Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 4 năm 2022 | 10:34

Đổi thay ở Minh Hóa

Những năm qua, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trên khắp các vùng nông thôn ở huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình).

Việc triển khai thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Chuyển đổi cơ cấu, nâng cao thu nhập

Trò chuyện với phóng viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa, Trương Thị Thanh Bê cho biết: Trong lộ trình thực hiện Chương trình XDNTM, Minh Hóa luôn xác định: phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân để làm đòn bẩy thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. Chính vì thế, huyện đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Kết quả cho thấy, hướng đi của huyện đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, người dân có điều kiện sửa sang, xây dựng nhà cửa, góp công, góp sức XDNTM.

Nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Minh Hóa đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Một mặt, huyện tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó ưu tiên cho hệ thống giao thông, thủy lợi, phục vụ người dân đi lại, sản xuất, thông thương hàng hóa. Mặt khác, huyện chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, thâm canh tăng vụ, khai thác triệt để quỹ đất có khả năng đưa vào sản xuất.

 

anh-2up.jpg
Nét bản sắc văn hóa luôn được giữ gìn.

 

Những năm gần đây, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thời tiết bất lợi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng nên hiệu quả sản xuất được duy trì, có xu hướng được nâng lên. Mặt khác, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn các chương trình 30a, 135, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều diện tích đất trống, đồi trọc được sử dụng trồng rừng kinh tế. Các mô hình trang trại chăn nuôi, nông - lâm kết hợp được duy trì và phát triển.

Trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lạc tại xã Tân Hóa (diện tích 20ha); mô hình tiêu thụ thịt bò lai tại các xã Tân Hóa, Hóa Hợp, Trung Hóa ( 47 con, trọng lượng bò hơi trung bình 250 - 350 kg/con); mô hình nuôi ong lấy mật liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm mật ong ở xã Xuân Hóa (ban đầu có 40 hộ tham gia với tổng số 277 đàn ong giống; số đàn ong mới được nhân thêm trong kỳ 210 đàn, nâng tổng đàn ong của mô hình lên 487 đàn, hiện đang phát triển tốt…).

Đẩy mạnh tuyên truyền

Để Chương trình XDNTM đi vào cuộc sống, Minh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền. Các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện cùng vào cuộc tuyên truyền lồng ghép nội dung XDNTM qua các cuộc họp, sinh hoạt cơ quan, đơn vị. Các cơ quan chuyên môn phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông quan Ban chỉ đạo, tổ công tác, chi bộ, đảng bộ giúp bản đặc biệt khó khăn để tuyên truyền miệng về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện XDNTM.

 

anh-1up.jpg
Người dân xã Minh Hóa tham gia trồng đường hoa kiểu mẫu ở bản làng.

 

Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương cho biết, huyện thường xuyên phát động phong trào thi đua “Chung sức XDNTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” tới các xã, bản trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình XDNTM cũng như trách nhiệm tham gia của người dân.

Cán bộ, đảng viên ở các xã, bản và người có uy tín ở cộng đồng dân cư luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện XDNTM. Trên cơ sở đó, khơi dậy được sức dân trong XDNTM. Người dân các xã, bản trong huyện tích cực tham gia XDNTM bằng những việc làm cụ thể, như: Chỉnh trang nhà cửa, hiến đất, góp công sức làm đường giao thông, thi đua phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ XDNTM.

XDNTM thực sự đã trở thành phong trào lan tỏa đến từng người dân. Người dân đã nhận thức được vai trò của mình trong XDNTM, từ đó tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, vật chất để thực hiện các tiêu chí NTM.

Hiện nay, để từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM,  Minh Hóa đã và đang tranh thủ nhiều nguồn lực lồng ghép cho chương trình, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, ngành nghề, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

 

Kết quả thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã NTM:

Toàn huyện Minh Hóa có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Hóa Hợp, Trung Hoá, Xuân Hoá).

Tổng số tiêu chí đạt được toàn huyện: 201 tiêu chí, bình quân tiêu chí/xã toàn huyện: 14,36 tiêu chí/xã.

Kết quả theo nhóm tiêu chí: Đạt 19 tiêu chí: 3 xã; đạt 15-18 tiêu chí: 1 xã; đạt 10-14 tiêu chí: 8 xã; đạt từ 5-9 tiêu chí: 2 xã. Số xã đạt dưới 5 tiêu chí: 0 xã.

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top