Trở lại Đồng Lộc vào một sáng tháng 4 lịch sử, trong khí thế cả nước hướng về kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4 2016), tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một địa chỉ đỏ tâm linh, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong thời đánh Mỹ đã hy sinh anh dũng và nằm lại với đất trời Hà Tĩnh.
Đồng Lộc xưa
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo các ngành, địa phương thắp hương tri ân 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nằm bên dãy Trường Sơn với tổng diện tích 50,5ha đất đồi núi cằn cỗi. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, đi giữa là con đường độc đạo, bốn phía rừng núi bao bọc. Thời chiến tranh, mỗi lần bom Mỹ dội xuống, đất đá vùi lấp xuống cả mặt đường với chiều dài hơn 1km, cả tuyến đường huyết mạch nối liền ra tiền tuyến bị vùi lấp. Bấy giờ tất cả các ngả đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc nên nơi đây được ví như điểm giao thoa giữa hai miền Nam - Bắc. Vì thế, trong chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ đã tập trung toàn bộ hỏa lực vào đây hòng chia cắt không cho miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Một cựu chiến binh thuộc hạm đội 7 Mỹ sau 45 năm trở lại Việt Nam tìm đến Ngã ba Đồng Lộc, thắp hương viếng 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) đã nói với chúng tôi rằng: Do Ngã ba Đồng Lộc là điểm “yết hầu” của miền Trung Việt Nam, nếu người Mỹ cắt đứt được yết hầu này thì chiến trường miền Nam Việt Nam sẽ bị tê liệt, vì thế, chúng tôi là lực lượng phi cơ được giao nhiệm vụ trực tiếp oanh tạc miền Bắc Việt Nam suốt ngày đêm, kể cả mỗi khi chiến đấu trở về hạm đội bay qua bầu trời ngã ba này nếu còn lại bao nhiêu bom, đạn chúng tôi đều trút xuống nơi đây cho hết trước lúc hạ cánh.
Trước sự oanh tạc của máy bay Mỹ, lực lượng quân đội, TNXP, giao thông vận tải đã luôn túc trực kịp thời ứng cứu rà phá bom, mìn, san lấp hố bom nối liền mạch máu giao thông ra tiền tuyến. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm ác liệt nhất (từ tháng 3 đến tháng10/1968), không lực Hoa Kỳ đã trút xuống Ngã ba Đồng Lộc 48.600 quả bom các loại, tàn phá hủy diệt tất cả, Ngã ba Đồng Lộc chẳng khác gì trận đồ bát quái.
Chị Trần Thị Hường, một cựu TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc nhớ lại thời khắc lịch sử, vào hồi 17 giờ ngày 24/7/1968, tiểu đội 4 thuộc đại đội 2 – Tổng đội TNXP CP55 tỉnh Hà Tĩnh, tiểu đội của 10 cô gái tuổi đời mười tám đôi mươi được giao nhiệm vụ san lấp hố bom, dọn đường thông xe sau một đợt bom Mỹ thả xuống. Suốt ngày, đêm quần quật không hề ngơi tay, vừa lao động vừa cảnh giác với lũ “quạ đen”. Vào khoảng 17 giờ ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, trong loạt bom đó có một quả rơi trúng cửa hầm nơi các cô trú ẩn, thế là cả 10 cô gái như 10 bông hoa trinh liệt đã anh dũng hy sinh để cho Ngã ba Đồng Lộc ngày nay trở thành địa chỉ đỏ của tuổi trẻ cả nước.
... Và nay
Sau cuộc chiến tranh thảm khốc, đến năm 1972, huyện Can Lộc, xã Đồng Lộc phối hợp với lực lượng bộ đội công binh, TNXP, ngành giao thông vận tải tổ chức chiến dịch rà phá bom mìn, hàng ngàn quả bom nổ chậm, bom bi, bom sát thương đến cả những quả bom tấn đều được dân phát hiện và các chiến sỹ công binh đưa lên khỏi mặt đất tập kết an toàn. Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt nhưng có không ít chiến sỹ quân đội, TNXP, giáo viên, học sinh và người dân nơi ngã ba này vĩnh viễn nằm xuống bởi bom đạn còn sót lại.
Trồng cây lưu niệm để phủ màu xanh cho Đồng Lộc.
Ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, tâm sự, sau cuộc chiến tranh ác liệt ấy, Ngã ba Đồng Lộc đã biến thành vùng đất chết, cả một thời gian dài nơi đây không hề có bất kỳ một loài cỏ cây gì ngoi lên được. Đến năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Đồng Lộc được hồi sinh trở lại. Thời điểm này (1976-1977), huyện Can Lộc đã huy động toàn bộ lực lượng, trong đó chủ yếu là học sinh từ các nhà trường tham gia trồng cây gây rừng trên tổng diện tích 13,7ha, sau đó được phủ xanh lên tới 31,5ha. Phải mất hàng chục năm trầy trật, toàn bộ đất trống đồi núi trọc mới được phủ xanh bằng các loại thông, bạch đàn, keo… Đồng thời, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong nước tri ân đầu tư một số dự án cho Ngã ba Đồng Lộc như: Tượng đài chiến thắng; quần thể di tích lịch sử bao gồm: quy hoạch lại khu mộ của 10 cô gái; làm nhà bia tưởng niệm TNXP, giao thông vận tải cả nước; xây dựng nhà ở và làm việc của Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; tháp chuông lớn; tái tạo quần thể di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thời chiến tranh…
Đi đôi với xây dựng quần thể di tích, nhiệm vụ phát triển trồng cây, gây rừng luôn được đặt lên hàng đầu, mỗi dịp Tết đến xuân về, kể cả những ngày thường, Ngã ba Đồng Lộc được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương trực tiếp tham gia trồng cây lưu niệm.
Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, vết thương chiến tranh đã dần lùi xa, trước mắt du khách là cả một màu xanh trùng điệp khép kín, dưới rừng cây là cả một quần thể được xây dựng uy nghi, tráng lệ tái hiện tất cả những gì cuộc chiến tranh đã từng xảy ra nơi đây.
Và hôm nay, ở ngã ba lịch sử này, từng đoàn người thập phương tấp nập về với nơi địa chỉ đỏ để cúi đầu kính viếng hương hồn của 10 cô gái TNXP trinh liệt đã ngã xuống. Bốn phía điệp trùng thông reo gió hát, dưới ánh nắng chiều vàng nhạt, xa xa nghe tiếng chuông chùa vọng về như nhắc nhở mọi người hãy về đây, về với cội nguồn của một cõi tâm linh, nơi ngã ba anh hùng để tâm niệm mình đã làm được gì cho Tổ quốc hôm nay.
Anh Bình
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.