Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 2022 | 15:31

Để sầu riêng rộng đường sang Trung Quốc

Sau hơn 4 năm đàm phán, sầu riêng của Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch tạo thêm dư địa tăng trưởng cho một ngành hàng thế mạnh của nước ta, góp phần cải thiện thu nhập của hàng trăm ngàn nông dân.

Tuy nhiên, để quả sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi, chúng ta phải tuân thủ nhiều quy định chung mà phía đối tác quy định.

Thị trường đầy tiềm năng

Ngày 11/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và ông Du Kiến Hoa - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (Nghị định thư). Nghị định thư kéo dài trong 3 năm. Như vậy, sau chanh leo, sầu riêng là loại trái cây thứ 11 của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

 

z3615974661121_bc062007e7481f9e95854484b7049d5e.jpg
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu trái cây, trong đó đã xuất khẩu sầu riêng thành công vào Mỹ.

 

Việc xuất khẩu chính ngạch quả sầu riêng sang thị trường Trung Quốc là tin vui đối với người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. Với lợi thế vị trí địa lý gần và có thể cung ứng quanh năm, sầu riêng được kỳ vọng sẽ trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu diện tích trồng khá lớn, theo số liệu của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến năm 2021, cả nước có 84.800ha  sầu riêng, sản lượng 700 ngàn tấn/năm, tập trung  ở Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng… Do đó, nước ta hoàn toàn có thể tổ chức sản xuất sầu riêng để rải vụ thu hoạch nhiều tháng trong năm. Doanh nghiệp có thể lên kế hoạch để xuất khẩu sầu riêng ở mọi thời điểm sang Trung Quốc.

Đến tháng 7/2022, nước ta có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng), trong đó sầu riêng là mặt hàng có nhiều tiềm năng. Bởi Trung Quốc có một số ít địa phương trồng sầu riêng, như Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam, tuy nhiên, sản lượng không nhiều.

Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Đánh giá về thương vụ này, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết, mặc dù hoạt động xuất khẩu chưa thể thực hiện ngay vì còn vướng nhiều quy định từ phía Trung Quốc, nhưng ngay bây giờ, một tương lai sáng đã mở ra đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.

Theo bà Vy, Trung Quốc từ lâu là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam nói chung và quả sầu riêng nói riêng. Trước khi có Nghị định thư, quả sầu riêng chỉ có thể xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao, đồng nghĩa lợi nhuận cũng sẽ ít hơn khi xuất khẩu chính ngạch.

Nhiều thách thức

“Cánh cửa” của thị trường đông dân nhất thế giới - Trung Quốc, đã mở ra rộng hơn với quả sầu riêng. Trước mắt, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp và nhà vườn là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nước bạn đặt ra.

 

z3615974494162_59cbde40e461e5b8ee5618831a2e3ce9.jpg
Nông dân Cần Thơ thu hoạch sầu riêng. Ảnh: BCT

 

Cũng như chanh leo, trong Nghị định thư vừa được ký chỉ rõ, Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hiện không nhiều vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc. Để được cấp mã vùng trồng cũng là cả một quá trình dài nếu nhìn lại cách thức trồng sầu riêng hiện nay.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, nước này yêu cầu tất cả các lô hàng đều phải có hồ sơ xuất khẩu, có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp, HTX phải áp dụng các biện pháp phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.

Những yêu cầu trên cũng đồng nghĩa với việc chất lượng chính là điều kiện quan trọng trong xuất khẩu sầu riêng chính ngạch hiện nay. Để làm được điều này, các HTX, nhà vườn đã mất không ít thời gian chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, chất lượng vùng trồng, cơ sở đóng gói…

Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu để trái cây Việt Nam cạnh tranh được với trái cây Thái Lan, Malaysia cũng là một thách thức không nhỏ. 

Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Những năm gần đây, nhu cầu bùng nổ cộng với chi phí vận chuyển tăng cao đã khiến giá sầu riêng tăng. Giá trung bình của sầu riêng tươi ở Trung Quốc tăng lên 4,0 USD/kg vào năm 2020 và  5,11 USD/kg năm 2021.

Đặc biệt, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “zero Covid”, nên doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch xuyên suốt từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu hàng hoá, nhất là các sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm tươi và bảo quản đông lạnh.

Chuẩn hóa vùng trồng

Để nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu bền vững và chính ngạch sang Trung Quốc, tận dụng được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% mà phía Trung Quốc cam kết, việc đẩy nhanh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của doanh nghiệp, HTX, nhà vườn

Theo ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, điều kiện để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc là vùng trồng, cơ sở đóng gói phải đăng ký với cơ quan chủ quản Việt Nam, sau đó chuyển sang Hải quan Trung Quốc, nếu đảm bảo yêu cầu của phía Trung Quốc mới được xuất khẩu.

