Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 1 năm 2022 | 9:49

Điểm sáng nông nghiệp: Bài học rút ra

Trước những thách thức lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vẫn về đích thắng lợi với kim ngạch đạt 48,6 tỷ USD. Đây là con số “kỷ lục chưa từng có” của toàn ngành, vượt xa mục tiêu và mức kỳ vọng đặt ra.

Tuy vậy, cũng có nhiều bài học được rút ra.

Những con số đáng tự hào

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, xuất siêu trên 6 tỷ USD. Khai thác có hiệu quả nhiều thị trường mới, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU. Những con số biết nói này đã minh chứng cho một năm bứt phá ngoạn mục của toàn ngành.

“Vui mừng, tự hào khi xuất khẩu hàng hóa của ngành Nông nghiệp và PTNT đã được mở rộng ra nhiều thị trường hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục. Đặc biệt, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng  trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, caosu”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến báo tin vui.

 

chế-biến-sản-phẩm-dứa-đóng-hộp-tại-nhà-máy-của-công-ty-cp-xuất-nhập-khẩu-nông-sản-an-giang-ảnh-tư-liệu-vũ-sinh.jpg
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản An Giang. Ảnh (tư liệu) Vũ Sinh.

 

Đơn cử, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng nông, lâm, thủy sản và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,6 tỉ USD, vượt 20% kế hoạch và tăng 20% so với năm 2020. Xuất siêu 12,94 tỉ USD (tăng 21,2% so với năm 2020), tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Xuất khẩu thủy sản cũng vượt qua 3 tháng “đóng băng” do dịch Covid-19, “trở mình” ngoạn mục đưa về giá trị kim ngạch 8,9 tỉ USD. Tiếp theo là hạt điều (trên 3,6 tỉ USD); rau quả (hơn  3,5 tỉ USD); caosu (3,1-3,2 tỉ USD)...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Chúng ta có thể tự hào, một năm đầy biến động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn đạt những kết quả khả quan. Lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn cung ứng kịp thời đến hàng chục triệu người dân tại các đô thị, trung tâm công nghiệp trong bối cảnh giãn cách xã hội. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số,… đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và lan toả, làm thay đổi tích cực cách thức tiếp cận nông nghiệp truyền thống. Một nền nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII dần được định hình và hiện thực hoá.

Trong năm 2021, chúng ta đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn. Chúng ta cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo...

Chuyển biến cả “chất” và “lượng”

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhờ sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, các lĩnh vực toàn ngành đã đạt và vượt kế hoạch đề ra và có những chuyển biến mạnh về “chất” và “lượng”.

 Về trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là đối với cây trồng chủ lực. Tập trung cải tạo giống, kiểm soát, nâng tỷ lệ sử dụng các giống mới, chất lượng cao.

Sản xuất lúa có sản lượng đạt 43,86 triệu tấn, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.

Rau, màu có diện tích khoảng 1,12 triệu hecta; sản lượng đạt 18,6 triệu tấn, tăng 325,5 nghìn tấn so với năm 2020.

Cây ăn quả có diện tích 1,18 triệu hecta, tăng 44,8 nghìn hecta so với năm 2020; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng 5 - 19%.

Về chăn nuôi, đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2020; sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; trứng 17,5 tỷ quả, tăng 5,1%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Lĩnh vực thủy sản được đẩy nhanh phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn tăng 0,9%, nuôi trồng 4,8 triệu tấn tăng 1,1%.

Lâm nghiệp tiếp tục thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; diện tích rừng trồng mới tập trung 278 nghìn hecta và 120 triệu cây phân tán; thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.100 tỷ đồng.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành… với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2,85%, trên hầu hết các lĩnh vực.

Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2021, thành lập mới 1.250 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 78 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 19.100 HTX nông nghiệp; thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.

 

nong-nghiep-thong-minh-don-bay-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-viet-nam-1.jpg Chuyển đổi số giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, giảm giá thành đầu vào.

 

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng; đến hết năm 2021 phân hạng và công nhận 5.320 sản phẩm OCOP, tăng 1,66 lần so với năm 2020.

Năm 2021, nghiệm thu và công bố, công nhận 54 giống cây trồng, vật nuôi; 80 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới; ban hành, công bố 09 QCVN, 106 TCVN và lũy kế đến nay có 1.220 TCVN và 232 QCVN.

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2021, có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có thêm 03 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân khá, đạt 86,7%, hoàn thành 246/288 dự án triển khai trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.

Còn nhiều việc phải làm

Với tinh thần không được tự bằng lòng, khi những điều khó khăn, khó lường vẫn còn phía trước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Nông nghiệp được xem là ngành luôn đương đầu với nhiều rủi ro, thách thức. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ, mà đại dịch Covid-19 là một minh chứng, nông nghiệp lại đứng trước nhiều thách thức mới: biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, biến động thị trường và những rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, biến chuyển xu thế tiêu dùng và cách tiếp cận nền nông nghiệp xanh, minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

“Chúng ta không được tự bằng lòng với thành tích xuất khẩu. Còn rất nhiều việc phải làm, làm đúng và làm ngay để xuất khẩu nông sản ngày thêm bền vững. Chúng ta phải chuẩn hoá vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng từ hợp tác xã đến doanh nghiệp, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản. Chúng ta phải có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn. Phải tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường, khi chỉ bán nguyên liệu thô.

Chúng ta phải xác định đúng vai trò của Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp trong dẫn dắt thị trường và tạo dựng chuỗi giá trị trong từng chuỗi ngành hàng. Hơn hết, tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành Nông nghiệp, Công Thương.

