Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 14:41

Để cà phê đặc sản khẳng định thế đứng: Cần gỡ nhiều nút thắt

Hiện, sản xuất cà phê đặc sản ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong khâu giống, chất lượng, quy trình chế biến, tiêu thụ, nên giá trị mang lại chưa cao. Để cà phê đặc sản khẳng định được thế đứng của mình, rất cần sự gỡ khó của các cơ quan chức năng.

Không chạy theo số lượng

Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đề án triển khai tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị với tổng diện tích gần 19.000 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, sẽ hình thành cơ chế chính sách, thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam. Ban hành các quy trình sản xuất cà phê đặc sản Việt Nam; diện tích 11.500 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn. Giai đoạn 2026 - 2030, hoàn thiện cơ chế chính sách, thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam; diện tích 19.000ha, sản lượng khoảng 11.000 tấn.

Đứng trước thực tế và nhu cầu phát triển cà phê đặc sản, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch phát triển cà phê Robusta đặc sản tại một số địa phương như: TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Năng…, với tổng diện tích hơn 1.000 ha vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt khoảng 2.120 ha, sản lượng dự kiến khoảng 1.500 tấn. Tại Gia Lai, hiện diện tích cà phê đặc sản của tỉnh đạt trên 200ha. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có trên 1.000ha cà phê Robusta đặc sản với sản lượng khoảng 620 tấn. Năm 2030, diện tích đạt khoảng 2.300ha, sản lượng ước 1.700 tấn.

 

2s.jpg
Cà phê đặc sản được chế biến theo phương pháp Honey.

 

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết, phát triển cà phê đặc sản ở Việt Nam còn quá mới, chưa tới 10 năm. Nguồn chủ yếu nhập từ nước ngoài. Hiện, chúng ta sản xuất được một phần, rồi khẳng định nó là đặc sản thông qua những cuộc thi. Vừa rồi, cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022 đã chọn ra top 10 chất lượng về Robusta và top 10 chất lượng Arabica.

Bản chất của cà phê đặc sản là quý hiếm, không chạy theo số lượng, nên khi nói về tiềm năng đừng quá chú trọng về diện tích, sản lượng. Diện tích cà phê đặc sản cả nước hiện khoảng 2.000ha, sản lượng khoảng 500 tấn. Theo Đề án phát triển cà phê đặc sản, đến năm 2030, sản lượng  cà phê đặc sản đạt khoảng 11.000 tấn. Tuy nhiên, giá trị không chỉ dừng ở 11.000 tấn, chúng ta thấy rằng, giá trị sẽ được nhân lên nhiều lần khi đến được với người tiêu dùng, đó chính là giá trị gia tăng.

“Với nhiều cà phê đặc sản chất lượng cao, giá trị có thể tăng lên chục lần. Ví dụ, 1kg cà phê nhân bình thường bán 40.000 đồng, nếu cà phê nhân đặc sản có chất lượng cao, rang xay có thể bán  800.000 - 1.000.000 đồng/kg. Kèm theo đó là tạo công ăn việc làm cho các nhà rang xay, cửa hàng, tạo cơ hội khởi nghiệp”, ông Minh cho biết thêm.

Là công ty xuất khẩu thành công gần 20 tấn cà phê đặc sản đầu tiên sang Anh, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk, cho hay: Loại cà phê đặc sản này được xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế, có giá trị hơn các chủng loại thông thường trên 5 USD/kg. Đối tác ở Anh sau một thời gian nắm bắt, tìm hiểu sản phẩm này đã chấp nhận đặt hàng với số lượng lớn. Hiện, chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì giữa việc ổn định sản xuất gắn với xuất khẩu hàng đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký kết với đối tác.

 

3s.jpg
Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân (người thứ 3 bên trái) giới thiệu sản phẩm cà phê đặc sản tại sự kiện “Cupping và Talkshow cà phê đặc sản Việt Nam”.

 

Nhiều rào cản

Để có được cà phê đặc sản đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, đòi hỏi quy trình khắt khe từ khâu trồng đến chế biến, bảo quản. Cà phê được chế biến rất kỳ công, hái chín chọn lọc bằng tay 100%, được kiểm soát lên men nguyên trái theo phương pháp chế biến tự nhiên hoặc thóc với mật ong và trải qua giai đoạn phơi chậm. Toàn bộ quá trình này giúp hình thành những hương vị mới cho cà phê…

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết, việc phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tỉnh có hơn 50% diện tích cà phê già cỗi (đã trồng 15 năm) cần nguồn lực lớn để tái canh, trong khi phần lớn người trồng cà phê là người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn và nhận thức cũng như kinh nghiệm còn hạn chế. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tái canh cà phê trên địa bàn còn ít, nhất là công tác giống, công nghệ cao...

Mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất cà phê chưa ổn định và bền vững, mang tính thời vụ, chủ yếu một chiều, mức độ tương tác ít. Việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê chưa tuân thủ quy trình. Doanh nghiệp chưa áp dụng tiêu chuẩn, quy trình quản lý chất lượng, ít doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, đa số qua trung gian nên cà phê chưa có danh tiếng trên thị trường.

Cùng về vấn đề này, ông Trịnh Đức Minh cho biết: “Cà phê là cây dài ngày, khi làm đặc sản, giống phải đúng, trước hết giống đó phải khẳng định có tiềm năng phát triển cà phê đặc sản. Chúng ta đã có một bộ giống năng suất rất cao, kháng bệnh rất tốt, nhưng giống đó có làm cà phê đặc sản được hay không thì câu trả lời chưa dứt khoát. Vấn đề bản quyền giống cũng cần được lưu tâm.

Chúng ta đang có lỗ hổng rất lớn về chế biến sau thu hoạch. Cà phê đặc sản có những hương vị rất đặc biệt, nó tạo ra từ vùng trồng, đặc biệt là phương pháp chế biến. Chúng ta đi vào điểm yếu nhất, làm đúng phương pháp chế biến cà phê đặc sản, lập tức có sản phẩm cà phê đặc sản đưa ra thị trường.

Lâu nay, chúng ta phải nhờ các chuyên gia nước ngoài. Nước ta chưa có  bộ hướng dẫn chuẩn do các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước biên soạn. Bây giờ tìm người để tập huấn cho bà con nông dân về chế biến cà phê đặc sản trong nước quá hiếm luôn. Tìm đơn vị có thể triển khai lớp tập huấn rất khó, không có nhiều.

 

Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc HTX Ea Tân (xã Ea Tân, huyện Krông Năng,  tỉnh Đắk Lắk), cho biết: Khi trồng cà phê đặc sản, sẽ ưu tiên bón phân hữu cơ, không dùng phân hoá học, không phun thuốc trừ sâu, dùng các thảm thực vật, cây che bóng để giữ ẩm, giữ nước. Người trồng phải đảm bảo quy trình khắt khe của HTX, công ty đưa ra, từ chăm sóc đến thu hái, chế biến.

 

Khi tham gia tập huấn, bà con nông dân phải đóng tiền mới được đi học. Ví dụ, lớp đầu tiên (cách đây 3 năm - PV), chúng ta mời chuyên gia nước ngoài dạy một tuần, họ lấy 30 triệu đồng/người. Tôi nghe  thấy choáng”.

Cùng với đó là khó khăn về thương mại. Hiện, buôn bán cà phê đặc sản không dựa vào giá cả ở sàn giao dịch London (Anh) hay New York (Mỹ), mà trên thế giới dựa vào giá tham chiếu ở các cuộc đấu giá. Ở Việt Nam, chưa có sàn dấu giá cho cà phê đặc sản. Phải tổ chức cho được sàn đấu giá, muốn đấu giá phải có công ty chuyên nghiệp từ A-Z. Chính đấu giá mới đẩy giá trị cà phê đặc sản lên.

Bình thường anh bán có 1 đồng nhưng có thể qua đấu giá, nhà rang tìm đúng chất lượng họ mong muốn, có thể trả 3-4 đồng. Đó là tham chiếu để thị trường cà phê đặc sản có chuẩn mực về giá. Cái này tốn công, tốn của, đòi hỏi chuyên môn nhiều, chúng ta chưa làm được. Việc sản xuất ở mình nhỏ lẻ, hợp tác với nông dân lỏng lẻo vẫn là điểm yếu cố hữu, phải có giải pháp đưa bà con vào tổ, hội, vào HTX hoặc vào các công ty ở nông thôn. Chúng ta phải làm tốt khâu tổ chức sản xuất.

Gỡ nút thắt

Để tháo gỡ khó khăn, ông Trịnh Đức Minh cho biết, Nhà nước cần đầu tư vào khâu giống, tư nhân làm không hiệu quả, vì nó dài hơi; đầu tư biên soạn, phổ biến, hướng dẫn quy trình canh tác, chế biến, đặc biệt là chế biến cà phê đặc sản thành một cái chung cho cả nước.

Nhà nước cũng cần hỗ trợ hành lang pháp lý để tạo ra sàn giao dịch cà phê đặc sản. Hỗ trợ cho một số đơn vị và tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để doanh nghiệp tự đứng lên làm câu chuyện tổ chức đấu giá. Hỗ trợ việc xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Việc này tốn quá nhiều tiền. Lâu nay, Nhà nước  ít đầu tư cho xúc tiến thương mại, chỉ có một số công ty lớn  chủ động đi xúc tiến thương mại, chứ bà con nông dân hoặc một số người mới khởi nghiệp làm sao xúc tiến thương mại nổi.