Nếu tìm hiểu kỹ, quy định chung, quy định cụ thể về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, có thể thấy một trong những điều kiện để vùng trồng được cấp mã số là không được trồng xen với loại cây trồng khác.

Điều này có thể thấy, việc chuẩn hóa vùng trồng là bước đầu tiên nếu như muốn xuất khẩu sầu riêng. Và để chuẩn hóa vùng trồng, không chỉ đơn thuần là việc không được trồng xen sầu riêng trong vườn tạp, mà việc đầu tiên cần làm khi bắt tay sản xuất là, người nông dân cần lưu tâm đến nguồn giống thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường.

Để xuất khẩu sầu riêng bền vững,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng, phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng…

Cho ý kiến về việc này, bà Ngô Tường Vy cho biết, tại Trung Quốc, sầu riêng Thái Lan hiện được bán giá cao hơn sầu riêng Việt Nam 1/3 lần. Nguyên nhân không phải ở “độ ngon” mà bởi vì sầu riêng của Thái Lan có thương hiệu, chất lượng đồng đều, bảo đảm tốt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng dịch Covid-19.

Chính vì vậy, muốn sầu riêng được hưởng những giá trị từ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, theo bà Vy, các HTX cần chú trọng đến việc tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia, đi liền với đó là chú trọng bảo đảm các yêu cầu về kiểm dịch và vệ sinh thực phẩm ngay tại vùng trồng. Điều này sẽ giúp trái sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh được với Thái Lan tại Trung Quốc về lâu dài.

“Với diện tích mà Việt Nam đang phát triển hiện nay, điều đầu tiên cần quan tâm đến là nguồn giống để có thể cạnh tranh với các nước”, bà Vy nhấn mạnh.

Thực tế, để xuất khẩu sầu riêng bền vững chỉ người dân, doanh nghiệp, HTX tham gia là chưa đủ. Thời gian tới, các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương phải có trách nhiệm cùng doanh nghiệp, người dân thường xuyên giám sát các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định.

Đứng về góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty CP Phát triển Công nghệ sinh học Dona – Techno kiến nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn đối với sầu riêng. Bên cạnh đó là, xây dựng quy trình chuẩn về canh tác để đảm bảo trái sầu riêng đồng đều về hình dáng, ổn định về chất lượng và đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Ông Cường khẳng định, nếu người trồng sầu riêng Việt Nam biết tự thương mình, chỉ sản xuất và bán ra thị trường những trái sầu riêng đạt chất lượng, sầu riêng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc và cả các thị trường khác.

Tăng cường liên kết giữa các nhà

Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt, để tận dụng tốt cơ hội này, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà.

Gợi mở những giải pháp cho trái sầu riêng xuất khẩu, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu ra rất nhiều yêu cầu để nắm bắt cơ hội ở những thị trường lớn và khó tính, dù với trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác, muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì phải “đi cùng nhau”. Nông dân “đi cùng nhau” trong một hình thức hợp tác. Doanh nghiệp “đi cùng nhau” trong một hiệp hội ngành hàng. Các địa phương có vùng trồng cũng cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư.

“Đi cùng nhau” cũng là cách chúng ta chung sức, chung lòng tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Bùi Hoàng Yến, Tổ phó Tổ Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), chia sẻ, cần tăng cường liên kết khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với sản xuất sản phẩm cuối, giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp trong nước với FDI; áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, môi trường.

Qua đó có thể thấy, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX, người nông dân và những đối tượng tham gia chuỗi liên kết phải cùng vào cuộc để xây dựng và thực hiện các tiêu chí, định vị sản phẩm nông sản của chúng ta ở những thị trường nào, tất cả phải cùng vào cuộc.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Định, cho rằng, khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch thì phải luôn đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nếu một vài hộ không tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình sản xuất, thì rất có thể sẽ gây tổn hại lớn cho HTX và doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.

Do đó, cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã… trong việc giám sát vùng trồng nhằm đảm bảo cho các sản phẩm sầu riêng được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu đều đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Việc liên kết hình thành chuỗi giá trị, cũng là một yếu tố quan trọng để đưa sầu riêng đi chính ngạch sang Trung Quốc một cách ổn định, bền vững. Bà Nga cho rằng, chỉ riêng HTX không thể đưa trái sầu riêng đi chính ngạch được, mà HTX phải phối hợp với doanh nghiệp, từ đó đảm bảo cho từng hộ nông dân sản xuất ra sản phẩm đúng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Bà Nga khẳng định, nếu các công ty liên kết với HTX để sản xuất sầu riêng theo quy trình chuẩn, xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch sẽ nâng cao thêm hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho nông dân, HTX cũng như doanh nghiệp.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top