Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 9 năm 2020 | 14:0

Để nuôi cá mè hôi trong ao đất đạt hiệu quả

Cá mè hoa là loài cá lớn nhanh, nhiều trứng, kỹ thuật nuôi đơn giản, cho lợi nhuận cao. Để đa dạng đối tượng nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang vừa thực hiện trình diễn nuôi nuôi cá mè hôi trong ao đất.

t41.jpg
Tham quan thực tế ao nuôi của hộ ông Tùng.

 

Điểm trình diễn nuôi cá mè hôi trong ao đất được thực hiện tại hộ gia đình ông Ngô Bá Tùng (ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Với ao nuôi 300m2, số lượng cá mè hôi giống được thả là 600 con, bình quân trọng lượng 40 con/kg. Đến nay, sau 5 tháng nuôi, trọng lượng cá tăng đáng kể, cá lớn nhanh, đạt trung bình 9-10 con/kg.

Ông Tùng cho biết: Từ khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển con giống nuôi đến nay, cá sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ hao hụt một số con do bị sây sát khi vận chuyển. Nuôi cá mè hôi khá đơn giản, cho  ăn 2 lần/ngày. Ban ngày, cá thường ăn mồi chìm, bỏ vào sàn đựng thức ăn rồi hạ xuống dưới mặt nước, cá tự động tìm đến ăn. Về đêm, cá ngoi lên ăn mồi nổi. Để nguồn nước sạch không ô nhiễm, tôi thường thay nước mỗi tuần 2-3 lần; bổ sung vitamin C và men tiêu hóa để tăng đề kháng cho cá.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, thời gian qua, Trung tâm thực hiện nhiều mô hình nuôi cá đặc sản như: Cá ét, trạch lấu, lươn, mè hôi… Trong quá trình nuôi cá mè hôi, cần chú ý lựa chọn con giống khỏe mạnh, màu sắc sáng đẹp, không bị trầy da, mật độ nuôi phải thông thoáng. Ngoài ra, khi cho cá ăn, chú trọng đúng liều lượng, khẩu phần ăn thích hợp cho từng giai đoạn. Tránh thức ăn dư thừa dễ phát sinh bệnh và gây ô nhiễm môi trường nước.

Trước khi nuôi cần chú ý làm sạch đáy ao, bờ ao và diệt tạp thật kỹ do lâu ngày tích tụ chất thải của cá cũng như nhiều vi khuẩn gây hại và mầm bệnh khác, bơm cạn nước, nạo vét bớt bùn, bắt cá, lấp hang hốc và tạt khử trùng bằng chlorine. Bón vôi cho ao nuôi nhằm tăng tính hiệu quả khử trùng, đồng thời tạo cân bằng độ pH cũng như giúp các chất hữu cơ được phân hủy trong điều kiện tốt nhất.

Hiện nay, nuôi cá mè hôi được phát triển ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với hình thức nuôi trong bè hoặc nuôi ao. Đã có quy trình sinh sản nhân tạo thành công loài cá này nên việc phát triển nuôi thương phẩm không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn giống ngoài tự nhiên.

 

Cá mè hôi (Osteochilus melanopleurus) là loài cá thuộc chi cá mè phương nam trong họ cá chép. (vùng ĐBSCL gọi là cá mè hôi)

Cà mè hoa thịt béo ngon, có nhiều chất dinh dưỡng. Theo y học cổ truyền, cá mè hoa tính ôn vị ngọt, có tác dụng bổ tì vị, khoẻ gân cốt, ích thận khí, thích hợp đối với những người phong hàn đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, nhiều đờm, thận suy, gân cốt yếu, lưng khớp đau, tì vị suy hàn, tiêu hoá kém, tứ chi phù.

Trong dân gian thường dùng đầu cá mè hoa để bổ hư, trị chứng tai ù, mắt hoa, phong hàn, đầu đau, cá mè hoa còn có tác dụng hạ huyết áp.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, cá mè hoa có thể làm sạch ao hồ, góp phần chống ô nhiễm môi trường nước vì cá mè hoa ăn sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ, vi khuẩn là nguồn gốc gây ra mùi hôi thối tại các ao, hồ ở nông thôn.

 

 

 

Trang Nghiêm
Ý kiến bạn đọc
Top