Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2019 | 13:52

Để XK gỗ tiếp tục tăng trưởng: Thay đổi chiến lược

Với nhiều điều kiện thuận lợi, đặc biệt là về thị trường, ngành gỗ đã gây bất ngờ khi kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2019 chắc chắn cán đích 11 tỷ USD, tiếp tục xác lập kỷ lục mới.

Tuy nhiên, để phát triển vững mạnh, ngành gỗ cần có định hướng thoát khỏi “chiếc áo” gia công và xây dựng thương hiệu.

 

tr7.jpg
Sản xuất các sản phẩm bàn ghế tại công ty TNHH Tài Phước Khu Công nghiệp Phú Tài (Bình Định). Ảnh: Vũ Sinh.

 

Cơ hội lớn ở EU

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, giá trị XK lâm sản 10 tháng qua ước đạt 9,041 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt 6,955 tỷ USD. Lâm sản Việt Nam hiện được xuất sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Tổng giá trị xuất sang các thị trường này ước 7,81 tỷ USD, chiếm khoảng 86,6% tổng giá trị XK.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đánh giá: Tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, XK gỗ. Ngoài ra, việc phát triển diện tích rừng có chứng chỉ cũng góp phần nâng cao uy tín của sản phẩm gỗ Việt.

Trong XK gỗ và sản phẩm từ gỗ, EU là thị trường tiềm năng, rất đáng chú ý. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là một trong 4 thị trường cung cấp đồ nội thất phòng khách và phòng ăn chính cho EU, đồng thời cũng là thị trường cung cấp mặt hàng đồ nội thất nhà bếp lớn thứ 8 của EU. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là lượng nhập khẩu (NK) từ Việt Nam chỉ chiếm 1,2% tổng lượng NK. Dự báo mặt hàng đồ nội thất nhà bếp còn nhiều dư địa để doanh nghiệp (DN) XK mặt hàng này đẩy mạnh trong thời gian tới.

Theo Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO), các nhà NK EU đánh giá cao việc cải tiến về công nghệ đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam bởi những cải tiến vượt trội so với những quốc gia châu Á khác và ngày càng có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cao của thị trường EU.

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu (MEPs) đã bỏ phiếu cấm dao kéo nhựa sử dụng một lần, nụ bông, ống hút và máy khuấy, đây là một phần của đạo luật chống lại rác thải nhựa làm tác động xấu tới môi trường. “Nhu cầu tiêu thụ đồ dùng nhà bếp và bộ đồ ăn bằng gỗ sẽ ngày càng tăng để thay thế đồ nhựa dùng một lần tại thị trường EU trong những năm tới. Đây là cơ hội để các DN XK các sản phẩm gia dụng bằng gỗ đẩy mạnh XK sang thị trường EU”, đại diệnBộ Công Thương nhận định.

Lo gian lận xuất xứ khi xuất vào Mỹ

Bên cạnh thị trường EU, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ thời gian qua có không ít thuận lợi khi XK vào thị trường Mỹ. Bộ Công Thương đánh giá, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc mang lại thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam khi xuất sang thị trường Mỹ. Trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ chiếm tới 48,5% tổng kim ngạch XK, đạt 3,64 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Phát triển Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp), phân tích: XK gỗ và sản phẩm gỗ có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong XK hàng hóa. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn sẽ dẫn tới việc Chính phủ Mỹ áp đặt những chính sách bảo hộ ngành công nghiệp gỗ trong nước, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp rất có thể xảy ra. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.

Thời điểm để thay đổi chiến lược

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), sự dịch chuyển đơn hàng từ thương chiến Mỹ - Trung khiến lượng khách hàng mới gia tăng vào Việt Nam nhưng cũng bộc lộ nhiều thách thức. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư vào ngành này tăng gấp gần 1,2 lần so với tổng FDI vào ngành gỗ của cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI vào ngành gỗ của cả năm 2018.

“Nhưng DN Việt được hưởng lợi gì? Trong ngắn hạn, đã có DN thu lợi bằng cách cho thuê hay bán luôn cả nhà xưởng cho khối FDI. Trong khi đó, nếu nhìn ra cơ hội lâu dài thì đây chính là thời điểm để thay đổi chiến lược, phải làm sao có tầm nhìn mới nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.

Vậy DN ngành gỗ  cần gì? Rào cản lớn nhất hiện nay là năng lực vươn ra thị trường quốc tế của DN Việt còn yếu, nhiều doanh nhân có tâm trạng mệt mỏi, ngại khó. Chỉ DN năng động, lực sản xuất vững, tạo giá trị gia tăng cao mới có thể chăm sóc đơn hàng mới này.

Thế nên khoan nói chuyện hưởng lợi nhờ thương chiến mà phải chú tâm vào chuyện của nội lực trong nhà: mình có đủ năng lực thực hiện các đơn hàng đó? DN cần gì hay cần thêm cái gì để tăng tính cạnh tranh của mình?”, ông Khanh nói.

Trong định hướng phát triển ngành gỗ đến năm 2025, Chính phủ “giao” cho ngành gỗ xuất khẩu 20 tỷ USD. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi, nhưng để kiến tạo nên con số gấp đôi hiện tại, còn nhiều bài toán không chỉ đến từ lực lượng lao động, vốn mà còn cả tư duy sâu, tầm nhìn thoát khỏi “chiếc áo” gia công. Đó là định hướng phát triển cùng lúc kinh doanh nhiều hơn một giá trị từ sản xuất, thiết kế, thương mại đến thương hiệu.

DN cần nghĩ đến việc kinh doanh sản phẩm có thiết kế, xây dựng hệ thống phân phối, thương hiệu riêng. Sự chủ động nâng cao giá trị này sẽ thúc đẩy sự tồn tại sống còn, đặc biệt trong thương chiến Mỹ - Trung: tránh được cả nguy cơ bị mua bán, sáp nhập trước làn sóng dịch chuyển của DN Trung Quốc.

“Chúng tôi nhận thấy ngành gỗ đang rất cần thêm nhân lực cho các mảng đang yếu là thiết kế, thương mại. Hiệp hội, DN đang bắt đầu liên kết với các cơ sở đào tạo, trường dạy nghề, đại học, cao đẳng... với hy vọng có thể đưa ra đơn đặt hàng cụ thể. Nhưng nỗ lực ấy vẫn chưa đủ. DN có thể chủ động chọn cho mình công nghệ, quy mô, dây chuyền sản xuất nhưng vấn đề nhân sự phải là bài toán toàn ngành, của định hướng trong đào tạo của các trường, của Chính phủ”, ông Khanh nhấn mạnh.

Theo ông Khanh, về khía cạnh nhà nước, các vấn đề chính sách vĩ mô cho ngành phát triển là rất quan trọng. Đặc thù của ngành gỗ là cần diện tích lớn để sản xuất trưng bày nên cần một chính sách giao đất hợp lý hay đầu tư xây dựng một trung tâm đồ gỗ tăng tính nhận diện của ngành.

Nhà nước cần tạo môi trường, không gian để DN có tầm nhìn với nghề, với ngành gỗ, hiểu được đây là ngành công - nông nghiệp, đóng góp quan trọng cho kinh tế Việt Nam không chỉ bằng các hội thảo, các cuộc giao lưu thương mại quốc tế mà còn đưa vào chiến lược phát triển kinh tế, cung cấp số liệu, nâng cao kiến thức cho DN... Sự nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của ngành gỗ trong nền kinh tế bằng những hành động cụ thể sẽ thôi thúc DN mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất một cách bài bản.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top