Những kỳ vọng, toan tính sau khi thu hoạch ớt đã tan thành khói mây khi hàng chục hecta ớt đã chín lựng nhưng không biết bán cho ai. Người dân các xã miền núi trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) chỉ biết khóc ròng vì doanh nghiệp không thu mua như cam kết và chính quyền không có can thiệp gì.
Đầu voi…
Năm 2014, cũng như nhiều hộ dân khác, ông Nguyễn Văn Minh (ở xóm 5, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn) vui mừng và háo hức vì 3 sào ớt của gia đình thắng lợi lớn, cho thu nhập hơn 7 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Người dân Hoa Sơn chỉ biết "khóc" khi ớt chín rụng cả vườn.
“Thời điểm đó, nông dân xã Hoa Sơn chúng tôi bắt đầu thử nghiệm trồng ớt cao sản, ban đầu được một công ty nông sản ở Thanh Hóa thu mua đầy đủ. Đầu năm 2015, công ty mang giống về tận xóm ươm trồng rồi cung cấp cho bà con, nhận bao tiêu sản phẩm”, ông Minh kể lại.
Tuy nhiên, người dân thu hoạch rồi bán được 3 lần thì không thấy ai thu mua nữa, số tiền bán ớt cũng chưa được thanh toán hết. Theo hợp đồng, khi thu mua đợt 2 thì phía công ty sẽ trả tiền mua đợt thứ nhất, mua đợt 3 sẽ trả tiền đợt 2 nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền của đợt 3.
“Họ chỉ bảo là không có đầu ra nên cắt đứt liên lạc luôn, chúng tôi chờ mãi không thấy phía công ty hồi âm”, ông Minh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Mến, Xóm trưởng xóm 4 (xã Hoa Sơn) cho biết, toàn xóm có 12ha ớt cao sản. Phía công ty thu mua 1 lần với giá 5.500 đồng/kg rồi không quay trở lại nữa. Sau đó, Công ty CP Nông nghiệp La Giang thu mua 2 lần tiếp theo rồi cũng bỏ đi.
Ông Sen chấp nhận mất trắng nhổ cây ớt chuẩn bị cho vụ ngô.
Dân “khóc” vì ớt
Vội vàng nhổ bỏ ruộng ớt hơn 1 sào đã bị hỏng khá nhiều do không được thu hoạch, ông Minh cho biết, năm nay 3 sào ớt của ông đầu tư hết hơn 10 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi được vốn. “Chưa tính công chăm sóc, chỉ tính riêng tiền mua phân, mua giống chúng tôi cũng đã lỗ rồi”, ông Minh ngao ngán nói.
Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Sen đi thăm ruộng ớt. Đưa tay gỡ từng cây ớt nặng trĩu quả, ông ngậm ngùi: “Không có người mua nữa thì đành phải phá bỏ để trồng cây khác, chứ chờ công ty về thì biết khi mô”.
Ớt được người dân nhổ bỏ vứt khắp ruộng.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, cho biết, sau nhiều lần liên lạc với Công ty Nông sản Thanh Hoá nhưng không được, xã này đã quyết định mời Công ty CP Nông nghiệp La Giang về thu mua. Công ty này tiếp tục ký hợp đồng với người dân là sẽ thu mua 100 tấn ớt nhưng mới thu mua được 20 tấn thì không thu mua nữa.
Đây cũng là thực trạng chung của hàng trăm hộ dân trồng ớt tại các xã Tường Sơn, Bồi Sơn, Hội Sơn, Long Sơn, Minh Sơn trên địa bàn huyện Anh Sơn. Theo ông Nguyễn Đình Đăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, toàn huyện có 30ha ớt. Việc doanh nghiệp dừng thu mua ớt khiến người dân rơi vào cảnh lao đao, phải phá bỏ diện tích trồng ớt khi đang thu hoạch.
Đình Lam
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…