nhiệm kỳ 2014-2019, giải pháp khắc phục những hạn chế của nhiệm kỳ trước; báo cáo chính trị phải nhận diện rõ thực tiễn, xu hướng, nhiệm vụ mới, cách thức giải quyết mới những vấn đề lớn của mỗi địa phương, đất nước trong giai đoạn mới; góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện phát triển hài hoà kinh tế, văn hoá, con người, môi trường.

“Nhân sự Uỷ viên Uỷ ban cấp tỉnh kỳ này có điểm mới: 3 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Phú Yên; 5 đồng chí Phó Bí thư là Phó Chủ tịch không chuyên trách tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nghệ An, Vĩnh Long, Hà Tĩnh. Hầu hết các đồng chí Phó Bí thư đều tham gia Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, 6 tháng cuối năm, Mặt trận cần tập trung bám sát Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và những góp ý, ý kiến của Ban Bí thư vào Tờ trình đại hội ngày 28/5/2019 vừa qua, thực hiện đúng quy định, quy trình, nghiêm túc và chu đáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, báo cáo tổng kết phải đánh giá sâu sắc tình hình các tầng lớp nhân dân; nêu rõ những kết quả đạt được, mô hình hay, hạn chế; rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Chương trình hành động xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở nhận diện những khó khăn, thách thức của đất nước.

“Nhân sự phải căn cứ tiêu chuẩn cán bộ và thực tiễn công tác Mặt trận, cơ cấu thành phần đảm bảo tính thiết thực, tiêu biểu, đại diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong giai đoạn mới. Đảng đoàn Mặt trận tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề bất cập trong công tác cán bộ”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Mặt trận các cấp tiếp tục đảm bảo thực hiện các nội dung khác theo kế hoạch đã đề ra; triển khai tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp giải quyết tốt hơn vụ việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết dứt điểm nhất là các vụ khiếu kiện kéo dài.

Bên cạnh đó cần thường xuyên, nắm chắc tình hình nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua để chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân và đổi mới việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Mặt trận các cấp cần tổ chức tốt các hoạt động “Tháng cao điểm vì người nghèo” năm 2019 và Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo Tết Nguyên đán 2020 cho gia đình chính sách, hộ nghèo; Tổng kết 10 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hành Việt Nam”.

Đặc biệt là thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm, giám sát, phản biện xã hội; tổ chức hiệu quả Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2 và công bố “Sách vàng sáng tạo năm 2019”.

Khẳng định 6 tháng cuối năm 2019, nhiệm vụ của Mặt trận các cấp nhiều hơn, quan trọng, cấp bách hơn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn các cụ, các vị, các đồng chí, các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục mang tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ và kinh nghiệm của mình để giúp cho công tác Mặt trận được thiết thực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới.

 

 

 

Hương Diệp
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top