Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 5 năm 2022 | 8:33

Điểm tựa tiếp sức trong công cuộc giảm nghèo ở Khoái Châu

Với các giải pháp huy động, tăng trưởng nguồn vốn cùng việc triển khai đa dạng các chương trình cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) tiếp tục là điểm tựa tiếp sức trong công cuộc giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phát huy hiệu quả đồng vốn vay

Với 49 triệu đồng vay theo Chương trình tín dụng giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Khoái Châu,  chị Nguyễn Thị Tuyển, Tổ trưởng tổ vay vốn tổ 2 Hội Phụ nữ thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch đã thực hiện chuyển đổi 8 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả,  chủ yếu là nhãn, bưởi, ổi (khoảng 200 cây bưởi, 100 cây nhãn, vài chục cây ổi).

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi, chị Tuyển cho hay, vườn chủ yếu trồng bưởi Diễn và bưởi Tân Lạc, loại cây này dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch, mỗi cây trưởng thành cho thu hoạch  80-100 quả. Việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc khéo léo cùng nguồn giống bưởi chuẩn làm quả thu hoạch không chỉ đảm bảo sản lượng mà chất lượng cũng không hề thua kém bưởi Diễn gốc. Bưởi Diễn tại đây khi mang ra thị trường Hà Nội có giá  25 - 35 nghìn đồng/quả với múi bưởi vàng ươm, mọng ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

anh-1.jpg
Chị Lê Thị Huyền ở thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch với mô hình chăn nuôi lợn.

 

Tháng 3, hoa nhãn nở rộ, cũng là thời điểm thu hoạch mật của những người nuôi ong. Gia đình chị Tuyển vừa thu hoạch được khoảng 1 tạ mật ong, với giá bán khoảng 200 nghìn/kg. Chị cho biết: Nuôi ong không dễ, vì phụ thuộc vào thời tiết, nếu nắng ấm, ong sẽ tích cực lấy mật, chỉ sau 4 ngày là thu hoạch. Còn nếu mưa thì mất khoảng một tuần, do hoa bị trôi hết mật. Hiện nay, người nuôi ong ở đây chủ yếu nuôi  ong nội và ong Ý. Những con ong nội tìm mật hoa nhãn trong ngày thời tiết mưa, ẩm nên mật thơm và trong, còn giống ong Ý to khỏe nhưng mật màu đục hơn.

Hàng năm, vườn cây ăn quả và  chăn nuôi gà cho gia đình chị Tuyển thu nhập khoảng 130 triệu đồng. Nhưng trồng bưởi và nhãn cũng có năm được mùa sai quả, nhưng có năm mất mùa, quả ra ít nên cũng khó khăn cho người trồng…

Tiếp theo, chị Tuyển dẫn chúng tôi đến thăm mô hình của gia đình chị Lê Thị Huyền, hội viên Hội Phụ nữ ở cùng thôn, với mô hình chăn nuôi và làm nghề may. Chị Huyền nuôi 150 con lợn thịt, 25 con lợn nái với số vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Chị được vay tổng cộng 120 triệu đồng từ 3 chương trình (giải quyết việc làm 50 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 50 triệu đồng và 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch - VSMT).

Chị Huyền chia sẻ, chị biết đến nguồn vốn vay ưu đãi từ 10 năm nay, lúc đó chị được vay 20 triệu đồng, vay rồi trả, trả xong lại vay. Đến nay, gia đình chị có cơ ngơi tương đối khang trang. Thời điểm hai con chị học Đại học Thăng Long và Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, đều được vay vốn từ Chương trình cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH, đến nay các cháu đều đã đi làm và có thu nhập ổn định. Ngoài ra, chị có được công việc nghề may từ 30 năm nay, chủ yếu may áo dài và comple, ngoài thời gian chăm đàn lợn chị  tập trung vào công việc may ở cửa hàng sát ngôi nhà chị ở. Những năm gần đây, công việc may khá thuận lợi, các sản phẩm áo dài chị cắt may được nhiều người tìm đến đặt hàng, qua đó  góp phần tăng thu nhập cho 3 lao động.

 

anh-2.jpg
Chị Nguyễn Thị Tuyển, Tổ trưởng Tổ vay vốn Hội Phụ nữ thôn Đức Nhuận trong vườn ổi của gia đình.

 

Chị Tuyển tiếp lời, chị Huyền là hội viên tiêu biểu trong tổ vay vốn Hội Phụ nữ thôn do chị làm tổ trưởng. Không chỉ chị Huyền mà 3 hội viên vay vốn đều chịu khó làm ăn. Khi có nhu cầu vay vốn, hội viên đều được tư vấn phù hợp từ khoản vay, khả năng trả lãi hàng tháng, trả gốc hàng năm. Sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi, trả lãi linh hoạt giúp người vay lựa chọn phù hợp. Trong hai năm qua, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên việc thu lãi cũng khá vất vả khi Tổ trưởng tổ vay vốn phải nhiều lần nhắc nhở người vay đến kỳ thanh toán. Mặc dù vậy,  33 hội viên vay trong tổ chị quản lý vẫn trả lãi hàng tháng đều đặn, nợ gốc thu đủ, không phát sinh nợ quá hạn.

Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Khoái Châu, cho hay: Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, Phòng giao dịch huyện phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết thôn xóm, mỗi xã, thị trấn bố trí một điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm… phục vụ các đối tượng ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Thực tế chứng minh, nguồn vốn chính sách đã tác động mạnh mẽ, tạo sức sống mới khi hầu hết  hộ nghèo và  đối tượng chính sách khác ở 25 xã, thị trấn được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

 

Khoái Châu đang triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến ngày 31/ 3/2022, tổng nguồn vốn cho vay là 450.674 triệu đồng, tăng 20.875 triệu đồng so với 31/12/2021. Tổng dư nợ đến 31/3/2022 là 439.339 triệu đồng, thực hiện 97,5% kế hoạch dư nợ, trong đó cho vay hộ nghèo dư nợ 42.573 triệu đồng; hộ cận nghèo dư nợ 40.703 triệu đồng; hộ mới thoát nghèo dư nợ 145.789 triệu đồng; cho vay nước sạch VSMT 142.609 triệu đồng… thông qua 406 Tổ tiết kiệm vay vốn với gần 11.600 hộ vay.

 

Đánh giá về hoạt động của NHCSXH huyện trên địa bàn các xã, ông Ngoạn cho biết, hiện nay các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dễ dàng, không phải thế chấp. Mục đích vay, phương án sử dụng vốn vay được cán bộ thẩm định kỹ càng và đồng hành cùng người dân trong suốt thời gian vay vốn, do vậy, người dân sử dụng vốn rất hiệu quả, nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo, ổn định đời sống, vươn lên khá - giàu, đồng thời góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trong cộng đồng.

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH huyện Khoái Châu đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương.

 

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top