Những ngày vừa qua, có gần 100.000 nghìn lao động từ TP. HCM và các tỉnh lân cận trở về các tỉnh ở ĐBSCL. Bên cạnh việc tạo điều kiện tiếp nhận người lao động, nhiều địa phương lo ngại vì các ca nhiễm mới từ người trở về có chiều hướng gia tăng.
Tạo điều kiện cho lao động trở về quê
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, những ngày qua tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ở QL 1, QL 50 đã có hơn 87.000 người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. HCM đi xe gắn máy về miền Tây. Riêng tỉnh Tiền Giang đã có gần 5.000 người về quê.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch, các lực lượng chức năng đã ứng trực, điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân khẩn trương làm thủ tục qua chốt. Đối với người dân về Tiền Giang, lực lượng chức năng đã đưa về nhà Văn hóa huyện Châu Thành, tiến hành test nhanh; Công an cấp huyện, thành, thị trong tỉnh đón rước về địa phương tiếp tục thực hiện các thủ tục cách ly theo quy định.
Đối với người dân về tỉnh khác, công an tỉnh Tiền Giang phân công cán bộ phân luồng, xe dẫn đường đi qua địa bàn tỉnh an toàn, thông suốt, không dừng đỗ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Tại Sóc Trăng, cao điểm có khoảng 3.000 người từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam về quê/ngày. Những người về Bạc Liêu đoàn được CSGT dẫn qua địa bàn, còn số lao động quê Sóc Trăng được hỗ trợ đồ ăn, chăm sóc y tế trước khi đến khu sàng lọc, xét nghiệm Covid-19. Cán bộ là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các ban, ngành của Sóc Trăng (26 cán bộ) đã chia ca trực để đón bà con tại Hồ Nước Ngọt (TP. Sóc Trăng).
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, nhiều người nói với tôi rằng cho mấy cây vàng cũng không vui bằng được về đến quê nhà. Bà con vượt hàng trăm cây số về quê trong mưa gió nên có người kiệt sức. Khó khăn đến đâu tỉnh cũng phải lo chu đáo cho bà con. Bà con về bao nhiêu người, tỉnh đều sẵn sàng nhận.
Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, có thể người dân tìm cách tách đoàn để về nhà vào ban đêm nhằm trốn tránh cách ly. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu chính quyền, đoàn để địa phương cùng các tổ giám sát cộng đồng tăng cường kiểm tra người về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tại huyện Trà Cú, có vài người về quê nhưng không khai báo y tế, được bà con đi ruộng phát hiện. Chúng tôi đã cho lực lượng địa phương đưa đi khai báo y tế và cách ly ngay.
Phát hiện nhiều trường hợp nhiễm Covid-19
Tại An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, có khoảng 42.000 người về tỉnh trong tuần qua. Ngành y tế đã phát hiện 250 trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Trong 250 người nghi ngờ qua test nhanh, xét nghiệm RT-PCR xác định 153 F0. Tỉnh đã có quy định trường hợp nào xét nghiệm âm tính sẽ được cách ly tại nhà. Số người cách ly tại nhà hiện nay khoảng 25.000 người và sẽ còn tăng. Trong đó, có 20-25% được tiêm vaccine 1-2 mũi.
Tại Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong hơn 21.000 người từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam về quê, ngành y tế phát hiện trên 160 F0. Những trường hợp âm tính với Covid-19 được cách ly tại nhà 28 ngày.
Trong hơn 160 F0 có vài trường hợp tái dương tính. Những người được cách ly tại nhà ở Cà Mau phải đảm bảo không sống cùng người thân. Vì vậy, có nhiều gia đình là họ hàng đã vận động nhau nhường nhà cho bà con về quê được cách ly tại gia. Người từ vùng dịch về Cà Mau phải cách ly tại nhà trong 4 tuần vì có nhiều F0 được phát hiện trong thời gian qua. Trong số những người hồi hương chỉ có khoảng 40% được tiêm 1-2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đã tiếp nhận trên 4.600 người về quê tự phát, chưa kể 697 người được đón từ TP.HCM về Bến Tre bằng ôtô. Trong khoảng 4.600 người về quê tự phát có 65 F0. Tỉnh đang cách ly tập trung bà con để xét nghiệm sàng lọc. Những trường hợp đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và trẻ em, người già sẽ được cách ly tại nhà.
UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản gửi Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về việc hỗ trợ năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Theo lãnh đạo tỉnh này, khoảng 40.000 người lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã về địa phương. Hiện nay, đa số người dân Sóc Trăng chưa được tiêm vaccine hoặc chỉ được tiêm mũi 1 nên số người nhiễm Covid-19 khá cao, gây quá tải cho các cơ sở cách ly, điều trị. Sóc Trăng đề nghị Trung ương hỗ trợ 10 bác sĩ, 100 điều dưỡng, 500.000 kit test, 100.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR máy ABBOTT, 100.000 liều vaccine Moderna và 900.000 liều các loại khác... |
Nhiều trường hợp được cách ly tại nhà
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, người dân đi xe máy về quê đã giảm so với những ngày trước. Tỉnh đã lập các tổ lấy mẫu xét nghiệm người trở về từ vùng dịch bằng phương pháp test nhanh. Những người cách ly tại nhà được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm trước. Những người tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 được cách ly tại nhà trong 7 ngày. Nhóm được tiêm 1 mũi đủ 14 ngày và F0 khỏi bệnh được cách ly tại nhà 2 tuần. Trường hợp còn lại sẽ cách ly tập trung.
Qua sàng lọc, chỉ có trên 20% người về quê được tiêm vaccine mũi 1. Bà con đủ điều kiện cách ly tại nhà chiếm trên 30%. Đối với F1, nếu cách ly tại nhà phải đủ điều kiện chống lây nhiễm chéo với các thành viên trong gia đình và nhà đó không có người già, phụ nữ mang thai, ông Lâu cho biết.
Tại Đồng Tháp, trong hơn 26.500 người hồi hương cũng có 40% tiêm 1 mũi vaccine, trường hợp này phải cách ly tập trung 7 ngày. Những người được tiêm vaccine 2 mũi và F0 khỏi bệnh được về nhà theo dõi sức khỏe trong 3 ngày. Còn người chưa tiêm vaccine phải cách ly 2 tuần.
Ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh cho biết, hơn 14.000 công dân tỉnh này về quê những ngày qua, trong đó 20% được tiêm 1 mũi vaccine. Qua sàng lọc những người hồi hương, ngành y tế Trà Vinh phát hiện trên 80 F0. Nhiều trường hợp tái dương tính và nhiễm Covid-19 khi đã tiêm 2 mũi vaccine.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong khoảng 20.000 người về quê, ngành y tế sàng lọc được 122 F0. Trong đó, 8 trường hợp tái dương tính Covid-19. Vì vậy, tỉnh rất thận trọng khi quyết định những trường hợp cho cách ly tại nhà.
Việc người lao động trở về quê là chính đáng. Tuy nhiên, trong quá trình về và khi về đến địa phương phải thực hiện nghiêm sự hướng dẫn của lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch covid-19. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần kịp thời phân loại theo dõi, kiểm soát chặt người sau khi về địa phương tránh tình trạng xuất hiện ca nhiễm Covid-19, dẫn tới lây chéo, từ đó khó kiểm soát khi dịch lây lan ra diện rộng.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.