Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 9 năm 2020 | 11:42

Độc lập và Tự cường

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

1. Ngày 2 tháng 9 của 75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông báo với thế giới về một nước Việt Nam độc lập: “…Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

 

t4.jpg
Việt Nam hôm nay

 

Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, bằng sức mạnh đại đoàn kết, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết với các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, cùng ý chí tự cường “lấy sức ta giải phóng cho ta” là chính và với trí tuệ Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập ấy dù kẻ địch rất giàu, rất mạnh, như Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ,…

2. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Có thể hiểu: Dân tộc dốt thì không thể tự cường (NV). Bởi vậy, ngay sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, tại cuộc họp của Chính phủ lâm thời, 2 trong 6 nhiệm vụ cấp bách Bác đề ra cho Hội đồng Chính phủ lâm thời đề cập đến giáo dục: “Một là, cần “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”, hai là cần “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân ta bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”. Bác đặt vấn đề như vậy vì khi đó, trên 90% dân số Việt Nam mù chữ và dân ta bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột quá lâu với chính sách ngu dân.

Người chỉ rõ: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí”. Không một quốc gia nào có thể tiến hành xây dựng một chế độ xã hội mới và bảo vệ Tổ quốc thành công trong điều kiện văn hóa, dân trí, đạo đức, tinh thần xã hội thấp kém.

Bởi vậy, trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày Khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập - tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “... Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.” Người nhắn nhủ: “Non sông Việt Nam có thể trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Sinh thời, Người nhiều lần nhấn mạnh:  Giáo dục có quan hệ đến thịnh suy của đất nước, hưng vong của quốc gia.

3. Để xây dựng đất nước “Ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng ta, Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển giáo dục bởi giáo dục, đào tạo; xác định giáo dục, đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Trong đó giáo dục là điểm khởi đầu để mở mang, phát triển khoa học, công nghệ, qua đó giúp tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, làm giàu,...

Thực tế cho thấy, từ giáo dục, đào tạo, chúng ta có một nguồn lực đặc biệt quan trọng (nhân lực có kiến thức, có trình độ, có ý chí,…) để đánh thắng các cuộc xâm lược do các cường quốc – đế quốc vừa giàu có về tiền bạc vừa là những nước có nền khoa học phát triển hàng đầu.

Ngày nay, khi khoa học công nghệ trở thành một động lực của phát triển, chúng ta càng thấy được tầm nhìn xa của Bác.

Một lần nữa, cơ hội để chúng ta thực hiện khát vọng thịnh vượng và tự cường đã đến.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. 

Để tận dụng thành công cơ hội, sớm đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác 75 năm trước, giáo dục và đào tạo cần thực hiện sáng tạo Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm học này, chúng ta thực hiện Nghị quyết 29 bước căn bản đầu tiên (áp dụng chương trình mới, dùng nhiều bộ sách giáo khoa, triển khai phương pháp giáo dục mới đối với lớp 1,…), hy vọng đây là giải pháp đột phá để Việt Nam được thế giới nhắc đến không chỉ là quốc gia tạo cảm hứng trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là quốc gia tạo hứng khởi về tự cường và thành công trong xây dựng đất nước thịnh vượng..

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top