Phản thịt lợn bị đổ đầy dầu luyn và chất bẩn
Có thể nói, sự việc trên chỉ là một trong hàng trăm vụ việc về tình trạng cạnh tranh “bẩn” diễn ra trong thời gian qua. Liên quan đến hành vi này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh cho rằng, để có căn cứ xử lý, trước tiên, cơ quan chức năng sẽ định giá trị số hàng bị đổ dầu luyn. Nếu số thịt trên có tổng giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì rất có thể người gây ra sự việc sẽ bị xử lý hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Điều 143 BLHS quy định về Tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản nêu rõ, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Trường hợp tài sản bị thiệt hại dưới 2 triệu đồng thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi đổ dầu luyn vào thịt lợn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong thời điểm bà con nông dân đang khốn đốn vì giá thịt lợn xuống thấp và các ban ngành liên quan đang triển khai các giải pháp để giúp người chăn nuôi giảm bớt thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống. Hành vi này xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Do vậy, cơ quan công an phường sở tại – nơi xảy ra sự việc cần sớm vào cuộc thu thập thông tin, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản bị thiệt hại, có biện pháp ngăn chặn hành vi tái diễn..