Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 5 năm 2021 | 15:19

Định vị rau, quả

Trước đây, sản xuất rau và trái cây được coi là kinh tế phụ của gia đình nông dân, chủ yếu phục vụ gia đình và chợ thôn, xóm, xã bởi quy mô nhỏ, chưa được chú ý.

t2.jpg

Những năm 1980, việc thực hiện chuyển nền kinh tế sang hướng thị trường mở, giao quyền tự chủ cho nhà nông bằng Chỉ thị 100 rồi Nghị quyết 10 (còn gọi là khoán 100, khoán 10) giúp nền kinh tế Việt Nam, kinh tế nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn (chuyên sản xuất rau, cây ăn trái, hoa, cây công nghiệp, cây dược liệu,…) có bước tiến ngoạn mục, khó tưởng tượng.

Trước đây, sản xuất rau và trái cây được coi là kinh tế phụ của gia đình nông dân, chủ yếu phục vụ gia đình và chợ thôn, xóm, xã bởi quy mô nhỏ, chưa được chú ý. Nhưng sau phong trào Vườn quả Bác Hồ đầu những năm 1980, nhất là sau khi Hội Làm vườn Việt Nam ra đời năm 1986, nghề vườn với mô hình VAC đã từng bước mở rộng cả về quy mô, đối tượng, loại hình, có ở khắp nơi, cả ở đồng bằng, trung du, miền núi và đô thị,… Trang trại dần hình thành và Kinh tế Vườn trở thành một bộ phận trọng yếu của kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

Từ chợ làng, sản phẩm vườn ra chợ huyện, chợ tỉnh, tiến vào trung tâm thương mại ở các đô thị và vươn ra thế giới (hơn 60 quốc gia đã nhập rau, quả của chúng ta). Đồng nghĩa với mở rộng thị trường, giá trị sản phẩm vườn mang lại cũng ngày một lớn và tăng trưởng rất nhanh, từ hơn trăm triệu đôla năm 2000, đến 2019 đạt trên 4 tỷ đôla, năm 2020, dù đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung cầu nhưng xuất khẩu rau quả vẫn đạt 3,26 tỷ đôla, con số rất có ý nghĩa.

Có được thay đổi đó có nhiều lý do, trong đó phải kể đến việc thay đổi chính sách về mọi mặt của Đảng và Nhà nước, từ đó dẫn đến việc người sản xuất chú ý nâng cao giá trị các sản phẩm do áp dụng quy trình canh tác an toàn, thân thiện môi trường, dùng giống chất lượng, mặt hàng đa dạng, không chỉ bán tươi mà công nghiệp chế biến đã tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị ngành hàng. Không chỉ công nghiệp chế biến, công nghiệp marketing, công nghiệp thiết kế và in ấn bao bì,… cũng từng bước tham gia. Việc đầu tư vào nông nghiệp nói chung, kinh tế Vườn nói riêng được quan tâm nhiều hơn. Điều này được thể hiện rất rõ bởi số lượng dự án của các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất, chế biến ngày càng nhiều hơn.

Cách đây khoảng hai năm rưỡi (ngày 27-11-2018), tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, người đứng đầu Chính phủ khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể lọt vào 15 nền nông nghiệp hàng đầu của thế giới? Câu hỏi này cho thấy, ông chưa cảm thấy hài lòng khi tiềm năng của ta còn rất lớn nhưng vị trí của ta chưa tương xứng.

Nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta thấy kinh tế Vườn của ta có những lợi thế đặc biệt (khí hậu nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh ở phía Bắc và nhiều địa phương có khí hậu mát quanh năm do độ cao, nhiều giống bản địa có chất lượng cao,…) nhưng chưa được khai thác tốt và còn yếu ở hầu khắp các khâu trong chuỗi. Nguyên nhân có nhiều nhưng cơ bản là tư duy của cả cơ quan quản lý và nhà vườn vẫn là sản xuất và quản lý theo hạn điền quy mô nhỏ và tiểu nông. Điều này khiến mối liên kết hợp tác thiếu chặt chẽ. Đây là lý do ta có ít vùng chuyên canh lớn để đưa cơ giới vào sản xuất khiến việc nâng cao năng suất và chất lượng, hạ giá thành và giảm bớt lao động nông nghiệp chậm chạp; quy mô nhở nên không đủ tiềm lực tài chính, công nghệ để tổ chức nghiên cứu giống, xây dựng thương hiệu,… Một điểm yếu khiến trái cây, rau của ta giá còn cao còn do hệ thống Logicstic của ta thiếu và yếu. Sản phẩm chủ yếu bán tươi, chế biến còn ít và chưa đa dạng mặt hàng… Từ đó, thu nhập của nhà nông, nhà vườn nhìn chung chưa cao.

Hiện nay, khi chúng ta đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) thì việc sản phẩm có thương hiệu có vai trò đặc biệt quan trọng vì nó không chỉ giúp hàng hóa đi xa hơn, nhiều hơn mà đem lại giá trị vượt trội. Từ thương hiệu sản phẩm ta có thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia.

Trong những năm gần đây, việc nhiều nhà đầu tư quan tâm đến sản xuất, chế biến nông sản đã tạo tiền đề hình thành nhiều vùng sản xuất trái cây lớn, trong đó nổi lên là tỉnh Sơn La. Nếu có nhiều địa phương như Sơn La, mục tiêu xuất khẩu 8-10 tỷ đôla, trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau, quả chế biến đạt 30% trở lên vào năm 2030 là hoàn toàn hiện thực.

Xây dựng thương hiệu cho trái cây, rau Việt là việc cần được đặc biệt quan tâm bởi thị trường trái cây, rau là rất lớn. Vấn đề là, cần cùng nhau hành động mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn trên cơ sở liên kết chặt chẽ hơn.

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top