Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 3 năm 2022 | 22:18

ĐBSCL chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Theo nhận định của cơ quan chức năng, từ nay đến đầu tháng 4 nhiều vùng ở ĐBSCL xâm nhập mặn có thể lấn sâu từ 80-90km làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt. Trước thực trạng trên nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động ứng phó.

Mặn tiếp tục xâm nhập sâu

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2022, tại ĐBSCL, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở khu vực cửa sông chính, với ranh mặn 1g/l trên sông Tiền xâm nhập từ 52-54km, sông Hàm Luông 68-72km, các cửa sông khác 54-60km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu 80-90km. Ven biển Tây, có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động nên tình hình xâm nhập mặn được chủ động kiểm soát.

Tuy nhiên, trong thời gian trên, tại vùng giữa ĐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mặn có thể xâm nhập sâu đến 52-60km (tuỳ cửa sông), làm ảnh hưởng đến các cửa lấy nước vào những ngày triều cường lên cao, từ ngày 30/3 đến 2/4.

 

 Tại TP. Cần Thơ khô hạn, nước trên sông, rạch  xuống thấp, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

 

Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để có giải pháp ứng phó.

Cùng thời gian này (30/3 đến 2/4) tại sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây triều cường lên cao nên nồng độ mặn trên sông sẽ có xu hướng tăng mạnh, qua đó công tác vận hành các cống lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp giữa hai sông Vàm Cỏ cần chú ý để có biện pháp ngăn mặn kịp thời, tránh ảnh hưởng tới quá trình lấy nước sản xuất nông nghiệp…

Ðể đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn, chất lượng nước, ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp tình hình của địa phương.

Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án phòng, chống úng, ngập, đề phòng ngập úng cục bộ do mưa trái mùa. Tăng cường việc nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tổ chức vận hành tốt các công trình thủy lợi và bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

 

 Người dân ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre làm ao nhân tạo trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, trồng trọt trong mùa khô này.

 

Xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp. Tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức và hành động của người dân trong việc tích trữ, sử dụng nước tưới tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phối hợp với ngành chức năng để quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình thủy lợi.

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lưu ý, dù theo các báo cáo và dự báo nguồn nước từ thượng nguồn về ĐBSCL khá thuận lợi trong năm nay nhưng chúng ta không được chủ quan. Đặc biệt, tháng 3 là thời điểm hạn mặn xảy ra ở mức cao điểm nhất trong mùa khô năm nay. Các địa phương cần theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn theo các đợt triều cường tăng và nắm rõ ranh mặn để khuyến cáo người dân lấy nước.

Chủ động trong công tác vận hành các công trình thủy lợi để tích trữ nước đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong những thời điểm ảnh hưởng mặn. Chú ý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân phải đảm bảo an toàn, liên tục và có các phương án dự phòng từ trước. Sau hạn mặn sẽ bước vào mùa lũ, dù năm nay dự báo lũ nhỏ nhưng cần lưu ý có giải pháp chủ động phòng, tránh ngập úng tại các khu vực vùng trũng và ven biển do có khả năng ảnh hưởng bởi mưa lũ kết hợp triều cường.

Chủ động tích nước ngọt cung cấp cho mùa khô

Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tại TP. Cần Thơ, sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022, các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền lúa kém hiệu quả để thích ứng khô hạn, thiếu nước sản xuất. Ðối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và xử lý rơm rạ nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc hữu cơ…

 

 Huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tăng cường hoạt động bơm tát, trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô.

 

Trong khi đó, Sóc Trăng là địa bàn xung yếu, nơi tiếp giáp bờ biển Ðông dài 70 km. Qua các mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt 2015-2016 và 2019-2020, mặn tăng cao gây nhiều thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ đó địa phương đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi lịch thời vụ cây trồng. Ðặc biệt chú trọng các giải pháp thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ cây trồng mùa khô.

Trong năm qua Sóc Trăng triển khai nhiều công trình phòng chống hạn mặn như: vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt, vùng dự án Ba Rinh - Tà Liêm đã kịp thời hoàn chỉnh đưa vào vận hành đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Riêng trạm bơm nước ngọt cống Bà Xẩm đang thi công trong vòng một tháng tới hoàn thành sẽ đảm bảo thêm nguồn cung nước ngọt, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong mùa khô.

