Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 12 năm 2021 | 14:38

Để OCOP trở thành thương hiệu mạnh

Với những bước chuyển từ công nghệ số, các chủ thể sản xuất đã đầu tư kỹ thuật, công nghệ để tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng, bước đầu đã “Gắn sao trong lòng người tiêu dùng”, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

1.JPG
Các đại biểu dự hội thảo tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh.

 

Hà Nội: Nông dân có vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 255 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh. Năm 2021, thành phố có 27/30 quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 581 sản phẩm OCOP. Hiện, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thành phố đã đánh giá, phân hạng được 483 sản phẩm, đề xuất thành phố công nhận, cấp sao.

Với 1.054 sản phẩm OCOP, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước (cả nước có 5.105 sản phẩm). Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP của Hà Nội vẫn còn một số khó khăn. Sản xuất của chủ thể chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Một số sản phẩm chủ lực của các địa phương chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm OCOP phần lớn ở dạng thô sơ, hàm lượng công nghệ thấp, sức cạnh tranh chưa cao…

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa cho biết, với vai trò và trách nhiệm của tổ chức Hội, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất theo quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Trong năm 2022, Hội Nông dân thành phố tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên trong thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 cũng như những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tổ chức Hội cũng mong muốn huyện Mê Linh và các địa phương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất tập trung, an toàn; lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng để đầu tư phát triển, chuẩn hóa chất lượng để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP năm 2022.

Theo đó, huyện đề xuất nhiều giải pháp nhằm vận động, khuyến khích các cấp Hội và hội viên nông dân tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Trọng tâm là cơ chế, chính sách về liên kết, sản xuất - tiêu thụ nông sản; phương thức huy động nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ cao…

Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cấp Hội và hội viên nông dân trong quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố, các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Mê Linh về Chương trình OCOP; tháo gỡ nhiều băn khoăn của chủ thể sản xuất - kinh doanh trong phát triển sản phẩm OCOP…

Trước đó, huyện Mê Linh đã có 20 sản phẩm được phân hạng OCOP từ 3-4 sao, nâng tổng số sản phẩn nông nghiệp được chấm điểm và công nhận OCOP lên 55 sản phẩm…

Thực hiện nhiệm vụ phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với 12 quận huyện đưa vài hoạt động 21 điểm OCOP, nâng tổng số điểm OCOP trên địa bàn TP Hà Nội lên hơn 50 điểm OCOP. Đây là tín hiệu tích cực cho TP Hà Nội và các tỉnh, TP quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng Thủ đô biết đến, ưu tiên lựa chọn, từ đó thúc đẩy sự tham gia, đồng hành của các chủ thể OCOP, doanh nghiệp, đơn vị có địa điểm tham gia mạng lưới các Điểm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Thực tế cho thấy thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về triển khai Chương trình OCOP, phát triển các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho nông sản, sản phẩm các quận, huyện, thị xã, thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Thanh Hóa: OCOP bước đầu “gắn sao trong lòng người tiêu dùng”

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá là một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 3 năm triển khai, các chủ thể sản xuất đã đầu tư kỹ thuật, công nghệ để tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng, bước đầu đã “Gắn sao trong lòng người tiêu dùng”, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

 

245d4195111t19103l0.jpg
Sản phẩm Dứa đóng hộp Trường Tùng của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao năm 2021. 

 

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 158 sản phẩm OCOP của 103 chủ thể; trong đó, 1 sản phẩm 5 sao, 40 sản phẩm 4 sao, 117 sản phẩm 3 sao. Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM, cho biết: Sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.

Hiện nay, đã có 100% sản phẩm được bày bán tại hệ thống cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, giá thành sản phẩm sau khi được công nhận đã tăng từ 15 đến 20% so với trước đó, hiệu quả kinh tế đã tăng từ 10 - 50%. Qua đó, các chủ thể có thêm động lực để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là các sản phẩm đã có thương hiệu, như: chè lam Phủ Quảng, rượu Sâm Báo (Vĩnh Lộc), bánh gai Lâm Thắm, kẹo lạc Đức Giang (Thọ Xuân)... Đồng thời, hình thành được hàng trăm chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hoạt động hiệu quả, với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp.

HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) là một trong những chủ thể đầu tiên có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Từ việc duy trì, phát triển sản phẩm chè và mật ong đã có từ nhiều đời của địa phương, HTX đã tập hợp hàng trăm hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sản xuất theo một tiêu chuẩn đã được đăng ký và thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ. Sau thời gian ngắn xây dựng sản phẩm OCOP, HTX đã liên kết được hơn 20 hộ sản xuất chè, với tổng diện tích hơn 30 ha. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và sao chè, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn. HTX cũng liên kết với Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh ở huyện Ngọc Lặc để nhập chất thải bã sắn trộn phụ gia làm phân bón cho cây chè. Không có các chất kích thích phát triển, không bón phân hóa học, tuân thủ quy trình theo yêu cầu của HTX... đã tạo nên uy tín cho sản phẩm chè Bình Sơn trên thị trường. Ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX, cho biết: Từ những sản phẩm vốn có tại địa phương, Chương trình OCOP đã tăng thêm uy tín, chất lượng để sản phẩm khẳng định vị thế trên thị trường. Đồng thời, tạo động lực để HTX phát triển thêm những sản phẩm mới, tăng doanh thu, chất lượng hoạt động của HTX.

Hiện nay, với sự lan tỏa mạnh mẽ của chương trình, người tiêu dùng đã hiểu, biết và nhận dạng, xác định được sản phẩm OCOP là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu nên đã yên tâm lựa chọn, tin dùng. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 16 điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và 11 sản phẩm được Siêu thị Co.opMart lựa chọn, bày bán trên các quầy hàng tại siêu thị. Ngoài ra, các chủ thể sản xuất đều chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP của mình được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường...

Thực tế cho thấy, Chương trình OCOP được triển khai thực hiện tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực HTX, tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng của từng địa phương. Từ đó, các chủ thể đầu tư sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã và có chiến lược quảng bá phù hợp để những sản phẩm ấy bay cao, vươn xa trên thị trường. Đồng thời, việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; đồng thời, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng NTM.

Theo đánh giá của tổ quản lý Chương trình OCOP, 100% các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng gần 30 - 40% so với trước khi tham gia chương trình, có sản phẩm tăng hơn 2 lần, cá biệt có sản phẩm tăng 4 - 5 lần. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu, như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu vào thị trường Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP từ cói xuất khẩu trực tiếp và bán ở 64 siêu thị tại Hoa Kỳ; ghế tre thư giãn cao cấp xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Đức, Mỹ; dứa đóng hộp Trường Tùng xuất khẩu đi các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia...

Để sản phẩm OCOP không chỉ là danh hiệu và trở thành thương hiệu mạnh được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh yên tâm lựa chọn, tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dựng các tiến bộ khoa học - công nghệ để chế biến, chế biến sâu sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; xúc tiến thương mại; hỗ trợ nâng cao năng lực và trình độ của người sản xuất.

Bắc Ninh: Chuyển đổi số và đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm OCOP

Nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trong Chương trình chuyển đổi số Quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực, góp phần phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Ngành Nông nghiệp đang bắt tay vào xây dựng nông nghiệp số, nông dân số, bằng việc chuyển đổi phương thức sản xuất, tư duy sản xuất, tư liệu sản xuất để thích ứng với hội nhập sâu rộng. Đó là xu thế tất yếu của sự phát triển.

 

7.jpg
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa cao cấp.

 

Đồng chí Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh khẳng định: Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, quy mô lớn, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, gia trại chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất, kinh doanh. Các công nghệ, nền tảng internet vạn vận (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự hành (Robotics), cảm biến (sensors)... bước đầu được áp dụng trong các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là khởi tạo cho một nền nông nghiệp thông minh, ở đó, người nông dân đóng vai trò là trung tâm, sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội.