Bên cạnh đó, tình trạng khuyến nông cơ sở ở một số địa phương bị đứt gãy. Những điều chỉnh, thay đổi về mô hình tổ chức các trung tâm, chi cục ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở cần được đánh giá đúng mực và tổ chức lại một cách nhất quán, phù hợp với tư duy mới, bối cảnh mới và điều kiện đặc thù từng địa phương.

Cơn sốt biến động giá nguyên liệu, vật tư đầu vào ngành Nông nghiệp từ trồng trọt cho đến chăn nuôi, thủy sản, lâm sản, gây nhiều xáo trộn, bấp bênh, do phần lớn còn lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó cho thấy cần phải quan tâm đến chi phí sản xuất của người nông dân và giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng, bằng cách tiến đến sử dụng một phần nguyên liệu nội địa, nguyên liệu thay thế phù hợp, hiệu quả. Các viện nghiên cứu khoa học cùng với các doanh nghiệp cần tham gia vào nhiệm vụ này.

Chúng ta đã vượt qua vụ Điều tra 301, nhờ đó thị trường và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng hơn cả kỳ vọng. Nhưng thẻ vàng IUU trong lĩnh vực thuỷ sản vẫn còn đó, cho thấy chúng ta còn nhiều việc phải làm, mọi ngành hàng phải được tổ chức lại và quản lý theo chuẩn mực quốc tế. Lời nguyền một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” nếu không tìm được lời giải thoả đáng, thì không thể hướng đến sự phát triển bền vững” Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở.

2022, năm chuyển đổi số

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, tỉnh xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... Năm qua, Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp và đang thực hiện “xanh số” trên các cánh đồng; đưa hơn 300 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, quả vải thiều đưa lên sàn được tiêu thụ rất tốt, hình ảnh được quảng bá rộng khắp. Nhờ đó, doanh thu vải thiều từ 600 tỷ đồng (năm 2020) tăng lên 1.400 tỷ đồng (năm 2021).

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, chuyển đổi số giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, giảm giá thành đầu vào. Tại các cánh đồng thông minh, làng thông minh, HTX hội quán số, bà con nông dân chỉ cần ngồi bấm điện thoại có thể điều khiến được tưới tiêu nước, điều khiển được máy bay không người lái phun thuốc trên cánh đồng.

Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Điều rất vui là trong hầu hết phát biểu của các địa phương đều nhắc đến chuyển đổi số như một giải pháp trọng tâm trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, 2022 sẽ là năm hành động chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp. Theo ông, trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Thủ tướng giao để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, thì có đến 9 nền tảng dành cho ngành Nông nghiệp như: dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa chuỗi cung ứng,... Nền tảng được hiểu là một phần mềm nhưng phục vụ cho toàn quốc, đến từng tỉnh, từng xã.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, với Bộ trưởng Lê Minh Hoan là Trưởng ban, nâng cấp Trung tâm Chuyển đổi số thành cấp Cục. Đồng thời, chọn một số doanh nghiệp công nghệ lớn làm đối tác chiến lược để nhanh chóng tạo ra các nền tảng chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp, triển khai sớm trong nửa đầu năm 2022.

Không thể đứng lại

Chủ trì Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2021 - Triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  đã biểu dương thành tích của năm 2021 của toàn ngành đạt được cao hơn nhiều so với năm 2020 và chúc năm 2022 thành tích toàn ngành sẽ cao hơn.

“Năm 2022, dự báo có thuận lợi, có thời cơ, nhưng cũng nhận định có nhiều cái khó hơn năm 2021, chúng ta cần tập trung làm thật tốt, cân đối nguồn lực, cân đối thời gian để làm tốt các nhiệm vụ đặt ra. Phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm dự báo chiến lược và tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

“Đặt hàng” Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủ Tướng yêu cầu, mục tiêu năm 2022 tăng trưởng phải trên 3%, xuất khẩu phải đạt trên 50 tỷ USD. “Trụ đỡ” phải chắc chắn thì kinh tế cả nước mới vững vàng. Song song việc này, phải coi trọng chiến lược, quy hoạch thể hiện tầm nhìn xa và tư duy thực sự đổi mới. Đồng thời, rà soát kỹ, hoàn thiện thể chế, phát triển theo chiều sâu, phát triển dựa vào khoa học công nghệ. Thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm quyết liệt bám sát tình hình thực tế để cụ thể hóa các đường lối chủ trương chiến lược và xác định cách làm bài bản, có lộ trình thực hiện cụ thể.

 

Ngành Nông nghiệp đưa ra chỉ tiêu cơ bản năm 2022:

Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 2,9 - 3,0%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD.

Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%.

Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%

Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

 

“Năm 2021, chúng ta có nền tảng rồi thì năm 2022 phải cao hơn. Trong thế giới phát triển, chúng ta không thể “đứng tại chỗ”, đứng tại chỗ là “thụt lùi”, chúng ta không thể thụt lùi, “trụ đỡ” thụt lùi thì nền kinh tế thụt lùi. Do đó, phải kiên quyết mạnh mẽ đặt mục tiêu cao hơn”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định, năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành Nông nghiệp; là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Bởi vậy, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, toàn ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Theo đó, tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chiến lược: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. 

Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản.

Hai là, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại Ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số... Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp.

Năm là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính quản lý ngành nông nghiệp và tổ chức sự nghiệp công lập từ trung ương tới địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top