Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 11 năm 2017 | 2:40

Để kéo dài vụ nhãn: Cần nắm chắc thời tiết và áp dụng đúng kỹ thuật

Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam vừa phối hợp với Hội Làm vườn và Nuôi ong Hưng Yên tổ chức Hội nghị tham quan đầu bờ mô hình nhãn ra quả trái vụ tại Hưng Yên. Theo đó, Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn và nhà vườn trong việc áp dụng kiến thức, kỹ thuật vào cây nhãn để ra hoa kết trái nghịch vụ.

Lãnh đạo Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam thăm vườn nhãn của gia đình ông Cảnh.

Ong Nguyễn Văn Cảnh ở khu phố Kim Đằng, phường Lam Sơn (TP. Hưng Yên - Hưng Yên) là chủ nhân vườn nhãn trái vụ có tiếng, bởi thế ông có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý nhãn ra quả trái vụ. Theo ông Cảnh, năm nay thời tiết biến đổi có sự khác thường so với những năm trước đây, nếu người làm vườn không nắm bắt được đặc điểm sinh trưởng của cây nhãn, không có kiến thức, không đi sâu nghiên cứu sẽ không thành công. Ngoài các kỹ thuật phổ biến như khắc cành, chặt rễ để xử lý ra hoa, phun thuốc kích thích… thì nông dân cần phải nắm chắc quy luật bất thường của thiên nhiên và thời tiết.

Thông thường, trước Tết Nguyên đán, khoảng tháng 11 âm lịch, nếu thời tiết ấm áp, sau đó sau Tết xuất hiện những đợt không khí lạnh thì coi như năm đó người nông dân trồng nhãn sẽ được mùa. Nếu trước Tết trời lạnh, cây không đủ điều kiện để phát lộc, sau Tết thời tiết nắng ấm thì coi như năm đó trồng nhãn cầm chắc thất thu, vì vậy, nhất thiết phải có kiến thức về thời tiết, biết cách theo dõi diễn biến thời tiết, áp dụng kỹ thuật đúng lúc để cho nhãn phát dục nở hoa và cho quả thì hiệu quả kinh tế mới cao.

Ông Lương Văn Khoa, chủ vườn nhãn ở Yên Mỹ (Hưng Yên), người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về sự phát triển của nhãn và rất thành công khi áp dụng kỹ thuật trong việc kích thích cho nhãn ra quả trong những năm thời tiết không thuận lợi, cho rằng, giống nhãn và các yếu tố thời tiết là những yếu tố quan trọng nhất để nhãn ra hoa và kết quả.

Các kỹ thuật như khắc cành, chặn rễ và phun thuốc  chỉ áp dụng khi thời tiết có sự thay đổi, đòi hỏi người trồng nhãn phải biết đặc điểm phát triển của cây, nắm bắt được thời tiết thay đổi để khắc cành, chặn rễ và phun thuốc đúng thời điểm. Có thể khắc cành nhiều lần hoặc 1-2 lần trong thời kỳ phát dục của cây, thậm chí nhiều hơn nếu thời tiết không ổn định.

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Chải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên, cho hay: Nhãn và vải của miền Bắc là một trong những loại cây thể hiện rất rõ yêu cầu về nền nhiệt độ trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, từ tháng 2 - 3 cho đến tháng 10 dương lịch, thời tiết càng ấm càng tốt, nhưng nếu từ tháng 11 cho đến tháng 1 năm sau mà không rét là có vấn đề cho sự ra hoa và kết trái của cây nhãn, bởi mùa đông chính là điều kiện thuận lợi để cây chuyển hóa mầm hoa.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm trước vườn nhãn của gia đình ông Cảnh.

Cũng theo bà Chải, Hưng Yên hiện có hơn 400ha nhãn, kỹ thuật xử lý ra hoa trên cây nhãn đã được nông dân thử nghiệm và ứng dụng từ những năm 2000. Tất cả các giống nhãn hiện có, tùy theo tuổi cây, nhiệt độ, sinh trưởng đều được người dân theo dõi sát sao, xử lý và áp dụng một cách linh hoạt bằng các kỹ thuật như siết nước, khoanh cành, tưới Kaliclorat (KClO3), thậm chí phun. Bà Chải cũng đề nghị là phải gọi cho đúng tên nhãn đang được thu hoạch tại thời điểm này. Việc cây nhãn ra hoa và có quả đến thời điểm này không nên gọi là nhãn trái vụ mà đây là nhãn rải vụ, tức là kéo dài vụ thu hoạch nhãn. “Nhãn trái vụ không thể có được bởi vì một đặc điểm của nhãn miền Bắc là khi biên độ nhiệt độ ngày và đêm có sự chênh lệch cao từ tháng 8 âm lịch trở đi heo may gió bấc, cây nhãn sẽ chuyển sang tích trữ đường, không phát triển được quả. Vì vậy, khi nhìn thấy các cây nhãn thời điểm này có quả đừng nghĩ quả sẽ lớn và cho ra trái vụ, mà nó chỉ có rụng quả đi mà thôi. Vì vậy, nhãn không thể ra được quả muộn. Chúng ta chỉ có thể kéo dài vụ thu hoạch nhãn mà thôi, nhưng cũng đừng quá ham kéo dài để không bị ảnh hưởng đến vụ thu hoạch năm sau” - bà Chải nhấn mạnh - “Hiện, Sở đang chờ các cấp có thẩm quyển cho phép, sẽ cung cấp và cho phát hành cuốn sách về quy trình chăm sóc cây ăn quả và cây nhãn để làm cẩm nang cho bà con trong việc trồng trọt, chăm sóc cho cây nhãn”.

Theo bà Chải, Hưng Yên khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây có thu nhập thấp sang cây có thu nhập cao. Riêng cây nhãn, hàng năm Sở chọn những cây giống tốt nhất, để nông dân lựa chọn chuyển đổi. Năm nay, không chỉ có vườn của ông Cảnh có nhãn bán mà nhiều gia đình nhãn vẫn có hoa và quả, điều này cũng phải thừa nhận nông dân rất giỏi vì đã chủ động cho nhãn ra hoa và quả trong thời điểm này. Tuy nhiên, vẫn cần phải nắm bắt thật chắc về sự biến đổi thời tiết hàng năm. Tỉnh đã có chủ trương xây dựng một khu bảo tồn và lưu giữ nguồn gen, giống quý của những cây ăn quả có chất lượng cao.

Phát biểu tại Hội nghị, GS. TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhấn mạnh: Nhãn lồng Hưng Yên là  sản vật quý hiếm có từ lâu đời và có tiếng trên thị trường nhiều năm qua, được người tiêu dùng lựa chọn. Phát triển và bảo tồn giống nhãn quý có giá trị kinh tế cao luôn được chính quyền và các cơ quan chuyên môn quan tâm, không những nâng cao giá trị mà còn là một hướng phát triển kinh tế cho nông dân ở đây. Muốn phát triển loại cây có giá trị kinh tế cao như nhãn, rất cần sự hướng dẫn kỹ thuật và nâng tầm kinh nghiệm của nông dân lên thành tiến bộ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, giúp nhà vườn có kiến thức kỹ thuật để áp dụng vào nâng cao chất lượng quả nhãn, nâng cao giá trị kinh tế, giúp nhà vườn làm giàu.

Phạm Ngọc Thủy

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top