Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2016 | 2:2

Dự án “ngân hàng bò” ở Mường Khương: Từ “cho không” đến gắn trách nhiệm

Nếu như trước đây, các mô hình thuộc dự án giảm nghèo đều thực hiện hình thức hỗ trợ “cho không”, thì nay với cách làm mới, dự án hỗ trợ nông dân nuôi bò sinh sản tại huyện Mường Khương (Lào Cai) đã chuyển từ hỗ trợ 100% con giống sang hỗ trợ có đối ứng của người dân.

Ông Ly Phủ Mìn, thôn Na Vang, xã Lùng Khấu Nhin vui mừng vì mình giàu lên nhờ Dự án “ngân hàng bò”.

Gia đình ông Lùng Lìn Sương, ở thôn Na Vang, xã Lùng Khấu Nhin được hỗ trợ 7,5 triệu đồng để mua bò giống từ dự án nuôi bò sinh sản huyện Mường Khương. Ông đã bán ngô, lúa để thêm tiền mua một con bò giống với giá hơn 22 triệu đồng. Với nông dân vùng cao đó là tài sản lớn, nên ông và các hộ trong nhóm cùng sở thích nuôi bò ở thôn Na Vang đã lặn lội đến các vùng có giống bò địa phương như Cốc Cáng (Dìn Chin), Pạc Tà (Nấm Lư), Văng Leng (Tung Chung Phố)… để tìm mua bằng được con giống tốt.

Cũng như gia đình ông Sương, hoàn toàn đặt niềm tin vào dự án nuôi bò sinh sản nên gia đình ông Ly Phủ Mìn, thôn Na Vang, xã Lùng Khấu Nhin cũng không ngần ngại bỏ ra thêm 22,5 triệu đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của dự án để mua một cặp bò trị giá 30 triệu đồng. Ông Mìn cho biết: “Gia đình tôi cũng như bà con trong nhóm hộ đều rất mừng vì nguồn hỗ trợ từ dự án giúp các gia đình có thêm động lực phát triển chăn nuôi. Việc gia đình tôi cũng như các hộ dân bỏ thêm tiền và được tự tìm con giống sẽ giúp dự án phát huy hiệu quả và người dân có trách nhiệm hơn”.

Nhóm hộ chăn nuôi bò sinh sản thôn Na Vang có 14 gia đình người Nùng tham gia đều thuộc diện hộ nghèo, nhưng các hộ quyết tâm ngay từ khi lựa chọn tham gia mô hình, tìm mua con giống và chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh theo đúng kỹ thuật. Mặc dù được hỗ trợ 105 triệu đồng, nhưng qua thực tế triển khai, thống kê chi phí mua bò cho thấy, các hộ dân đã bỏ thêm 159 triệu đồng tiền mua con giống. Ngoài số lượng bò giống theo hỗ trợ, một số nhóm hộ chăn nuôi bò sinh sản thôn Na Vang đã mua thêm 4 con bò giống nhằm tăng đàn, phát triển quy mô tập trung. Tham gia dự án nuôi bò sinh sản theo nhóm hộ, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò… 

Dự án nuôi bò sinh sản huyện Mường Khương được triển khai tại các xã: Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin và Nấm Lư. Đây là các địa phương đã từng tham gia thực hiện dự án sinh kế thôn, bản, sinh kế phụ nữ với các mô hình nuôi lợn hướng nạc, trồng đậu tương, trồng gừng…

Để tiếp tục giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm nguồn lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, Ban quản lý Dự án giảm nghèo huyện Mường Khương đã khảo sát nhu cầu phát triển kinh tế hộ, dựa trên thực tế tại cơ sở, từ đó lập kế hoạch để dự án hỗ trợ. Sau khi tiến hành các bước lấy ý kiến và khảo sát nhu cầu thực tế của người dân, bà con tại các thôn vùng cao của 3 xã đã đề xuất nhu cầu phát triển chăn nuôi bò là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cũng như tập quán chăn thả của đồng bào. Theo đó, dự án đã hỗ trợ 7,5 triệu đồng/hộ (gồm con giống, thuốc thú y, xây hố chứa chất thải gia súc) cho 67 hộ ở 5 thôn. Điểm nổi bật của dự án là thực hiện hỗ trợ theo hình thức “sau đầu tư”, người dân tự tìm mua con giống, tự lên kế hoạch chăn nuôi cho chính gia đình mình, khác hẳn với hình thức hỗ trợ quen thuộc trước đây: Dự án mua con giống ở một cơ sở cung ứng, rồi cấp phát cho các hộ chăn nuôi. Để tránh tình trạng “mượn bò” đối phó với dự án, Ban quản lý Dự án giảm nghèo huyện Mường Khương đã phối hợp với chính quyền địa phương, trưởng các nhóm chăn nuôi thuộc các tiểu dự án tiến hành đánh dấu từng con bò giống sau khi hỗ trợ tiền và nghiệm thu con giống đạt yêu cầu, tiêu chuẩn mà dự án đặt ra (tối thiểu bò giống phải đạt trọng lượng 120 kg/con).

Thôn Nấm Ọc, xã Nấm Lư là 1 trong 5 tiểu dự án nuôi bò sinh sản của huyện Mường Khương với 15 hộ dân tham gia nhóm. Ông Lò Vần Kinh, Trưởng nhóm nuôi bò sinh sản thôn Nấm Ọc cho biết: Trước đây, các hộ trong nhóm chưa từng nuôi bò. Sau khi họp và bàn với nhau, tự hạch toán kinh tế cho thấy, với một con bò giống có giá 18 - 22 triệu đồng, sau 3 năm nuôi sẽ sinh sản được 2 con bê, người chăn nuôi sẽ thu hồi vốn, thậm chí có lãi. Mặt khác, nuôi bò dễ chăm sóc, giá trị thu nhập cao, do vậy, các hộ đã bỏ thêm nguồn vốn đối ứng để tham gia nuôi bò”.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mường Khương, cho rằng: “Mặc dù dự án mới được triển khai trên địa bàn huyện nhưng bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng với quyết tâm cao của bà con. Với hình thức chuyển dần từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có đối ứng của người dân, bà con có trách nhiệm hơn, ý thức hơn với nguồn vốn hỗ trợ, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, dự án đã tác động đến phát triển chăn nuôi gia súc tại vùng cao, đồng thời hướng người dân chuyển sang phát triển kinh tế theo quy mô lớn”.

Hiện có nhiều hộ nông dân tự bỏ vốn đối ứng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần nguồn vốn hỗ trợ của dự án để mua con giống và chăm sóc. Dự kiến đầu năm 2017 sẽ có thêm 13 con bê được sinh ra từ các con bò giống sinh sản của dự án.

Rõ ràng, dự án nuôi bò sinh sản đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân vùng cao Mường Khương. Họ đã thấy được trách nhiệm của mình đối với nguồn hỗ trợ của dự án cũng như số tiền do chính gia đình mình bỏ ra. “Thành công của dự án sẽ giúp huyện Mường Khương chuyển dần hướng hỗ trợ từ “cho không” sang gắn trách nhiệm đối với các chương trình, dự án đầu tư sau này”, ông Thành khẳng định.

Nam Cường

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top