Bức tranh kinh tế nông nghiệp của tỉnh thực sự bừng sáng khi giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn, hơn 30% tổng giá trị sản xuất. Tỉnh chủ động hoàn toàn về cung cấp con giống trong chăn nuôi. Số lượng con giống sản xuất và cung ứng ra thị trường đạt 800.000 con lợn giống lai 2,3 máu ngoại (Duroc, Piteran, Landace, Yorshre,…), tăng 200.000 con (33%) so với năm 2020; 37 triệu con gà giống, ưu tiên phát triển các giống gà đặc sản của tỉnh như gà Hồ, gà lai Hồ, gà J..., tăng 2 triệu con (5,7%); duy trì 350- 355 triệu con cá giống giá trị kinh tế cao như cá chim trắng, chép, trắm, rô phi đơn tính, điêu hồng..., tăng 100 triệu con (51%). Trong trồng trọt, phát triển khoảng 70% tổng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, chống chịu tốt sinh vật hại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn khoảng 3000 ha. Đồng thời bảo đảm nguồn cung nông sản dồi dào, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xây dựng, phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực địa phương cũng là thế mạnh của tỉnh để tiến tới nền nông nghiệp số. Các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Giai đoạn 2021- 2025, quyết tâm chuẩn hóa, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận, đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mang thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa để từng bước đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước, hướng đến thị trường xuất khẩu. Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 20% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; có tối thiểu 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; xây dựng 1-2 điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá nông sản an toàn và sản phẩm OCOP cấp tỉnh...

Kinh tế của tỉnh Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn phát triển ở tầm cao mới, hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương, rất thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa với các tỉnh trong cả nước. Các sản phẩm nông nghiệp có nhiều cơ hội tham gia chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh, từ 57,35% xuống còn 22,44% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; biến đổi khí hậu, dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp… rất khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng 1,0-1,2% lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2021- 2025. Trước thực tế đó, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải chuyển đổi để thích ứng. Một trong những nhiệm vụ chuyển đổi trọng tâm được đặt ra chính là phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực địa phương.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, có cơ chế chính sách cho phát triển nhóm danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, gồm: Các sản phẩm sản xuất giống; các sản phẩm sản xuất thương phẩm. Đẩy mạnh sản xuất theo quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Tăng cường chế biến đa dạng hóa sản phẩm theo hướng có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; có chính sách, giải pháp và nguồn lực mở rộng quy mô, chất lượng và thương hiệu sản phẩm bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, ngành Nông nghiệp nhanh chóng xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Hệ thống thông tin chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý, thu thập, lưu trữ và khai thác dữ liệu tổng thể của ngành; làm công cụ đắc lực cho tỉnh có những quyết sách  đúng đắn, chỉ đạo kịp thời sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới; tạo sự tương tác giữa lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp. Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn; xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh… thích ứng với mọi hoàn cảnh, dần hình thành một quy trình đồng bộ, khép kín, bảo đảm các yếu tố lợi nhuận bền vững, tạo diện mạo nông thôn đô thị hiện đại./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Bộ sưu tập tiện ích thể thao đẳng cấp chỉ có tại Thành phố Đảo Hoàng Gia

    Bộ sưu tập tiện ích thể thao đẳng cấp chỉ có tại Thành phố Đảo Hoàng Gia

    Đưa bộ môn cưỡi ngựa quý tộc trở thành tiện ích sống, “kéo” sân golf đẳng cấp về cạnh thềm nhà, tích hợp các tiện ích thể thao ngập tràn trong không gian sống - Vinhomes Royal Island (Hải Phòng) được đánh giá là dự án hiếm hoi có tiện ích phục vụ rèn luyện sức khỏe dành cho cư dân vượt xa tiêu chuẩn thông thường.

  • Công ty Điện lực Thanh Hóa tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức pháp luật năm 2024

    Công ty Điện lực Thanh Hóa tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức pháp luật năm 2024

    Công ty Điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) vừa phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội, Ban Pháp chế Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức lớp đào tạo kiến thức pháp luật cho 100 học viên là trưởng, phó các phòng, ban chuyên môn, chuyên viên pháp chế Công ty, Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh đơn vị trực thuộc.

  • Agribank Kon Tum đồng hành cùng tam nông

    Agribank Kon Tum đồng hành cùng tam nông

    Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực. Trong thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum.

Top