Hệ thống 10 cống do Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư đang thi công, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành sẽ bảo vệ khu vực vườn cây ăn trái 40.000ha tại huyện Kế Sách… Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đề xuất thêm dự án Âu thuyền Ðại Ngãi sẽ đảm bảo 80% nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Còn lại 20% thuộc một số khu vực như: An Thanh Nam thuộc huyện Cù Lao Dung và vùng ven biển Vĩnh Châu đang thực hiện chuyển đổi sang vùng nuôi thủy sản…

Tại Bến Tre tỉnh này đang ráo riết tổ chức các công việc cần thiết để cấp đủ nước ngọt cho người dân khi nguồn nước mặt tại các nhà máy xử lý nước của công ty đều nhiễm mặn trên 2 phần nghìn.

 

 Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (đứng giữa) kiểm tra các công trình ứng phó hạn mặn (ảnh: VOV).

 

Hiện tại, công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre có 05 Nhà máy xử lý nước mặt với tổng công suất 70.000m3/ngày, đêm. Các nhà máy xử lý nước có nhiệm vụ xử lý và cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho toàn bộ địa bàn TP. Bến Tre và một số xã, thị trấn thuộc huyện Giồng Trôm, Châu Thành, 2 khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp và một phần của huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam với gần 90.000 đấu nối đồng hồ nước.

Vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nước ngọt tăng từ 20-30% so với lúc bình thường; trong đó 2 khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp, huyện Châu Thành cần mỗi ngày hơn 12.000 mét khối nước sạch để phục vụ sản xuất. Do Bến Tre đã xây dựng nhiều cống đập kiên cố và đập tạm tại đầu các tuyến kênh, rạch đã ngăn mặn, trữ ngọt trước đây làm nguồn nước thô (nguyên liệu), nên đến thời điểm này cấp cho các nhà máy xử lý nước hoạt động ổn định, cơ bản đủ nước cung ứng cho khách hàng.

Riêng nguồn nước mặt phục vụ cho nhà máy xử lý nước tại xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm đã nhiễm mặn hoàn toàn nên công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre đã dùng 07 sà lan có trọng tải lớn đến khu vực thượng nguồn của sông Tiền tại huyện Chợ Lách để chở nước về cho nhà máy xử lý để cung cấp nước sạch cho người dân với giá ổn định. Công ty còn được đầu tư 16 tỷ đồng lắp đặt hệ thống xử lý nước mặn thành nước ngọt R.O với công suất 3.000 mét khối/ngày/đêm để dự phòng khi nguồn nước mặt hoàn toàn nhiễm mặn.

Ông Trần Hùng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Bến Tre chia sẻ, ba giải pháp cơ bản để ứng phó mặn trong năm nay vận dụng trên những công trình ngăn mặn, trữ ngọt hiện có. Tập trung canh theo con nước để bơm, canh bổ cập liên tục trên thượng nguồn, cái đập tạm xã Thành Triệu vẫn lấy nước vô bổ cập nước ngọt để bơm. Giải pháp tiếp theo là là đầu tư cụm máy RO xử lý nước. Giải pháp thứ ba là vận chuyển bằng sà lan. Nói chung năm nay sẽ đảm bảo không để xảy ra tình trạng nước mặn như năm 2019-2020.

 

 Hệ thống xử lý nước RO của công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre để đối phó khi nước mặn khắc nghiệt (ảnh: VOV).

 

Hiện nay, nguồn nước duy nhất để xử lý phục vụ sinh hoạt cho người dân ở tỉnh Bến Tre là nguồn nước mặt dự trữ dưới hệ thống sông, kênh rạch, ao hồ. Để trữ nước ngọt và ngăn mặn, Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Bến Tre đã thực hiện duy tu sửa chữa 25 hạng mục công trình cống đập, nâng cấp bờ bao, nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kênh rạch. UBND các huyện, thành phố đã chủ động triển khai các công trình đập tạm ngăn mặn, bờ bao cục bộ; tuyên truyền, vận động người dân nạo vét các  kênh mương, trữ nước ...

Tại khu vực ven biển của huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, các trạm cấp nước của nhà nước và tư nhân cũng đang hoạt động hết công suất, sử dụng tối đa nguồn nước mặt trên sông rạch, ao hồ để xử lý đạt chất lượng cung cấp cho người dân. Chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, vận động đến mọi người sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và tăng cường khâu trữ nước để phục vụ cao điểm mùa khô.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay, độ mặn so với năm rồi thì năm nay cao hơn, nhưng do sự chủ động của địa phương ngăn đập, ngăn sông, trữ nước... nên nước sinh hoạt và sản xuất của người dân vẫn đảm bảo, vùng ven biển thì ổn định. Thí dụ, nguyên khu vực cánh đồng huyện Ba Tri, Giồng Trôm và một phần huyện Thạnh Phú, Bình Đại hiện nay hệ thống thủy lợi chúng tôi khép kín hết, một cách rất chủ động nên nước vẫn ngọt. Người dân sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt rất bình thường.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top