“Với người sản xuất, tôi coi trọng tinh thần đổi mới, sáng tạo, có sự nghiêm túc, khát vọng chứ không làm theo lối mòn. Bà con nông dân chịu khó tiếp thu cái mới qua các lớp tập huấn. Thậm chí chấp nhận bỏ tiền mua kiến thức. Phải hình thành cho bà con thói quen mua kiến thức. Phải có tư duy mua kiến thức, những người làm cà phê đặc sản đời đầu, có người dám bỏ 30 triệu đồng/tuần để học về chế biến”, ông Minh cho biết.

Doanh nghiệp là hạt nhân, đóng vai trò cốt lõi trong câu chuyện phát triển cà phê thông thường cũng như cà phê đặc sản. Ở trong nước, doanh nghiệp là các nhà rang, họ có những kết nối hợp đồng lâu dài với người nông dân, trang trại làm cà phê đặc sản, để thu mua với giá ổn định, đảm bảo đầu ra. Doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, lâu nay họ có những bạn hàng ở nước ngoài, họ hỗ trợ đưa các mặt hàng của người nông dân sản xuất ra tiếp thị với thế giới.

 

Sự khác nhau giữa cà phê đặc sản và thương mại

Cà phê đặc sản không chạy theo số lượng mà chạy theo chất lượng. Mỗi loại cà phê đặc sản phải đạt các điều kiện sàng lọc của SCA (Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới) về chất lượng trong từng công đoạn, từ khâu trồng trọt, sơ chế, rang, bảo quản cho đến pha chế. Trong khi cà phê thương mại gần như không có một tiêu chuẩn bất kỳ hay cụ thể gì về chất lượng.

Để được công nhận là cà phê đặc sản, sản phẩm đó phải đạt được ít nhất 80/100 điểm theo đánh giá của SCA, xét trên 10 tiêu chí về chất lượng và hương vị.

Các giống Arabica cao cấp thường được chọn làm cà phê đặc sản, bởi đặc tính nổi trội hơn về hương vị và hàm lượng caffeine của nó ít hơn so với cà phê vối (Robusta). Tuy nhiên, giống này đòi hỏi điều kiện trồng trọt, tốn kém nhân công hơn do phải đạt chuẩn yêu cầu về chất lượng hạt xanh. Sản lượng không cao, thay đổi theo mùa vụ.

Hương vị khác nhau giữa hai loại cà phê không đến từ giống và khu vực trồng mà là phương pháp chế biến rang xay. Cà phê thương mại thường được rang đậm, đen tối màu. Cà phê đặc sản có nhiều hương vị khác nhau do cách rang khác nhau, từ đậm đến nhạt, theo đó vị chua sẽ giảm dần theo độ đậm màu của hạt và độ đắng sẽ tăng lên kèm theo hậu ngọt sau khi uống.

Giá cà phê đặc sản đã rang có giá 35 – 65 USD/kg (tương đương 800.000 – 1.500.000 đồng/kg). Đặc biệt, qua các buổi đấu giá, giá có thể được nâng lên rất nhiều. Trong khi, cà phê thương mại có thể mua với nhiều mức giá khác nhau, nhưng thấp hơn nhiều so với cà phê đặc sản.

 

Trong Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cà phê đặc sản Việt Nam. Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống; xây dựng quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm cà phê đặc sản; chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan nghiên cứu cà phê...

Nghiên cứu chọn tạo giống và xây dựng quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản và chế biến cà phê đặc sản. Ứng dụng vào sản xuất quy trình canh tác, thu hái (đạt độ chín 100%), sơ chế, bảo quản đảm bảo chất lượng cà phê đặc sản Việt Nam. Đẩy mạnh cơ khí hoá, tự động hoá trong chế biến; chế biến sâu sản phẩm, tăng thị phần cà phê rang xay (chủ yếu tiêu dùng nội địa) và cà phê hòa tan công nghệ hiện đại (sấy lạnh).

Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người trồng cà phê đặc sản. Đào tạo, tập huấn về sơ chế, bảo quản, chế biến sâu, pha chế cho người sản xuất, doanh nghiệp, HTX cà phê đặc sản. Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về chọn tạo giống, xây dựng quy trình thâm canh, bảo quản, chế biến cà phê đặc sản. Đào tạo đội ngũ thử nếm cà phê đạt tiêu chuẩn thế giới.

Tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản phục vụ thị trường trong nước và thế giới. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản thông qua chương trình xúc tiến thương mại. Tổ chức các cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam hàng năm với quy mô toàn quốc, từng bước mở rộng ra khu vực và thế giới, tạo sân chơi cho chuỗi giá trị cà phê đặc sản.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top