Những ngày qua mưa lớn kết hợp với triều cường đã làm hàng chục nghìn ha lúa hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch và trà lúa thu đông vừa xuống giống bị ngập. Các địa phương đang tập trung tiêu thoát nước, nhanh chóng thu hoạch lúa tránh thất thoát.
Nông dân Hậu Giang tranh thủ thu hoạch lúa bị đổ ngã.
Hàng chục ha lúa bị ngập
Ngày 22/10, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh này còn khoảng 14.000ha lúa hè thu đã chín đang chờ thu hoạch. Riêng huyện Trần Văn Thời diện tích lên tới 13.260ha. Tại các vùng trũng của huyện nước bị ngập kéo dài, lúa bị đổ ngã nên máy gặt đập liên hợp không thể thu hoạch được.
Theo thống kê toàn tỉnh Cà Mau, mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ngập 20.980ha lúa, 3.800ha nuôi trồng thủy sản, gần 300ha hoa màu, nhiều tuyến đường bị ngập, hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Những ngày qua, lực lượng công an, quân đội, biên phòng tỉnh Cà Mau đã giúp dân thu hoạch được khoảng 2.870ha lúa hè thu đã chín, ngập chìm trong nước. Hiện các lực lượng này vẫn tiếp tục giúp dân thu hoạch.
Tại tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 20.000ha lúa bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau. Trong đó trà lúa thu đông xuống giống bị thiệt hại hơn 7.000ha cùng với đó, nhiều diện tích lúa hè thu muộn bị ngập, lúa bị lên mộng nhưng vẫn chưa thu hoạch được.
Chiều 20/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay thiên tai đã làm thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 7,1 tỷ đồng tăng hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, những ngày qua mưa lớn làm 9.700 ha lúa thu đông bị đổ ngã, ngập úng. Mưa lớn, làm triều cường các sông, kênh rạch dâng cao, gây ngập úng cục bộ hơn 304 ha cây ăn trái. Có hơn 26 ha mía bị đổ ngã, 1.062 ha mía bị ngập từ 5 - 30 cm, những diện tích mía này đang giai đoạn sắp thu hoạch. Theo ghi nhận có 333 ha rau màu bị ngập úng cục bộ, ước tỷ lệ thiệt hại từ 5 - 30%.
Trong khi đó, tại Sóc Trăng đã có khoảng 4.400ha lúa bị đổ ngã và ngập nước do ảnh hưởng của mưa bão và triều cường, trong đó có khoảng 1.000ha có nguy cơ bị thiệt hại năng suất từ 30-70%, 155ha bị thiệt hại trên 70%, còn lại ở mức dưới 30%.
Những ngày gần đây tại các tỉnh ĐBSCL trời đã có nắng nhưng tiến độ thu hoạch lúa bị ngập của nông dân vẫn còn chậm. Nguyên nhân, lúa ngập lâu ngày, đổ ngã, chìm trong nước nên máy gặt đập liên hợp không cắt được, trong khi đó nhân công thu hoạch lại thiếu.
Theo một số thương lái, tình trạng lúa bị ngập kéo dài ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nên giá giảm mạnh. Hiện lúa các loại thương lái mua giá giảm từ 1.000 đồng/kg - 1.500 đồng/kg.
Chủ động thoát nước cứu lúa
Trước đó, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã trực tiếp khảo sát và chỉ đạo vận hành các cống ngăn mặn dọc quốc lộ 1A, nhằm tiêu úng cho hàng chục ngàn hécta lúa hè thu của tỉnh này đang trong giai đoạn thu hoạch và trà lúa thu đông vừa xuống giống bị ngập.
Theo ông Trung, việc điều tiết nước phải thực hiện ngay, bởi hiện nay đã bớt mưa, đợt triều cường cũng qua đỉnh; vì vậy cần phải mở tối đa các cống thoát nước. Cụ thể, mỗi ngày nếu mở được từ 4 - 6 giờ, với hệ thống trên 20 cống thì sẽ tiêu được lượng nước đáng kể.
Tại tỉnh Cà Mau, do liên tục bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão số 5, số 6 và số 7, cũng xảy ra mưa lớn, kèm theo giông, lốc xoáy, kết hợp triều cường dâng cao, làm ngập 20.981ha lúa, 267ha rau màu, 3.806ha nuôi trồng thủy sản, sạt lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 4,585km, sập 18 căn nhà và tốc mái 56 căn nhà…
Các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang vận động người dân chủ động bơm tát nước bảo vệ sản xuất. Tại huyện Trần Văn Thời đang vận hành hết công suất 5 trạm bơm, 28 cống tiêu thoát nước, huy động 41 máy gặt đập liên hợp, 29 máy suốt, cùng lực lượng giúp dân thu hoạch lúa. Ở Kiên Giang, Sóc Trăng… cũng tập trung bơm tát, vận hành các cống thủy lợi nhằm tiêu thoát nước, cứu lúa bị ngập úng kéo dài.
Ðể hỗ trợ người dân giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp và chính quyền tại các địa phương ở ĐBSCL đang huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân lực giúp người dân thu hoạch lúa. Rà soát, gia cố bờ bao, đắp đập tạm để khoanh ô thủy lợi ở những nơi có khả năng khép kín, lúa và các loại cây trồng ít bị thiệt hại hoặc có thể thu hoạch, tích cực bơm nước ra bên ngoài, kết hợp vận hành hệ thống cống khi thủy triều xuống thấp để chống ngập úng, bảo vệ sản xuất…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…