Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 5 năm 2021 | 15:54

Để sản phẩm OCOP đi xa hơn

Theo kế hoạch, đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

t2.jpg

Sản phẩm giò, chả của cơ sở sản xuất giò chả Phương Thành được trưng bày tại hội chợ OCOP Quảng Ninh.

 

Nhận thấy Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP của tỉnh Quảng Ninh (chương trình khai thác thế mạnh, lợi thế, đặc biệt là những sản vật, làng nghề truyền thống của địa phương) là một đề án hữu ích về nhiều mặt: thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng thành chương trình lớn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép nhân rộng ra toàn quốc.

Trên cơ sở đó, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương); gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân như doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện.  

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm thực hiện, đã có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể. Các sản phẩm này được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, 1,7% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá có tiềm năng 5 sao.

Những lợi ích từ triển khai OCOP là không nhỏ: Tạo đột phá về nhận thức trong sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị với vai trò lớn hơn của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa cho cả hệ thống chính trị và người dân. Nhiều tiềm năng, thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, vùng nguyên liệu, sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn được “đánh thức”, nhiều vùng sản xuất hàng hóa hình thành, nhiều chuỗi liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã phát huy hiệu quả. Thu hút được nhiều doanh nghiệp, đơn vị khoa học tham gia. Yêu cầu của thị trường về nhiều mặt, nhất là về chất lượng, an toàn thực phẩm với mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường được đáp ứng ngày càng cao. Từ chợ làng, chợ huyện, nhiều sản phẩm OCOP đã vào các siêu thị lớn, thậm chí được xuất khẩu đến những thị trường khó tính. Sản xuất phát triển, người lao động có việc làm, thu nhập được nâng cao, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác tối ưu lợi thế.

Tuy vậy, việc triển khai OCOP vẫn còn một số điểm cần khắc phục. Thứ nhất, việc tuyên truyền về chương trình chưa đủ tầm. Thứ hai, yếu tố chất lượng chưa cụ thể đến từng loại xếp hạng. Thứ ba, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn yếu, mang tính đơn lẻ, chưa đồng bộ. Thứ tư, các giải pháp hỗ trợ chưa thống nhất, chưa quan tâm đến nâng năng lực quản trị của hợp tác xã. Thứ năm, rào cản về tập trung đất đai để mở rộng quy mô sản xuất chưa được giải quyết thống nhất. Thứ sáu, OCOP chưa có được ưu tiên phù hợp trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn. Thứ bảy, các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến sâu, đẩy mạnh liên kết để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, tạo ra sản phẩm OCOP đặc sắc có giá trị cao chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức…

Theo kế hoạch, đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Đồng thời, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Để đạt mục tiêu trên, theo các chuyên gia, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, công tác tuyên truyền về chương trình cần mở rộng hơn, sâu hơn. Thứ hai, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng một cách cụ thể. Thứ ba, chú ý nâng cao năng lực mạng lưới tư vấn OCOP, năng lực quản trị, kiến thức về thị trường và marketting cho các chủ thể. Thứ tư, hoàn thiện bộ tiêu chí chấm điểm, nhất là quy định điểm chất lượng đối với từng hạng xếp loại gắn với xây dựng hệ thống quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP theo chuẩn chung, tiếp cận chuẩn quốc gia, quốc tế. Thứ năm, các địa phương cần phối hợp cùng nhau tạo nên những trung tâm, sự kiện bán hàng OCOP. Thứ sáu, rà soát để loại bỏ những thủ tục còn rườm rà, chưa cụ thể…

Có thể khẳng định, lợi ích mà OCOP mang lại nhiều nhưng để OCOP đi xa hơn, ngày càng hoàn thiện hơn, cần sớm đồng bộ chính sách mọi mặt một cách chặt chẽ nhưng vẫn khơi gợi được tinh thần chủ động, sáng tạo.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top