Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 11 năm 2021 | 9:45

Dấu ấn HTX trong phát triển kinh tế và xây dựng NTM ở Đắk Nông

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân, Đắk Nông hiện đã có 29/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Xuyên suốt chặng đường xây dựng NTM, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã đã ghi dấu ấn trong phát triển kinh tế, tạo sự lan tỏa ở nông thôn, đáp ứng tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.

Tổ chức sản xuất được củng cố

HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) được thành lập năm 2012, có 58 hộ thành viên và liên kết với 100 hộ dân sản xuất - chế biến cà phê theo tiêu chuẩn của Fairtrade. Đến nay, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 300ha, sản lượng 600 tấn mỗi năm. Thời gian qua, ngoài sản xuất, kinh doanh, HTX còn tham gia công tác xã hội từ thiện, chung tay xây dựng NTM.

Ông Võ Quyết, Phó Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An, cho biết: Mỗi năm, HTX chi khoảng 250 triệu đồng từ quỹ phúc lợi để thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện cho các thành viên, người dân trên địa bàn. Tính từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã hỗ trợ làm đường giao thông vào trạm y tế tại xã Thuận An với số tiền 80 triệu đồng; hỗ trợ các bon trong xã Thuận An kéo điện với tổng số tiền trị giá 53 triệu đồng; hỗ trợ 160 triệu đồng phục vụ bếp ăn của một số trường học trên địa bàn...

Ngoài ra, những năm qua, HTX còn hỗ trợ 2 hộ dân xây dựng nhà ở với tổng trị giá 80 triệu đồng; trao quà Tết cho người nghèo; tặng thùng đựng rác và tủ thuốc gia đình cho người dân trên địa bàn xã Thuận An. Bên cạnh đó, khi bán sản phẩm, thành viên HTX được cộng thêm 7.000 đồng/kg so với giá cà phê trên thị trường, nên đời sống ngày càng ổn định hơn.

 

254989678_860463311270126_1931316661314584627_n.jpg
Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Dano Farm hy vọng sản phẩm của HTX sẽ có chỗ đứng trên thị trường.

 

Tương tự, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Dano Farm (Quảng Sơn - Đắk Glong) cũng luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo. HTX này đang triển khai sản xuất các sản phẩm từ tơ tằm cũng như mặt hàng cà phê bột. Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX cho biết, để phát triển bền vững, trước hết chúng tôi phải xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Cái khó ban đầu của HTX là, đa số thành viên và các hộ liên kết là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp đạt thấp. 

Để nâng cao trình độ cho bà con, hiện HTX thành lập được 4 tổ sản xuất cà phê sạch, 3 tổ trồng dâu nuôi tằm. Các thành viên ở các tổ này được HTX phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn cách làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, đến nay, các thành viên, hộ liên kết đã bước đầu biết áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ, qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trước đây, chị Chu Thị Thúy phải lặn lội xuống Bình Dương để làm công nhân cho các công ty may. Gần đây, được sự hỗ trợ của HTX Dano Farm, chị đã quyết định ở nhà để phát triển kinh tế với nghề trồng dâu nuôi tằm.

“Với sự hướng dẫn tận tình của Ban Giám đốc HTX, tôi đã từng bước làm quen được với nghề mới. Toàn bộ giống, kỹ thuật, đầu ra, thức ăn đều do HTX cung cấp, tôi chỉ việc bỏ công chăm sóc. Mỗi tháng nuôi 2 hộp kén, doanh thu đạt khoảng 20 triệu đồng, tôi được hưởng 40% doanh thu. Nguồn thu này ngang bằng với mức lương khi tôi làm công nhân may, công việc trồng dâu nuôi tằm nhìn chung nhàn hơn làm công nhân. Tôi cho rằng, nếu được HTX giúp sức, nhiều bà con ở đây có thể thoát nghèo nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm”, chị Thúy vui vẻ cho biết.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 221 HTX, trong đó có 197 HTX đang hoạt động, 24 HTX ngừng hoạt động. Các HTX hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất.

So với 10 năm trước, quy mô vốn, tài sản của HTX tăng cao. Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữa bình quân hơn 1 tỷ đồng/HTX, tăng 330 triệu đồng so với năm 2013. Tài sản bình quân của HTX ước đạt trên 2,4 tỷ đồng/đơn vị, tăng khoảng 240 triệu đồng so với năm 2013.

 

Khi bài toán về vùng nguyên liệu từng bước được giải quyết, HTX Dano Farm bắt đầu làm ra các sản phẩm như khăn tay, khăn quàng cổ, túi xách, ví cầm tay… được dệt từ tơ tằm để giới thiệu ra thị trường. Sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu Rock Way cũng từng bước được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng.

“Định hướng trong tương lai, HTX chúng tôi sẽ vừa xuất khẩu sản phẩm tơ tằm, cà phê bột vừa liên kết phát triển du lịch cộng đồng ngay tại địa phương. Khi đó thu nhập của các thành viên và hộ liên kết chắc chắn sẽ nâng cao và ổn định hơn”, bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Dano Farm cho biết thêm.

Ghi rõ dấu ấn kinh tế tập thể

Krông Nô là một trong số địa phương có nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác. Trong đó, huyện chú trọng khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh hỗ trợ về hạ tầng, đất đai cho các HTX trên địa bàn.

Nhờ được hỗ trợ, nhiều HTX ngày càng được củng cố, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả. Nhiều sản phẩm của các HTX đưa ra thị trường đã trở thành đặc trưng của địa phương như: lúa gạo Buôn Choáh, ca cao bột, socola… Một số sản phẩm của HTX như lúa gạo Krông Nô, cà phê bột… đã đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3-4 sao.

 

255039165_213565667582895_6138955341703373296_n.jpg
Hỗ trợ dây chuyền chế biến ca cao cho HTX Nông nghiệp Krông No.

 

Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, cho biết: Thời gian qua, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện để HTX phát triển sản xuất, kinh doanh. Số lượng HTX hoạt động hiệu quả, chất lượng ngày càng tăng. Đặc biệt, các HTX đã phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng NTM ở địa phương, giúp nông dân tổ chức sản xuất tốt hơn. Cụ thể, các HTX đã tích cực trong việc giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, các HTX ngày càng chú trọng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, sản xuất nông nghiệp ngày càng có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Lợi nhuận bình quân của HTX năm 2021 ước khoảng 98 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so với năm 2013. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong HTX năm 2021 ước đạt 6 triệu đồng/tháng, tăng 2 triệu đồng/tháng so với năm 2013. Đóng góp trực tiếp của khu vực HTX vào ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2013-2021 chiếm khoảng 0,02% GRDP của tỉnh.

Rõ ràng, sự phát triển của kinh tế tập thể trong thời gian qua đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của tỉnh Đắk Nông, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Các HTX không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Các HTX tích cực huy động thành viên tham gia phong trào chung sức xây dựng NTM bằng các việc làm thiết thực, như: Hiến đất, đóng góp ngày công tham gia làm đường giao thông, nhà văn hóa, công trình thủy lợi; phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc,...

 

Trần Luật
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top